Tính tới ngày 10-6, các cổ phiếu này lần lượt tăng tương ứng 107%, 49%, và 44% kể từ đáy. Triển vọng ngày càng sáng sủa hơn trong trung và dài hạn khi nền kinh tế thế giới được kỳ vọng quay trở lại đà tăng trưởng trong giai đoạn hạ lãi suất sắp tới của các ngân hàng trung ương lớn.
Giá tăng nhưng chi phí giảm
Những năm trước, giá heo thường giảm vào mùa hè do thời tiết nhiệt độ cao, người tiêu dùng ăn thịt ít hơn so với mùa lạnh. Tuy nhiên, năm nay thị trường giá heo hơi vẫn liên tục có xu hướng tăng giá. Kể từ khi tạo đáy quanh mức 50.000 đồng/kg hồi tháng 12-2023, giá heo tính tới ngày 12-6 đã tăng 42%, lên mức 71.000 đồng/kg.
Việc giá heo tăng cũng đã được một số chuyên gia nhận định từ thời điểm cuối năm 2023, bởi điều này có tính chu kỳ lặp lại của hoạt động điều chỉnh cung - cầu tự thân của thị trường. Trong năm 2023, giá heo hơi liên tục ở mức thấp trong thời gian dài làm cho các hộ chăn nuôi thua lỗ, dẫn tới quyết định giảm đàn.
Vì vậy, sản lượng heo xuất chuồng hiện nay giảm nhiều, nên nguồn cung thiếu so với nhu cầu. Ngoài ra, còn cộng hưởng thêm các yếu tố khách quan lẫn chủ quan như: ảnh hưởng từ dịch tả heo châu Phi và việc heo nhập lậu được kiểm soát tốt.
Điều đáng mừng không chỉ với ngành chăn nuôi heo, mà còn với người dân thế giới trong 2 năm vừa qua là giá cả các mặt hàng ngũ cốc (nguyên liệu chính để làm thức ăn chăn nuôi) nằm trong xu hướng giảm liên tục.
So với cùng thời điểm tháng 6 năm ngoái, giá các loại nông sản như bắp, đậu nành, lúa mì… đang thấp hơn khoảng 12,2%. Giá bắp trung bình từ đầu năm tới nay thấp hơn gần 20% so với trung bình giá bắp của năm 2023. Còn mặt hàng đậu nành và lúa mì cũng có giá trung bình thấp hơn lần lượt 14,2% và 7,1% so với năm ngoái.
Nếu tính mức giảm kể từ khi tạo đỉnh cao lịch sử vào giữa năm 2022 tới nay, giá ngũ cốc đang giao dịch quanh mức thấp hơn gần 50%. Dự báo của World Bank cho thấy, trung bình giá ngũ cốc toàn cầu trong năm 2024 kỳ vọng thấp hơn 6,5% so với năm 2023.
Trong đó, giá bắp giảm nhờ nguồn cung tăng bởi điều kiện trồng trọt thuận lợi ở các quốc gia châu Mỹ như Argentina, Brazil và Mỹ. Sản lượng bắp toàn cầu niên vụ 2023-2024 được dự báo đạt mức cao do nông dân đẩy mạnh canh tác lúa mì và bắp sau khoảng thời gian giá tăng mạnh do diễn ra xung đột giữa Nga và Ukraine.
Báo cáo gần đây của CTCK TPS cho thấy, giá trị ngành chăn nuôi năm 2023 đóng góp khoảng 26% trong tỷ trọng GDP nông nghiệp của Việt Nam. Trong đó, ngành chăn nuôi heo chiếm hơn 62% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của các loại vật nuôi trong nước.
Điều đáng mừng với ngành chăn nuôi là sản lượng có xu hướng tăng và duy trì ổn định, do hình thức chăn nuôi trang trại ngày càng phổ biến, quy mô trang trại tăng từ 30% năm 2014 lên 51% năm 2023.
Nhu cầu tiêu thụ thịt heo của Việt Nam năm 2023 đạt 27,7 kg/người/năm, mức tiêu thụ cao nhất Đông Nam Á. Dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), năm 2024 lượng thịt heo tiêu thụ của Việt Nam dự kiến đạt khoảng khoảng 3,8 triệu tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ.
Về dài hạn, USDA cũng dự báo Việt Nam là một trong những thị trường có mức tăng trưởng mạnh về tiêu thụ thịt heo trong giai đoạn 2023-2029. Mức tiêu thụ thịt heo bình quân đầu người ước tính tới cuối năm 2029 tăng 18,1% so với năm 2023.
Lợi nhuận khó kéo dài?
Số liệu thống kê gần đây cho thấy nguồn cung heo tại thị trường Trung Quốc đã giảm lần đầu tiên sau 4 năm, vì tình trạng dư thừa trong bối cảnh Trung Quốc đã trải qua 2 năm giảm dân số liên tiếp. Bộ Nông nghiệp nước này hy vọng, cán cân cung - cầu thị trường heo thời gian tới sẽ được cân bằng hơn, và ngành chăn nuôi heo Trung Quốc có thể tạo lợi nhuận trở lại.
Đó là yếu tố tích cực có thể giúp duy trì giá heo Việt Nam ổn định ở mức cao trong thời gian còn lại của năm 2024, khi điều kiện giá heo ở thị trường Trung Quốc khó có thể giảm thêm. Cán cân cung - cầu của thị trường heo Việt Nam cũng dự kiến ổn định, do các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang trong quá trình tái đàn sau đợt dịch tả châu Phi. Ít nhất đến cuối năm nay, nguồn cung heo mới có thể bắt đầu tăng lên.
Mặc dù giá heo được kỳ vọng ổn định ở mức gần 70.000 đồng/kg, nhưng biên lợi nhuận của ngành có thể giảm trong thời gian tới do xu hướng giá nguyên liệu đang có dấu hiệu tăng trở lại. Yếu tố thời tiết El Nino kéo dài trong 9 tháng qua có nguy cơ làm giảm năng suất cây trồng.
Ngoài ra, nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam phụ thuộc vào việc nhập khẩu, với tỷ trọng chiếm khoảng 65% nhu cầu thức ăn chăn nuôi cả nước. Trong khi đó, tỷ giá USD/VNĐ liên tục tăng kể từ đầu năm tới nay dự kiến làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu trong thời gian tới.
Do đó, biên lợi nhuận của ngành chăn nuôi heo trong giai đoạn 6 tháng cuối năm có thể thấp hơn so với giai đoạn đầu năm. Và không loại trừ mức tăng giá của các cổ phiếu ngành chăn nuôi heo đã phản ánh xong tình hình biên lợi nhuận tích cực của giai đoạn vừa qua, khi chỉ số ngành của nhóm công ty chăn nuôi gia súc, gia cầm có mức tăng so với đầu năm thậm chí cao hơn mức tăng của chỉ số thị trường chứng khoán chung VN Index.