Có nhất thiết mục tiêu 12-14%?

Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đưa ra nhằm đảm bảo tăng trưởng GDP và lạm phát như mục tiêu, tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn, nên chăng xem xét thay vì chạy theo chỉ tiêu đặt ra thì tìm cách tạo ra hiệu quả cho dòng vốn để nền kinh tế phát triển bền vững.

Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đưa ra nhằm đảm bảo tăng trưởng GDP và lạm phát như mục tiêu, tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn, nên chăng xem xét thay vì chạy theo chỉ tiêu đặt ra thì tìm cách tạo ra hiệu quả cho dòng vốn để nền kinh tế phát triển bền vững.

 

Năm 2007, tăng trưởng tín dụng đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 51,39% và GDP ở mức 8,48%. Năm 2013, tăng trưởng tín dụng 12,52% và GDP ở mức 5,42%. Trong khi đó, 9 tháng đầu năm tín dụng chỉ tăng 7,26% thì GDP đã ở mức 5,62%.

Trước đây, tín dụng tăng trưởng tốt nên đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP, nhưng hiện nay nền kinh tế còn khó khăn, nhu cầu hấp thụ vốn rất yếu, nên GDP tăng chủ yếu nhờ vào đầu tư công thông qua nguồn trái phiếu chính phủ hoặc khai thác tài nguyên.

Tuy nhiên, đầu tư công vẫn còn nhiều điểm hạn chế như các dự án đầu tư dàn trải, chậm tiến độ, nợ đọng trong xây dựng cơ bản vẫn chưa được xử lý triệt để nên vẫn chưa tác động được đến các ngành nghề khác.

Nhiều ý kiến cho rằng NHNN thay vì đốc thúc các NHTM cho vay tín chấp nhiều rủi ro nên xem xét cho NHTM vay tái cấp vốn trung và dài hạn với lãi suất thấp, để NHTM có thể bơm vốn đúng nhu cầu thay vì chỉ cho vay tái cấp vốn ngắn hạn như hiện nay.

Đầu tư công có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát  triển  kinh  tế và  đảm  bảo  an  sinh  xã  hội, định hình và phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quốc gia và góp phần gia tăng tổng cầu của xã hội. Đầu tư công phát triển sẽ thúc đẩy hạ tầng giao thông, từ đó tác động đến ngành xây dựng và lan tỏa sang các ngành khác, kích thích tổng cầu, tạo động lực cho nền kinh tế phát triển.

Song với tình trạng như hiện nay, đầu tư công vẫn chưa thực sự trở thành chỗ dựa để nền kinh tế phục hồi và phát triển. Trong khi đó, khu vực tư nhân trước nay vẫn đóng vai trò xương sống của nền kinh tế, những năm gần đây dù lâm vào khó khăn vẫn nỗ lực vùng vẫy để tìm kiếm cơ hội, nhưng càng lúc càng vô vọng vì chính sách hỗ trợ chỉ mới nằm trên giấy, chưa đi vào thực tiễn.

Theo các chuyên gia kinh tế, diễn biến giữa tăng trưởng GDP và tăng trưởng tín dụng từ năm 2001 đến nay cho thấy, GDP và tín dụng không có mối quan hệ tỷ lệ thuận theo kiểu tín dụng tăng để GDP tăng mà GDP còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Chẳng hạn năm 2009, tăng trưởng tín dụng ở mức 37,73% nhưng GDP chỉ 5,32%, năm 2011 tín dụng tăng trưởng 12% nhưng GDP là 5,89%. Mục tiêu 12-14% đặt ra chỉ nhằm đảm bảo tăng trưởng GDP và lạm phát như mục tiêu đề ra trong bối cảnh hiện nay khi đầu ra đang bị nghẽn, vấn đề đặt ra là có nên quá kỳ vọng vào việc buộc phải tăng trưởng tín dụng 12-14% hay thay vào đó nên tập trung vào hiệu quả tín dụng.

Bởi cứ chạy theo mục tiêu tăng trưởng tín dụng một là sẽ xảy ra tình trạng tăng trưởng ảo, hai là để bơm hàng trăm ngàn tỷ đồng trong những tháng cuối năm buộc các NH phải chạy đua đổ vốn vào những lĩnh vực hút vốn như bất động sản, chứng khoán, gây ra lạm phát, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nền kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp (DN) hiện không quan tâm đến con số tăng trưởng tín dụng là bao nhiêu, điều họ quan tâm là tìm kiếm nguồn vốn ở đâu.

Từ 2 năm nay, các chính sách do Chính phủ ban hành luôn nhấn mạnh ưu tiên thực hiện các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận vốn tín dụng, hướng dòng vốn vào sản xuất cũng như thực hiện các giải pháp cụ thể giúp DN còn triển vọng tiếp tục vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh; ưu tiên các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu; ưu tiên các DN có triển vọng, có thị trường tiêu thụ.

Các tin khác