Thế nhưng, số liệu công bố từ Bộ Tài chính, tính đến hết quý 3-2019, cả nước chỉ mới có 9 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa, với tổng giá trị chỉ 780 tỷ đồng. Như vậy, đến nay số doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa chỉ là… số lẻ trong nhiệm vụ phải làm.
Gần hết năm, chỉ đạt vài phần trăm
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho thấy, giai đoạn 2016-2018, đã có 159 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa (với tổng giá trị 442.275 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.000 tỷ đồng).
Thế nhưng, nếu tính cả giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 9-2019 thì chỉ có 168 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa (với tổng giá trị 443.056 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước gần 206.700 tỷ đồng), chỉ tăng lên 9 doanh nghiệp.
Tương tự, trong số 168 doanh nghiệp đã cổ phần hóa, chỉ có 36/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc Danh mục cổ phần hóa theo Công văn 991 và Quyết định 26/2019 của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch). Như vậy, số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 doanh nghiệp.
Với số lượng còn lại như thế thì việc cổ phần hóa từ đầu năm đến nay chỉ đạt con số lẻ, chưa đầy 10%. Nguy cơ không hoàn thành tiến độ đề ra đến năm 2020 là rất cao. Địa phương có số doanh nghiệp cần phải cổ phần hóa nhiều nhất vẫn là TPHCM với 38 doanh nghiệp (trong đó có 11 tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Hà Nội với 13 doanh nghiệp (4 tổng công ty); Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp với 6 doanh nghiệp (3 tập đoàn, 3 tổng công ty); Bộ Công thương với 4 doanh nghiệp (3 tổng công ty)…
Thoái vốn cũng chậm
Theo thống kê, tính từ năm 2016 đến tháng 9-2019, cả nước đã thoái vốn nhà nước được khoảng 24.500 tỷ đồng, thu về khoảng 170.600 tỷ đồng. Tại Quyết định 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2010), chỉ tiêu xác định cho giai đoạn này là phải thoái được 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.
Thế nhưng, thực hiện theo Quyết định 1232/QĐ-TTg, đến nay cả nước chỉ mới thoái vốn được chưa đầy 4.000 tỷ đồng (tại 78 đơn vị) với số tiền thu về hơn 7.100 tỷ đồng. Trong khi đó, hiệu quả thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp ngoài Quyết định 1232/QĐ-TTg cao hơn, chỉ thoái 3.785 tỷ đồng vốn nhà nước nhưng thu về đến gần 110.400 tỷ đồng. Ví dụ, thoái vốn tại Sabeco với giá trị chỉ 3.436 tỷ đồng nhưng thu về đến 109.965 tỷ đồng; thoái vốn tại Công ty cổ phần Sữa Vinamilk với giá trị là chưa đầy 1.000 tỷ đồng nhưng thu về hơn 20.200 tỷ đồng…
Hiện còn nhiều doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn theo Quyết định 1232/QĐ-TTg với giá trị lớn, như Bộ GTVT (thoái 30,4% vốn nhà nước đầu tư tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và 35,16% vốn tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam); Bộ Xây dựng phải thoái vốn tại 8/11 tổng công ty cổ phần); Hà Nội phải thoái vốn tại 31/34 doanh nghiệp... |
Tuy nhiên cũng có nguyên nhân chủ quan, là có một số đơn vị đang bị thanh tra, kiểm tra, điều tra vì vi phạm các quy định về quản lý sử dụng vốn nhà nước; một số khác không muốn thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực phát triển mạnh, có tỷ suất sinh lời cao, nên làm ảnh hưởng tiến độ thoái vốn nhà nước.
Do vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, tuân thủ nguyên tắc thị trường, không để xảy ra hiện tượng lợi ích nhóm trong việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp.