Dồi dào nguồn cung trái phiếu
Giữa tháng 11, BIDV đã phát hành ra công chúng 400.000 trái phiếu với 2 loại kỳ hạn 7 năm và 10 năm. Tổng khối lượng vốn cần huy động qua trái phiếu này 4.000 tỷ đồng. Trong đó, số lượng trái phiếu kỳ hạn 7 năm đáo hạn vào năm 2025 được chào bán 300.000 trái phiếu tương đương 3.000 tỷ đồng, trái phiếu kỳ hạn 10 năm đáo hạn vào năm 2028 có khối lượng chào bán 100.000 trái phiếu, tương đương 1.000 tỷ đồng.
Lãi trái phiếu được NH thanh toán sau, định kỳ vào ngày tròn năm so với ngày phát hành trái phiếu. Lãi suất áp dụng cho toàn bộ 400.000 trái phiếu là lãi suất thả nổi. Lãi suất tham chiếu là trung bình cộng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng VNĐ trả sau cho kỳ hạn 12 tháng, hoặc tương đương của 4 NH BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank công khai trên website chính thức.
Theo đó, lãi suất trái phiếu 2025 sẽ là lãi suất tham chiếu cộng thêm 0,8%/năm; lãi suất trái phiếu 2028 tính theo lãi suất tham chiếu cộng 1%/năm. Thời hạn BIDV nhận đăng ký mua từ ngày 12-11 đến ngày 11-12 tại các chi nhánh, phòng giao dịch của NH.
Trước đó, BIDV cũng đã phát hành thành công 3.450 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm, 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm, 300 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 210 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 12 năm.
Trong khi đó, Vietcombank cũng có 7 lần phát hành trái phiếu; Vietinbank có 2 đợt phát hành trái phiếu để thực hiện kế hoạch phát hành 4.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm nay; MB phát hành trái phiếu kỳ hạn 5 năm và 1 ngày với tổng giá trị 1.400 tỷ đồng; VIB huy động được 2.800 tỷ đồng và để ngỏ khả năng phát hành thêm trái phiếu thời gian tới. Còn HDBank dự kiến phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu đợt 3 năm 2018, và ACB cũng dự kiến phát hành 2.000 tỷ đồng…
Lợi ích đi kèm rủi ro
Lợi ích đi kèm rủi ro
Trước đây, kênh trái phiếu ít được nhà đầu tư cá nhân quan tâm vì cho rằng kênh này chỉ phù hợp với nhà đầu tư tổ chức có vốn lớn. Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều NH và doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhắm vào nhiều đối tượng khách hàng, nhà đầu tư cá nhân bắt đầu tham gia nhiều hơn.
Trong đợt phát hành trái phiếu ra công chúng năm 2018, trong tháng 6 Vietinbank huy động được 2.435,1 tỷ đồng, chủ yếu từ các nhà đầu tư nội. Trong đó, nhóm 263 nhà đầu tư tổ chức chi hơn 1.558 tỷ đồng và nhóm các nhà đầu tư cá nhân hơn 3.100 người chi gần 878 tỷ đồng.
Anh Thanh Tú, một nhà đầu tư ở TPHCM, cho biết trong thời điểm này kênh đầu tư trái phiếu có nhiều ưu điểm vì các NH phát hành nhiều mệnh giá, nhiều kỳ hạn. Đầu tư vào trái phiếu không phải lo lắng và theo dõi thường xuyên như đầu tư cổ phiếu.
Hiện nay, khi công bố thông tin phát hành trái phiếu, một số NH sử dụng hình thức quảng cáo thông qua điện thoại, nên nhiều nhà đầu cá nhân cũng được tiếp cận và tư vấn kỹ thông tin. Hơn nữa, kênh đầu tư này có lãi suất cao hơn lãi suất các sản phẩm tiết kiệm của NH, trong khi rủi ro cũng thấp hơn các kênh khác.
Chẳng hạn Vietcombank phát hành trái phiếu có mệnh giá 100.000 đồng, kỳ hạn 6 năm với lãi suất huy động lên đến 7,475%/năm. Vietinbank phát hành trái phiếu không chuyển đổi, không được đảm bảo bằng tài sản có kỳ hạn 10 năm, số lượng đăng ký mua tối thiểu 5 trái phiếu, (tương đương 50 triệu đồng tính theo mệnh giá), với lãi suất thả nổi điều chỉnh định kỳ 12 tháng/lần, và cam kết mức lãi suất này luôn đảm bảo cao hơn 0,8%/năm so với bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân kỳ hạn 12 tháng của 4 NHTM có vốn nhà nước còn lại.
Theo CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), hoạt động phát hành trái phiếu của các NH với khối lượng lớn, liên tục, nhất là trong những tháng cuối năm, do sự thiếu hụt về vốn và mục tiêu đáp ứng chuẩn hệ số CAR. Thanh khoản tại đa số NH đang trở nên căng thẳng khi tốc độ tăng trưởng huy động tiền gửi thấp hơn tăng trưởng tín dụng. Tăng trưởng huy động vốn của BIDV, Vietinbank, Vietcombank trong tháng đầu năm lần lượt 10,9%, 9,7% và 9,2%, trong khi tăng trưởng tín dụng của các NH này lần lượt 11,5%, 11,9% và 15,1%.
Còn đối với hệ số CAR, theo Thông tư 41 của NHNN, công thức tính hệ số CAR cũng có sự thay đổi. Thay vì dùng công thức vốn tự có chia tổng tài sản “có” rủi ro theo quy định tại Thông tư 36/2014, nay mẫu số tính cả tổng tài sản tính theo rủi ro tính dụng, vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động và vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường… Với cách tính mới này, hệ số CAR tại các NH có thể sụt giảm đáng kể.
Việc phát hành trái phiếu sẽ khiến các NH chịu rủi ro lãi suất tăng, do đa phần trái phiếu phát hành có kỳ hạn dài. Điều này có thể khiến lợi nhuận của các NH phát hành trái phiếu chịu áp lực nhất định trong các năm tới. Vì thế, khi phát hành hàng ngàn tỷ đồng trái phiếu, các NH cần có kế hoạch sử dụng vốn và đáo hạn đầy đủ để giảm áp lực trả lãi và gốc khi đáo hạn, tránh tình trạng đến thời điểm đáo hạn lại phải phát hành thêm lượng lớn trái phiếu để trả gốc lãi cho nhà đầu tư. |