Cơ hội tăng giá bền vững đồng Việt Nam

(ĐTTCO) - Mối đe dọa về thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cuối cùng đã kết thúc, sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Tài chính Mỹ (UST) Janet Yellen và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng. 

 Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng.
Giải tỏa lo ngại
UST và NHNN đã công bố thỏa thuận chung mang tính ngoại giao được trang web của UST trích dẫn: “Mỹ sẽ không áp đặt các mức thuế cứng nhắc đối với Việt Nam, và NHNN sẽ cho phép giá trị của đồng Việt Nam (VNĐ) tăng phù hợp với nền tảng kinh tế vững mạnh của Việt Nam”. Tuyên bố chung Việt - Mỹ rõ ràng ngụ ý các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đang chịu áp lực đáng kể để cho phép VNĐ tăng giá.
Điều này được củng cố bởi tuyên bố của đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Katherine Tai, cho rằng USTR phối hợp với UST sẽ giám sát việc Việt Nam thực hiện các cam kết liên quan đến việc định giá đồng tiền của mình. Theo  chúng tôi, việc giá trị VNĐ tăng đều 2-3% mỗi năm là điều gần như chắc chắn, vì lượng vốn khổng lồ tiếp tục chảy vào trong nước và NHNN không còn tiếp tục “các biện pháp can thiệp không trung hòa”, làm giảm giá trị của VNĐ những năm gần đây.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 26% trong năm 2020, sau đó tăng thêm 45% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến thặng dư thương mại Việt Nam với Mỹ lên tới 38 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021. Những số liệu này trong bối cảnh thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ tương đương 20% GDP, so với thặng dư thương mại 2%/GDP của Trung Quốc với Mỹ - một trong những tiêu chí của UST để bị xem là “thao túng tiền tệ” khi có thặng dư thương mại đạt 20 tỷ USD với Mỹ trong suốt 1 năm qua. 
Cuối năm 2020, UST đã gắn mác “thao túng tiền tệ” cho Việt Nam, với cáo buộc Việt Nam làm giảm giá trị VNĐ xuống 10% dưới giá trị hợp lý một cách có chủ đích. Với cáo buộc này, UST đã mở cuộc điều tra theo Điều khoản 301 về thông lệ thương mại của Việt Nam. Những hành động này đã làm dấy lên sự lo ngại ở Việt Nam, vì Mỹ đã từng sử dụng Điều khoản 301 như một lý do để áp đặt thuế quan lên tới 25% đối với gần một nửa hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. 
Tuy nhiên, chúng ta không quá lo ngại về cuộc điều tra theo Điều khoản 301, đã đưa ra báo cáo với chủ đề “Không có rủi ro Mỹ sẽ áp dụng các mức thuế hà khắc” vào tháng 10-2020, cũng như đăng một số bài báo trên các tạp chí kinh doanh trong nước về chủ đề này. Cho đến thời điểm đầu tháng 8-2021, nhiều nhà đầu tư (NĐT) vẫn tiếp tục tin rằng thuế quan là rủi ro lớn, do thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ tăng vọt.

Chiến thắng trên mọi phương diện
Theo ước tính của chúng tôi, vốn nước ngoài tương đương 10%/GDP đã chảy vào Việt Nam trong năm 2020, bao gồm cả dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) là 7%/GDP. Dòng vốn đổ vào Việt Nam, cùng với thặng dư tài khoản vãng lai 4,5%/GDP, đã đưa thặng dư cán cân thanh toán (BoP) của Việt Nam lên 7%/GDP trong năm 2020, kỳ vọng thặng dư BoP là 5% trong năm 2021. Điều này giải thích tại sao giá trị của VNĐ vẫn rất vững chắc trong năm nay, thậm chí còn tăng giá nhẹ trong những tuần gần đây, bất chấp tình hình Covid-19 của Việt Nam đang xấu đi.
Song với thỏa thuận mới này, chính phủ Mỹ đã chấm dứt đe dọa áp đặt thuế quan đối với Việt Nam, bất chấp thặng dư thương mại của Việt Nam tăng cao, hoặc thực tế Việt Nam tiếp tục vượt quá tiêu chí của UST để bị coi là nước thao túng tiền tệ. Diễn biến này thể hiện mong muốn mạnh mẽ của các nhà hoạch định chính sách Mỹ trong việc duy trì quan hệ hữu nghị với Việt Nam vì lý do địa chính trị, cho thấy Mỹ sẵn sàng bỏ qua để thúc đẩy quan hệ bền chặt giữa 2 nước.
Ngoài việc không có thuế quan sẽ khuyến khích dòng vốn FDI, thỏa thuận này sẽ mang lại lợi ích rất nhiều cho Việt Nam trong dài hạn, bằng cách kích thích dòng vốn từ các NĐT tài chính nước ngoài (tức dòng vốn đầu tư gián tiếp - FII). Bởi lẽ, các NĐT đó ưu tiên các quốc gia ổn định, hoặc có nội tệ tăng giá; khuyến khích các công ty trong nước cải thiện khả năng cạnh tranh; nâng cao mức sống của người tiêu dùng bằng cách thúc đẩy sự phát triển hơn nữa nền kinh tế nội địa của Việt Nam. “Những con hổ châu Á” phát triển thịnh vượng nhờ sản xuất xuất khẩu, nhưng hầu hết phụ thuộc vào sản xuất theo định hướng xuất khẩu quá lâu, dẫn đến việc định giá đồng tiền của họ bị điều chỉnh thấp hơn một cách có chủ đích trong nhiều năm.
Thoát bẫy thu nhập trung bình
Khi một quốc gia hạ giá đồng tiền của mình một cách có chủ đích để hỗ trợ xuất khẩu, chất lượng cuộc sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng. Khi tiền tệ được định giá thấp sẽ tạo ra sự kém hiệu quả, các động lực bị biến dạng và cuối cùng gây bất lợi cho hầu hết công ty nội địa. Ngược lại, VNĐ tăng giá sẽ giúp đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, bằng cách khuyến khích đổi mới vì các công ty trong nước sẽ không thể dựa vào mức tỷ giá hối đoái rẻ để cạnh tranh. Tuy nhiên, do lương công xưởng của Việt Nam thấp hơn 2/3 so với ở Trung Quốc, nên sẽ vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh trong nhiều năm tới.
Thái độ không can thiệp hiện tại của các nhà hoạch định chính sách Mỹ đối với thặng dư thương mại của Việt Nam bắt nguồn từ sự leo thang căng thẳng Mỹ-Trung, mà các nhà hoạch định chính sách đang phản ứng bằng cách tăng cường can dự của Mỹ ở Đông Nam Á. Chiến lược tham gia này đã được quảng bá trong “Bức điện dài hơn: Hướng tới một chiến lược Trung Quốc mới của Mỹ”, báo cáo được công bố bởi tổ chức tư vấn uy tín Hội đồng Đại Tây Dương đầu năm 2021.
Lãnh đạo chiến lược châu Á của chính quyền Biden, Kurt Campbell, nhắc lại chiến lược này vài tuần trước khi ông cho biết Mỹ cần đẩy mạnh cuộc chơi của mình ở Đông Nam Á. Điều này mở ra cơ hội to lớn cho Việt Nam hưởng lợi từ sự hỗ trợ kinh tế của Mỹ, khi Mỹ dễ tiếp nhận hàng xuất khẩu Việt Nam. Đây cũng là chiến lược Mỹ đã sử dụng để hỗ trợ Nhật Bản và Hàn Quốc trong chiến tranh lạnh.
 Mỹ sẽ không áp đặt các mức thuế cứng nhắc đối với Việt Nam, và NHNN sẽ cho phép giá trị của đồng Việt Nam (VNĐ) tăng phù hợp với nền tảng kinh tế vững mạnh của Việt Nam. 

Các tin khác