Chuyện... tái cấu trúc

Cụm từ “tái cấu trúc” thời gian qua được nói đi nhắc lại một cách liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng, như tái cấu trúc nền kinh tế, ngân hàng, chứng khoán, doanh nghiệp… Từ đó nó trở thành thuật ngữ phổ biến lan ra bàn nhậu, gia đình và cả câu chuyện vỉa hè suốt năm qua.

Cụm từ “tái cấu trúc” thời gian qua được nói đi nhắc lại một cách liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng, như tái cấu trúc nền kinh tế, ngân hàng, chứng khoán, doanh nghiệp… Từ đó nó trở thành thuật ngữ phổ biến lan ra bàn nhậu, gia đình và cả câu chuyện vỉa hè suốt năm qua.

1. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế nước ta, từ đó những “căn bệnh” cố hữu của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) kéo theo “sức khỏe” của nền kinh tế dần lộ diện. Vấn đề đang đặt ra là “tái” như thế nào, “tái” cái gì trước, cái gì sau.

Có ý kiến cần cắt giảm đầu tư công, có ý kiến yêu cầu bán bớt DNNN, có ý kiến đề xuất thay đổi ở cấp cao hơn như vấn đề đổi mới thể chế kinh tế...

Một chuyên gia chứng khoán nói: “Trong các “đứa con” của nền kinh tế, đứa con nào cũng đang vật lộn với những căn bệnh. Bất động sản đóng băng, vỡ nợ; ngân hàng mất thanh khoản, lãi suất cao; chứng khoán liên tục phá đáy, niềm tin mất dần; DNNN hoạt động trì trệ, yếu kém...

Nhiều chính sách quan trọng được trình lên Chính phủ nhằm vực dậy nền kinh tế nhưng chỉ nghe nói đến tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, thị trường bất động sản, DNNN mà mặc nhiên không nghe nói đến tái cấu trúc thị trường chứng khoán (TTCK)“.

Vì vậy một vị quản lý TTCK cho rằng: “Tái cấu trúc đầu tiên là giảm đầu tư công, thúc đẩy đầu tư tư nhân; tái cấu trúc DNNN nhằm giảm đầu tư ngoài ngành cũng phải phát triển doanh nghiệp tư nhân, mà doanh nghiệp tư nhân phát triển phải dựa vào TTCK. Hay cải cách DNNN phải cổ phần hóa cũng dựa vào TTCK”.

Nghe cũng có lý, nhưng có vẻ làm sao ấy, kiểu “kỳ nhông là ông kỳ đà, kỳ đà là cha cắc ké, cắc ké là mẹ kỳ nhông...”.

Câu chuyện tái cấu trúc ngân hàng xem ra còn phức tạp hơn. Bởi một trong những điều kiện để “tái” hệ thống ngân hàng là sáp nhập những ngân hàng yếu, thiếu thanh khoản. Nhưng rõ ràng không hề dễ khi sáp nhập chỉ dựa trên sự tự nguyện chứ không bắt buộc.

Cuối năm 2011 đã có 3 ngân hàng tự nguyện sáp nhập (sau đó Ngân hàng Nhà nước đính chính lại là hợp nhất) với sự hỗ trợ của Ngân hàng Đầu tư (BIDV) và “chống lưng” của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Như vậy, xem ra hệ thống ngân hàng chúng ta không bao giờ đổ vỡ, vì đó là lĩnh vực nhạy cảm lại dễ “gãy” theo kiểu domino, nên nhà nước sẵn sàng “bảo kê”.

Có lẽ vì vậy mà chẳng ngân hàng nào “buông súng đầu hàng”! Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Đảm bảo quyền lợi cho tất cả các bên, đặc biệt khách hàng gửi tiền là định hướng của các giải pháp trong đề án tái cấu trúc ngân hàng.”

Nghe cũng yên tâm. Nhưng với người dân “đồng tiền đi liền khúc ruột”, chuyện hứa phải có quy định, có luật (hiện Luật bảo hiểm tiền gửi chỉ mới là dự thảo), trong khi hiện nay theo quy định gửi bao nhiêu tỷ đồng cũng chỉ được bảo hiểm tối đa 50 triệu đồng.

2. Câu chuyện tái cấu trúc không chỉ trên bàn nghị sự, mà còn nóng lên ở những doanh nghiệp... nhỏ xíu theo kiểu gia đình. Số là nhóm tụi tui (bạn đồng môn từ thời học cấp 3) lâu lâu lại có cuộc gặp nhau tán gẫu ở quán cà phê hoặc quán nhậu. Cứ mỗi lần gặp nhau là cả sáu đứa rôm rả chuyện làm ăn, cái được, cái mất...

Nhưng quan trọng nhất là chia sẻ công việc làm. Hùng là người khá nhất (nói khá chẳng qua hơn 5 đứa kia do làm chủ một cơ sở sản xuất  nho nhỏ kiểu gia đình được “hưởng sái” của nhà vợ), 5 đứa còn lại là nhân viên quèn.

Chuyện ăn nhậu thường Hùng lo và đặc biệt thường giúp cho gia đình 5 đứa tụi tui làm thêm để cải thiện thu nhập. Do vậy mỗi khi Hùng “nổ” là cả nhóm nín thinh.

Năm nay có khác, lần gặp nhau mới đây Hùng có vẻ đạo mạo hơn và lo toan hơn, nói: “Làm ăn khó quá mấy ông ơi, hàng làm ra bán chẳng ai mua, cạnh tranh dữ quá, khắc nghiệt quá... Có lẽ phải tái cấu trúc cách làm ăn hiện nay. Bây giờ nền kinh tế đang được tái cấu trúc lại, ngân hàng cũng tái cấu trúc nên những cơ sở làm ăn như tui cũng phải “tái” chứ không họ thôi cho vay”.

Nghe có vẻ quan trọng nên Trinh, một người bạn trong nhóm ở gần nhà Hùng buộc miệng: “Mày lên công ty chưa?”. “Chưa. Nếu đã lên công ty thì tao đã tái cấu trúc rồi” - Hùng trả lời.

Trinh tiếp: “Làm ăn kiểu gia đình như mày, chỉ là mua xốp về cho thợ dập khuôn ra dép rồi đi bỏ mối; hay mua vải cho người ta gia công áo quần rồi đưa ra chợ Tân Bình (TPHCM). Vậy có gì mà “tái” với “cấu”.

Câu chuyện bắt đầu căng thẳng, lại thêm “rượu vào lời ra” nên Hùng lớn tiếng: “Tụi mày đúng là “ếch ngồi đáy giếng”, chẳng biết thế nào về vấn đề thời sự hiện nay. Tình hình kinh tế khó khăn chồng chất mà tụi mày cứ như “người trên trời”. Đúng là những người làm nghèo đất nước”.

Có lẽ không chịu được cách nói quá đáng của Hùng, Nam - một người bạn trong nhóm phản ứng: “Tao thấy tính toán trong mua bán của vợ chồng mày chỉ là tính rợ hay bằng cái máy tính cầm tay. Thậm chí thời buổi hiện đại mà mày còn không biết dùng máy vi tính để lên internet tìm hiểu thông tin mà đi nói chuyện vĩ mô với tụi tao. Tao nghĩ cái “tái” đầu tiên của mày là “tái” chất lượng sản phẩm và đừng có “cấu” vào sự làm ăn gian dối lâu nay của mày là ổn rồi”.

Hùng nóng mặt: “Tao sẽ “tái” tụi mày...”. Cảm thấy bất ổn, ngồi trên bàn nhậu cãi vã không hay, nên tôi tìm cách thoái thác xin về trước. Nghe đâu từ câu chuyện hôm ấy Hùng làm “lạnh” với cả nhóm đã thân nhau gần 20 năm cũng chỉ vì... tái cấu trúc.

3. Vợ tôi làm ở một cơ quan nghiên cứu của thành phố. Một bữa về nhà thấy vẻ mặt ủ rũ, tôi hỏi: Có chuyện gì ở cơ quan hả em?

Vợ tôi bắt đầu kể: “Hôm rồi họp cơ quan, một vị nguyên trưởng ban đứng lên tuyên bố làm mọi người sửng sốt: Theo tôi đến lúc này chúng ta phải tái cấu trúc cung cách làm việc, tái cấu trúc từ ban lãnh đạo, sau đó là bộ phận chuyên môn, rồi tới các phòng - ban, nhân viên.

Em nghe qua cũng đúng, bởi một cơ quan nghiên cứu phải luôn thay đổi theo mô hình mới, đáp ứng yêu cầu quản trị hiện đại thế giới áp dụng. Ai có năng lực thì bồi dưỡng, nâng lương; ai không đáp ứng thì chuyển việc khác, nếu không hoàn thành thì cho nghỉ việc; người và việc phải rõ ràng, công bằng.

Em sửng sốt là sao ông ấy dám nói thế, như vậy là đụng chạm đến rất nhiều người trong cơ quan. Và em lại càng sửng sốt hơn khi ông ấy có làm gì được đâu mà bảo mọi người phải “tái” với “cấu”. Chính ông làm không được nhưng do thuộc bậc “lão làng” trong cơ quan nên lãnh đạo chơi chiêu “dĩ hòa vi quý” bằng cách đưa qua phòng chuyên viên.

Trong cơ quan bắt đầu có nhiều luồng ý kiến, có người cho rằng ông ấy nói đúng, phải tái cấu trúc để giữ thương hiệu và vị thế, nhất là trong lúc kinh tế khó khăn này chúng ta phải “thay máu”. Song có ý kiến không đồng ý nhưng phản đối bằng đường vòng, cho rằng ông ấy phải “tái” con người và công việc của ông ấy trước rồi hãy bàn đến cơ quan.

Em chẳng liên quan về công tác nhân sự hay việc cải tổ bộ máy nên không quan tâm, nhưng cũng từ hôm ấy mọi người trong cơ quan hình như có tâm trạng bất an và ai cũng bắt đầu... thủ thế. Thế mới khổ.”

Câu chuyện tái cấu trúc không chỉ dừng lại ở đó, mà lan ra cả các quán cà phê vỉa hè. Không bàn tán xôn xao như các giải đá banh, nhưng cũng đủ cho các vị bô lão, người về hưu và các bác xe “ôm” sáng sáng tụ tập ở quán cà phê vỉa hè bàn luận sôi nổi về đề tài tái cấu trúc sau khi điểm trên báo.

Các tin khác