Có kho dự trữ mới hạn chế giá xăng dầu “nhảy múa”

(ĐTTCO) - Hiện nay việc xây dựng cơ sở dự trữ xăng dầu chiến lược vẫn theo hình thức gửi nhờ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để tiết kiệm chi phí. Nhưng về lâu dài cần đầu tư kho dự trữ dầu mỏ và sản phẩm xăng dầu quốc gia bài bản. Điều này không chỉ giúp gỡ nút thắt trong quản lý điều hành xăng dầu hiện nay, còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Cần kinh phí rất lớn cho kho dự trữ
Hồi giữa tháng 8, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đề xuất Chính phủ việc đầu tư dự án tổ hợp lọc hóa dầu và kho dự trữ dầu thô, xăng dầu quốc gia với vốn đầu tư gần 19 tỷ USD tại Bà Rịa  - Vũng Tàu.
Theo PVN, dự án này sẽ được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, mỗi năm tổ hợp lọc hóa dầu có công suất 12-13 triệu tấn dầu thô, 0,66 triệu tấn condensate, ngoài ra còn LPG, Ethane... để đáp ứng nhu cầu cao trong nước. Giai đoạn này sản xuất 7-9 triệu tấn xăng dầu/năm và 2-3 triệu tấn hóa dầu. Khi có sự chuyển dịch mạnh về năng lượng có thể thay đổi xem xét giảm sản phẩm xăng dầu, tăng sản lượng sản phẩm hóa dầu ở giai đoạn 2. Theo đó, giảm sản phẩm xăng dầu về 3-5 triệu tấn/năm, tăng sản phẩm hóa dầu 5,5-7,5 triệu tấn/năm. 
Có kho dự trữ mới hạn chế giá xăng dầu “nhảy múa” ảnh 1 Tổng kho xăng dầu Nhà Bè, TPHCM.
Đề xuất được đưa ra trên cơ sở PVN tính toán, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 19,5 triệu tấn xăng dầu mỗi năm cho tiêu dùng trong nước vào năm 2030, và tăng lên 49 triệu tấn vào năm 2045. Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước hiện khoảng 18 triệu tấn/năm, sẽ tăng lên 25 triệu tấn vào 2025. Nhưng sản lượng 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn hiện chỉ có 12,2 triệu tấn/năm và khoảng 13,5 triệu tấn vào 2025 (sau khi nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất), cũng chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng trong nước, còn lại phải nhập khẩu.
Với sản phẩm hóa dầu, năm 2020 cả nước tiêu thụ khoảng 9,5 triệu tấn, tăng lên gần 12 triệu tấn/năm trong 3 năm tới và sẽ đạt xấp xỉ 33 triệu tấn/năm vào 2045. Trong 3-7 năm tới, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 7,2-12 triệu tấn, sau đó tỷ lệ thiếu hụt mỗi năm sẽ tăng bình quân 3-6%.
Thực ra không phải đến khi PVN kiến nghị đề xuất lên Chính phủ, vấn đề kho dự trữ xăng dầu chiến lược quốc gia mới được bàn đến. Việc này đã từng làm nóng nghị trường, khi Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề cập tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 3, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục “nhảy múa”.
Trước đó, mỗi khi giá xăng dầu thế giới biến động và ảnh hưởng đến giá xăng dầu trong nước, khi đưa vấn đề quản lý điều hành xăng dầu trong nước ra phân tích, mổ xẻ, câu chuyện “khi nào mới có hệ thống kho dự trữ xăng dầu quốc gia” lại được nhắc đến.

Phải có giải pháp đầu tư, không thể “giật gấu vá vai”
Nhưng để xây dựng kho dự trữ không thể nói là có thể làm ngay, bởi kinh phí đầu tư cho hệ thống kho dự trữ không hề nhỏ. Do đó, xây dựng kho dự trữ xăng dầu càng không thể và không nên làm kiểu “giật gấu vá vai”.
Hiện mức dự trữ xăng dầu của Việt Nam rất thấp, chỉ đáp ứng được 5-7 ngày tiêu dùng, nên phụ thuộc nhiều vào sự ổn định sản xuất, cung cấp xăng dầu từ nguồn nhập khẩu. Tức mỗi năm Việt Nam vẫn phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu các sản phẩm lọc hóa dầu, xăng dầu cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Thực ra một số quốc gia trong ASEAN cũng “đồng cảnh ngộ” như Việt Nam, họ vẫn có những giải pháp để hạn chế rủi ro.
Đơn cử, Thái Lan có thời gian dự trữ xăng dầu dài gấp 3 lần Việt Nam (60 ngày so với 20 ngày của Việt Nam). Sản lượng dự trữ dầu của Thái Lan cũng vượt xa Việt Nam khi đạt hơn 400 triệu thùng, đứng thứ 50 trên thế giới, còn về sản xuất dầu mỗi ngày đạt hơn 530.000 thùng, xếp thứ 29 trên thế giới. Nhu cầu tiêu thụ dầu của Thái Lan cũng đứng thứ 17 thế giới khi mỗi ngày tiêu thụ hơn 1,3 triệu thùng.
Về nhập khẩu dầu, Thái Lan nhập 875.446 thùng/ngày, xuất khẩu 33.237 thùng/ngày. Để đối phó với những rủi ro từ thị trường bên ngoài, Bộ Năng lượng Thái Lan (EMT) đã tăng thời gian dự trữ đối với xăng dầu từ 60 ngày lên 70 ngày. Chính phủ Thái Lan cũng thông báo sẽ nâng dự trữ dầu thô của quốc gia từ 4% lên 5% và dự trữ dầu thành phẩm 1-2%. 
Đối với vấn đề xây dựng kho dự trữ xăng dầu ở Việt Nam, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, dự trữ xăng dầu gồm dự trữ quốc gia và dự trữ doanh nghiệp. Dự trữ xăng dầu của doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ đủ cho cả nước dùng khoảng 6 ngày. Thời gian qua, khi giá xăng dầu thế giới tăng cao đã cho thấy quốc gia nào có dự trữ tốt, mức độ an ninh năng lượng tương đối an toàn. Chưa kể, mặt hàng xăng dầu, sản phẩm hóa dầu có tính đặc thù nên cần có thời gian đặt hàng trước.
Vì vậy, đầu tư kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu trong nước là cần thiết, song vấn đề là cần tính đến yếu tố hài hòa và phù hợp điều kiện kinh tế.
Trước mắt, cần có quy định về tăng thời gian dự trữ xăng dầu lên dài hơn so với mức 20 ngày như hiện nay. Ở thời điểm này, cơ sở dự trữ xăng dầu chiến lược vẫn nên theo hình thức gửi nhờ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để tiết kiệm chi phí.
Còn về xây dựng kho dự trữ dầu mỏ và sản phẩm xăng dầu quốc gia cần giải được bài toán về vốn, trong đó có thể là tính đến vốn vay, hợp tác công - tư… 
 Những khó khăn trong cung ứng xăng dầu trong nước giai đoạn vừa qua càng làm bộc lộ rõ hơn những yếu kém cần phải sửa đổi của hệ thống cung ứng và bảo đảm năng lượng.

Các tin khác