Cơ hội kích hoạt tổng cầu

Hôm nay, 23-5, Tổng cục Thống kê sẽ công bố chỉ số CPI tháng 5. Trước đó, số liệu thống kê cho thấy CPI tháng 5 ở 2 đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TPHCM đều giảm.

Hôm nay, 23-5, Tổng cục Thống kê sẽ công bố chỉ số CPI tháng 5. Trước đó, số liệu thống kê cho thấy CPI tháng 5 ở 2 đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TPHCM đều giảm.

Ở Hà Nội, CPI giảm 0,22% so với tháng trước (giảm tháng thứ 3 liên tiếp) trong khi chỉ số này của TPHCM giảm 0,16% so với tháng trước. Với việc CPI của 2 thành phố lớn đều giảm, CPI của cả nước được dự báo sẽ âm trong tháng 5, sau khi chỉ tăng nhẹ 0,02% trong tháng 4 vừa qua.

Kết thúc 4 tháng đầu năm, CPI cả nước chỉ tăng 2,41% so với cuối năm 2012. Nếu tháng 5 CPI tiếp tục giảm có nghĩa là đến nay chỉ tiêu lạm phát mới chỉ dùng hết hơn 30%. Trong bối cảnh những năm trước lạm phát liên tục tăng cao, kết quả này tưởng chừng là tín hiệu tích cực, nhưng thực tế lại phản ánh mối lo khác của nền kinh tế: đó là sức mua thấp, tổng cầu không được cải thiện.

Thậm chí, có ý kiến cho rằng đã hết gần nửa năm mà CPI chỉ tăng chưa đầy 2,5%, là dấu hiệu giảm phát. Vì vậy, thành tích kiềm chế lạm phát lại trở thành thách thức.

Năm ngoái Quốc hội đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 7-8%, nhưng kết quả cuối cùng chỉ là 6,8%. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét: "Kết quả như vậy là tốt… quá nên ảnh hưởng đến tăng trưởng. Điều hành thế là dở. Nếu để lạm phát trên 7% thì giờ tăng trưởng không thấp thế".

Thực trạng kinh tế Việt Nam hơn 2 thập niên qua cho thấy lạm phát và tăng trưởng có quan hệ tỷ lệ nghịch. Ngưỡng lạm phát của Việt Nam cũng nằm trong ngưỡng của các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng dựa vào vốn đầu tư trong thời gian dài đã gây nên lạm phát, từ đó lạm phát tác động trở lại làm giảm tăng trưởng. Đối với những nền kinh tế mới nổi và đang phát triển như Việt Nam, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, việc chấp nhận mức lạm phát cao hơn là một điều tất yếu.

Tuy nhiên, khi lạm phát tăng quá cao lại có tác dụng ngược lại, kéo tăng trưởng kinh tế đi xuống. Theo thống kê về diễn biến lạm phát và tăng trưởng ở Việt Nam từ năm 2000 đến nay, khi lạm phát ở ngưỡng thấp, khoảng dưới 5% từ năm 2000-2003 thì tăng trưởng kinh tế tương đối cao và ổn định.

Nhưng khi lạm phát xấp xỉ hoặc ở mức 2 con số, từ năm 2007-2011, tăng trưởng lại có xu hướng chững lại và giảm xuống. Thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện các biện pháp như: giảm cung tiền, tái cơ cấu đầu tư, giảm tín dụng... để kiềm chế lạm phát. Song các biện pháp này đều mang tính chất tình thế, gây ra bất ổn tiền tệ và kinh tế vĩ mô.

Đối với thực tế những tháng đầu năm 2013, vấn đề đặt ra là tổng cầu không tăng nên nếu để lạm phát thấp sẽ ảnh hưởng tăng trưởng.

Trao đổi với ĐTTC, chuyên gia kinh tế - TS. Trần Du Lịch không cho rằng CPI ở mức thấp hiện nay là biểu hiện giảm phát, mà đây là cơ hội để tập trung tăng tổng cầu. Nếu còn tiếp tục chần chừ, để lạm phát xuống mức quá thấp sẽ rất nguy hiểm cho nền kinh tế.

Vấn đề đặt ra là giải quyết hài hòa mối quan hệ "lạm phát và tăng trưởng" như thế nào? Hiện nay, dư địa của chính sách tiền tệ còn rất ít, lãi suất có thể giảm tiếp nhưng không nhiều. Hơn nữa, do hoạt động của doanh nghiệp còn rất khó khăn, hàng tồn kho lớn nên không dám vay vốn tín dụng.

Vì thế, ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng nên tập trung tăng cường chính sách tài khóa, thậm chí tính đến cả khả năng điều chỉnh chỉ tiêu bội chi ngân sách.

Mặt khác, lạm phát mục tiêu cũng cần điều chỉnh tăng lên, khoảng 7-8% để tạo dư địa cho chính sách (mục tiêu hiện nay là kiềm chế lạm phát thấp hơn năm 2012).

Tuy nhiên, cũng có một vấn đề đặt ra là khả năng hụt thu ngân sách trong năm nay rất lớn, nên nguồn lực kích cầu qua đầu tư công sẽ gặp khó khăn. Có ý kiến đề nghị phát hành thêm trái phiếu, công trái với lãi suất chấp nhập được (khoảng 7-8%) để thu hút dòng tiền nhàn rỗi vào đầu tư công.

Như vậy còn hơn việc ngân hàng giảm quá sâu lãi suất khiến vốn chạy sang các kênh khác như vàng, ngoại tệ. Bên cạnh đó, cần tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, bán cổ phần ở những doanh nghiệp không cần nhà nước nắm giữ để có thêm nguồn chi ngân sách.

Khi có được nguồn lực, nguồn vốn dài hạn đó thì đầu tư, kích cầu vào các dự án trọng điểm để tạo hiệu ứng cho nhiều ngành, dịch vụ khác, tạo công ăn việc làm cho người lao động, là việc làm khả thi, đắc lợi.

Các tin khác