Phân hóa lợi nhuận
Từ khi dịch bệnh bùng phát, Chính phủ đã yêu cầu các NH triển khai nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng, như miễn giảm lãi suất cho vay hay gia hạn nợ (Thông tư 01/2020/TT-NHNN). Đây là nguyên nhân chính khiến tăng trưởng tín dụng toàn ngành 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,26%, thấp nhất các năm gần đây. NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID) và NHTMCP Công thương Việt Nam (CTG) tăng trưởng tín dụng thấp nhất, do các nút thắt về vốn và tỷ trọng cho vay bán lẻ tương đối thấp. Trong khi đó, NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) và khối NHTMCP tư nhân tăng trưởng cho vay khách hàng tích cực hơn, phổ biến ở mức 5-6%.
Cầu tín dụng suy yếu có tác động chéo đến các dịch vụ NH, đặc biệt là phí thanh toán, bảo hiểm, tài trợ thương mại và thu nhập ngoại hối. Phí thanh toán ròng giảm tốc do NH miễn giảm phí giao dịch, còn thu nhập phí bancassurance thu hẹp do sự sụt giảm lưu lượng khách hàng giao dịch tại quầy. Theo thống kê, tăng trưởng thu nhập hoạt động (TNHĐ) của các NH niêm yết trong 6 tháng đạt 9,1%, thấp hơn cùng kỳ năm 2019 là 16,1%. Trong đó TNHĐ trong quý II bị ảnh hưởng hơn do Covid-19 khi giảm 9,6%, trong khi quý I tăng 15,2%. Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), do các NH tập trung trích lập dự phòng đáng kể từ quý I, sang quý II tăng trưởng lợi nhuận đạt 15,6%, dù thấp hơn so với 26% cùng kỳ 2019, nhưng đã cải thiện nhiều so với 3,1% của quý I.
Trên thực tế, các NH quốc doanh ghi nhận tăng trưởng TNHĐ và lợi nhuận trước thuế 6 tháng thấp hơn trung bình, thậm chí ở mức âm. Nguyên nhân do tín dụng tăng trưởng rất thấp, tỷ trọng cho vay doanh nghiệp cao (phân khúc bị ảnh hưởng sớm và nặng nề bởi tình hình dịch bệnh) và việc tích cực thực hiện các chính sách miễn giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng.
Ngược lại, các NH tư nhân duy trì được tăng trưởng TNHĐ và lợi nhuận trước thuế từ mức trung bình đến cao, như NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) và NHTMCP Quân đội (MBB), nhờ chuyển hướng cho vay thận trọng hơn trước đây. Trong khi đó, NHTMCP Á Châu (ACB) ghi nhận mức tăng trưởng TNHĐ vừa phải nhờ duy trì chính sách thận trọng. Danh sách các NH ghi nhận mức tăng trưởng TNHĐ và lợi nhuận trước thuế trên 20%, gồm NHTMCP Phát triển TPHCM (HDB), NHTMCP Tiên Phong (TPB), NHTMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB) và NHTMCP Quốc tế Việt Nam (VIB).
Hoạt động ổn định
Hoạt động ổn định
Tính đến tháng 7, NHNN đã nới thêm hạn mức tín dụng cho các NH tư nhân đạt tốc độ tăng trưởng cao trong nửa đầu năm. Cụ thể, VPB, HDB, TPB, TCB và VIB đã được giao hạn mức mới lên đến quanh 20%. Ngược lại các NH quốc doanh chỉ có thể mở rộng tín dụng hạn chế, nhu cầu vay vốn có thể sẽ hướng sang nhóm NH tư nhân, với sự chuẩn bị đầy đủ về mặt thanh khoản và hạn mức tăng trưởng để đáp ứng đà phục hồi tín dụng dự kiến trong nửa cuối năm. Tuy nhiên với tình hình hiện nay, theo nhận định của VDSC, đà phục hồi sẽ không quá mạnh và toàn ngành sẽ khó đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 10%.
Dù tăng trưởng tín dụng thấp, bù lại dịch bệnh và việc giãn cách xã hội đã thúc đẩy khách hàng sử dụng dịch vụ NH số nhiều hơn. Tỷ lệ sử dụng dịch vụ NH số đã tăng đáng kể với các NH tiên phong trong lĩnh vực này như TCB hay VPB. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong thời gian tới, dù trong ngắn hạn việc giảm hệ số chi phí/thu nhập (CIR) dự kiến không quá mạnh, do các NH vẫn cần tiếp tục đầu tư phát triển NH số để mở rộng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và thanh toán phi tiền mặt.
Riêng BID vì chuẩn bị nâng cấp hệ thống NH lõi, CIR dự kiến chịu nhiều áp lực hơn, ít nhất là trong vòng 2 năm trước khi trở lại mức thông thường. Tuy vậy, trong dài hạn, chi phí hoạt động nói chung sẽ hưởng lợi nhiều hơn, nhờ việc mở rộng tập khách hàng và chuyển dịch thói quen, bắt đầu từ các NH có sự đầu tư mạnh mẽ vào quy trình chuyển đổi số như VPB, TCB, TPB và ACB. CIR trung bình của các NH niêm yết giảm từ 39,6% trong nửa đầu năm 2019 xuống còn 37,8% trong 6 tháng đầu năm 2020.
Chọn chất thay lượng
Ngay từ quý I, khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát, giới phân tích đã có nhận định không mấy sáng sủa về nhóm CP NH. Các CTCK lên tục đưa ra các khuyến nghị đối với nhóm CP này từ mức “trung lập” xuống “kém khả quan”. Nhiều mã CP NH điều chỉnh mạnh, trong đó có một số mã giảm 25-30% so với đầu năm 2020. Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh bán niên 2020 không quá tiêu cực, thậm chí nhiều NH ghi nhận kết quả tích cực, đã giúp giới đầu tư có cái nhìn khác về nhóm CP NH. Theo đó, CP NH đang ở mức hấp dẫn cho mục tiêu đầu tư trung hạn và đây là thời điểm thích hợp để mua vào dựa theo tiêu chí và khẩu vị đầu tư.
Theo CTCK Yuanta Việt Nam, lợi nhuận tăng chủ yếu do giảm trích lập dự phòng ở quý II, trong khi đây là quý có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong vòng 33 năm qua. Tỷ lệ nợ xấu được công bố vẫn chưa có nhiều thay đổi so với các giai đoạn trước đó, chủ yếu do chính sách hỗ trợ của NHNN buộc các NH phải hoãn việc phân loại nợ xấu những khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tuy nhiên, nợ xấu hình thành mới có thể tăng đáng kể khi chính sách hỗ trợ kết thúc. Trong trường hợp đó, các NH có tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) thấp có thể tăng đáng kể để trích lập dự phòng bắt buộc. Do đó, LLR sẽ là chỉ số quan trọng để theo dõi chất lượng tài sản trong năm 2020. Với thực tế này, NĐT nên tập trung vào chất lượng tài sản thay vì lợi nhuận khi lựa chọn CP NH.
Ngoài yếu tố ổn định, động lực tăng giá của nhóm CP NH thời điểm cuối năm còn đến từ các yếu tố, như nới room ngoại theo cam kết EVFTA, được đưa vào các rổ chỉ số của HOSE, đặc biệt là sự xuất hiện của các “tân binh”. Theo đề án tái cơ cấu TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, tất cả NHTMCP phải niêm yết vào cuối năm 2020. Các NH đang có kế hoạch niêm yết là NHTMCP Phương Đông (OCB), NHTMCP An Bình (ABBank), NHTMCP Hàng hải (Maritime Bank) và NHTMCP Nam Á (NamABank).
Giai đoạn khó khăn nhất của ngành NH đang qua đi khi dịch bệnh được kiểm soát, biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, tình trạng gián đoạn kinh tế giảm đi nhiều, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trở lại kéo theo nhu cầu tín dụng gia tăng. |