Cô gái Phú Phụng

Cơn mưa cuối mùa vẫn không ngớt. Phương trở mình chui ra khỏi cái giường tập thể ấm áp, sửa soạn đồ đạc cho chuyến công tác đặc biệt mà tổng biên tập đã tin tưởng dặn đi dặn lại mấy lần: “Cậu nhớ đi sâu vào nội tâm của cô giáo trẻ dạy bình dân học vụ này… nghe đâu cô ấy tình nguyện về Phú Phụng, đêm nào cũng đốt đuốc dạy xóa dốt cho bà con…”.

Cơn mưa cuối mùa vẫn không ngớt. Phương trở mình chui ra khỏi cái giường tập thể ấm áp, sửa soạn đồ đạc cho chuyến công tác đặc biệt mà tổng biên tập đã tin tưởng dặn đi dặn lại mấy lần: “Cậu nhớ đi sâu vào nội tâm của cô giáo trẻ dạy bình dân học vụ này… nghe đâu cô ấy tình nguyện về Phú Phụng, đêm nào cũng đốt đuốc dạy xóa dốt cho bà con…”. 

Ảnh minh họa của H.LONG 

Ảnh minh họa của  H.LONG 

Hai mươi sáu tuổi, lại có thâm niên gần bảy năm làm phóng viên trong chiến trường, Phương đã dày dạn nhiều.

Với anh, một mình thực hiện chuyến công tác đêm như thế này, giữa không gian quê hương vừa giải phóng, lại càng thú vị. Đeo khẩu “côn đui” vào thắt lưng, khoác cái áo xanh “quân giải phóng”, hai túi đã có sẵn công lệnh và thẻ nhà báo, Phương vác máy ảnh lên đường.

Chiếc xe SS72 “trưng dụng” - từ tiền bán hai con bò của bà Sáu, mẹ anh - chồm lên chồm xuống liên hồi vì đường xóc.

Mưa vẫn nặng hạt, đường từ thị xã sang Cái Sơn lại tối đen như mực, chỉ có ánh đèn pha của chiếc xe là kiêu hùng quét thẳng vào bóng đêm. Qua khỏi nhà thờ Cái Sơn, ánh dương lấp ló cộng với hàng tỷ tỷ giọt nước mưa tạo ra một tấm mành trắng xóa.

Phương cố giương cặp mắt trông lên, đường trơn trợt quá… Một bóng người đứng nép bên vệ cỏ đội nón lá vẫy vẫy tay, Phương rề xe dừng lại.

- Chú ơi cho con đi nhờ lên Chợ Sách.

À, ra là một cô gái đi nhờ xe. Có lẽ còn trẻ nên cô ta mới xưng hô chú cháu, mà cũng không trách được, anh đang mặc áo mưa trùm kín mà. Phương tự nhủ rồi phẩy tay:

- Lên đi. Đi đâu sớm dzậy?

- Dạ, con… à em… đi dạy học - cô gái nhận ra mình hơi hố nên lí nhí… Cả hai cùng cười.

Cô gái leo lên xe, một dòng hơi ấm tỏa ra bên trong chiếc áo mưa sùm sụp - mùi hương bồ kết cứ ngây ngây, dài dại. Tuy có áo mưa nhưng Phương đã thấm lạnh. Trên đoạn đường xa và cô đơn vì giá rét, người xa lạ bỗng trở nên gần gũi hơn.

Trước mặt Phương là rạch Bà Uôm, bình thường chỉ là một dòng nước nhỏ nhưng hôm nay, nó như cái túi chứa khổng lồ, nước dâng gần ngập lòng tấm vỉ sắt côngtainơ mà người ta bắc ngang làm cầu. Phương ghì chặt tay lái. “Mưa như vầy là trơn lắm đó” - cô gái ngồi sau la ríu rít, hai bàn tay thon bấu vào hông anh chặt cứng, miệng hoảng hốt:

- Cho em xuống đi bộ, coi chừng té.

- Ngồi yên hôn, té chết hết bây giờ. Ui, làm gì mà nhéo đau quá? Bắt mệt với cô hà!

Tay lái Phương loạng choạng, anh đang mất thăng bằng. Kinh nghiệm nhiều năm cầm lái đã không thắng nổi cái rùng mình do lạnh. Tay ga Phương xiết chặt, tiếng máy rú mạnh nghẹt thở, phần bánh trước cán lên những “gờ sống trâu” của vỉ sắt làm ghi đông quặt ra bên ngoài.

Phương bóp siết cả thắng tay, ămbraiya, đạp rít luôn cái thắng chân nhưng người và xe cứ lao ầm xuống nước. Truồi lên lấy hơi sau cú choáng, Phương thò tay tóm lấy cơ thể mềm mại đang chới với dưới làn nước và lôi bằng hết sức mình. Vẫn không thắng nổi dòng nước ùng ục, anh bặm môi hít một hơi dài rồi lặn xuống đẩy… cô gái về phía nước cạn nhất.

Thẻ nhà báo, tiền, súng, xắc cốt đều thấm nước nặng, Phương hì hụi đẩy, kéo chiếc xe vào trong khi cô gái lầm lũi gom mọi thứ phơi cho khô, một tiếng thỏ thẻ run run như vừa nín khóc:

- Em xin lỗi anh… nhà báo. Cám ơn anh vì nếu không có anh cứu chắc em chết rồi!

Phương vẫn lặng yên, anh thầm ngạc nhiên vì sao cô ta lại biết mình làm báo. Anh cảm thấy xót xa, vì mình mà cô giáo phải ướt hết đồ đạc, lấm lem cả người, nay anh còn làm cho cô buồn khóc. Cái vuốt tóc cảm thông của chàng thanh niên càng làm cho đôi vai nhỏ run lên bần bật.

Chiếc xe do uống no nước nên chết dí chẳng thèm nổ máy. Hai người trẻ tuổi một nam một nữ thong dong cất bước. Người con gái tay xách tay mang nào áo, mũ, nào xắc cốt rồi túi xách. Chàng trai đẩy xe, hai người vừa đi vừa nói chuyện.

Rất nhiều người quen với Phương đi ngang dừng lại hỏi han rồi cười ẩn ý, có người còn trêu ghẹo: “Lấy vợ hồi nào dzậy nhà báo?” làm anh đỏ tía mặt, cô gái đi cùng cúi mặt chẳng dám ngó lên nhưng đôi lúc lại cười e ấp.

Bây giờ Phương mới biết cô tên Loan, là giáo viên xóa dốt tình nguyện về Chợ Sách dạy. Anh không ngờ nhân vật mình định viết ký chân dung lại là cô, rất dịu dàng, xinh đẹp và cũng lại rất gần, đến nỗi hương tóc cô dù đã ngâm dưới nước khi nãy vẫn phả vào mặt mũi anh.

Nhưng điều làm Phương bất ngờ lớn nhất là sau khi tìm hiểu ngọn nguồn, anh mới hay cả gia đình Loan đã sang Hoa Kỳ từ trước 30-4, cái ngày anh cùng đồng đội ở báo Chiến Thắng tiến vào giải phóng thị xã. Vậy mà Loan, cô giáo trẻ tình nguyện của anh lại can đảm ở lại một mình, lại còn tham gia công tác Đoàn và đi dạy xóa dốt tình nguyện. Quả là đáng khâm phục!

* *

Ông già sửa xe bên vệ đường lắc đầu cho biết phải lên thị xã mới mua được phụ tùng thay thế, mà đường lên trên đó mất gần nửa ngày, qua một đò nhỏ và phà Hàm Long. Phương và Loan đều bối rối, cả hai đành ngồi chờ vì chiếc xe cũng đã rã máy rồi.

Nhìn ông già sửa xe leo lên chiếc mobylết cà xịch, Phương ngán ngẩm rút thuốc ra hút. Làn khói trắng phả lên cao cuộn theo bao bất ngờ mà anh vừa khám phá về Loan. Phương cũng đâu biết rằng ánh mắt cô vẫn dõi theo vóc dáng cao lêu nghêu, mái tóc bồng nghệ sĩ của chàng nhà báo trẻ tuổi. Chuyện đời chuyện nghề của cả hai đều phơi bày với nhau qua câu chuyện giết thời giờ, cũng là công việc của Phương…

Trời nhuốm chiều, ông già vẫn chưa thấy về, mưa vẫn rả rích rơi, làng xóm vắng tanh cách nhau cả cây số mới có một nóc nhà. Phương cũng không biết cách nào hơn là lội ra quán cóc cách đó gần bốn cây số mua vài củ khoai lang luộc và nhúm muối mè về ăn đồng thời… giữ tiệm cho ông vì chẳng còn ai ở đấy.

Tiếng nhái bầu đã rền vang, trong túi còn cục xà bông Cô Ba, Phương ra ao tắm trước vì mình mẩy vẫn bê bết bùn đất từ sáng. Tắm xong anh đặt mạnh mình lên tấm ván gõ rồi đi vào giấc ngủ sảng khoái sau một ngày đầy ắp sự kiện.

Thật tình Phương cũng không biết Loan làm gì sau đó, chỉ khi nửa đêm tỉnh giấc, anh đã thấy xung quanh tối thui còn trên người là tấm mền ai đắp sẵn.

- Anh có lạnh không? - tiếng Loan thỏ thẻ, cô tiếp: Ông già sửa xe chưa về. Em thấy anh mệt quá nên không dám đánh thức.

Ôi trời, bây giờ Phương mới biết Loan đã nhường tấm mền duy nhất cho anh trong khi cô nằm co người vì lạnh. Mùi tóc ngây ngất cùng tiếng thở, nhịp tim phập phồng của người con gái làm Phương quay cuồng.

Cơn buồn ngủ đã qua đi, sự hy sinh cao đẹp của một cô giáo trẻ choáng ngợp tâm hồn Phương. Cả một không gian yên ả miệt vườn đêm ấy như chao đảo…

Chuyến công tác kết thúc, bài báo có tựa đề Cô gái Phú Phụng (địa danh nơi Loan đang công tác) làm cho hàng ngàn độc giả khâm phục, cả về lòng yêu quê hương, sự cống hiến thầm lặng của một cô giáo lẫn những chi tiết đắt giá được phát hiện từ phóng viên Hoàng Phương đã đưa bạn đọc đến đỉnh điểm của sự thăng hoa trong niềm tin vào cái cao đẹp nhất của chế độ mới. Tiền nhuận bút lãnh xong, Phương bao bạn bè nhậu lai rai hết, với anh đó là kỷ niệm đẹp nhất trong đời.

* * *

Một sáng thứ hai, vừa xong bài tập chạy vũ trang bắt buộc như mọi ngày, Sơn - phóng viên nhí nhất cơ quan - chạy hồng hộc vào, ngón tay cái chĩa lên cao, miệng réo gấp gáp ra chiều bí mật: “Anh Hai hết sẩy… đã nghen, đã nghen!”.

Phương chẳng hiểu chú nhỏ đồng nghiệp làm cái trò gì, mãi khi nhìn ra phía tay hắn chỉ, anh sững người khi nhìn thấy Loan mỉm cười trong bộ đồ bà ba, tay xách một giỏ chôm chôm, măng cụt của xứ vườn Phú Phụng. Từ sững sờ chuyển sang lo sợ, Phương biết chuyện này mà đến tai lãnh đạo cơ quan anh chỉ còn nước chết.

Nhất là một phóng viên báo Đảng lại dám quan hệ với một cô gái có gia đình ở Hoa Kỳ. Trong thời buổi quân quản, thiếu gì trường hợp “chết người” như thế. Phương rất yêu Loan, yêu cả tính cách và sự hy sinh của cô, nhưng là một đảng viên, một phóng viên báo Đảng, anh không thể làm trái nguyên tắc… (thời điểm ấy).

36 năm sau. Quê hương của Phương vẫn còn nghèo lắm. Tuy nhiên, chỉ có những người trong cuộc như Phương mới hiểu rõ sự thay đổi của vùng đất này. Chẳng phải nhờ vậy mà bà con nông dân quê anh từng ngày đang đổi đời đó sao.

Cuộc sống nâng dần chất lượng theo những con đường mới, trường mới, trạm xá, bệnh viện hay những nhà tình nghĩa, nhà tình thương; rồi các chương trình thu hút nguồn nhân lực, nhân tài, thu hút đầu tư trong và ngoài nước đã và đang triển khai rầm rộ.

Nhiều công ty nước ngoài đến đặt vấn đề làm ăn, buôn bán. Ngay cả tờ báo Phương đang làm tổng biên tập cũng hết sức cổ động phong trào chung, góp phần không nhỏ vào chương trình lớn của tỉnh nhà.

Một cái thư mời động thổ công trình như bao thư mời khác, đó là Công ty TNHH Trung Tâm của một doanh nhân Việt kiều.

Sáng hôm ấy, dù trời mưa nhưng lãnh đạo các ban ngành, nhiều đoàn thể và chính quyền địa phương vẫn có mặt tham dự lễ động thổ, nghe đâu khi công trình hoàn thành sẽ tạo công ăn việc làm cho gần ngàn con người, và mục tiêu xóa đói giảm nghèo trên quê hương xứ dừa đang đi dần về đích cũng nhờ một phần từ các dự án đầu tư.

Trong cơn mưa, nữ giám đốc Nguyễn Thị Ngọc Loan bước ra lễ đài có mái che đọc bài phát biểu, sau đó bà bước sang bên cạnh để bắt tay từng vị khách mời. Phương không thể tin vào mắt mình nữa, cô giáo Loan của anh đây mà!

Cô gái Phú Phụng của anh đang sờ sờ trước mặt, nụ cười buồn buồn không thể nào lầm lẫn được. Nhất là cái bắt tay bằng đôi bàn tay thon vẫn mềm mại như thuở nào. Vóc dáng đó, mùi tóc đó, đôi môi, ánh mắt… không hề thay đổi. Trong cơn mưa, cũng như hơn ba mươi sáu năm về trước, những giọt nước mắt lại rơi, lần này là trên đôi gò má sạm nắng của chàng nghệ sĩ.

Đêm thị xã ướt át, món quà tình yêu mà thiên nhiên ban tặng cho cả hai năm xưa, bây giờ lại có dịp hiện hữu, cũng trong cơn mưa. Mưa của trời lẫn mưa cuộc đời!

Các tin khác