Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 8/1/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 đưa ra chủ đề điều hành của năm mới là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển."
Vậy cơ sở nào để Việt Nam trong năm 2022 sẽ đạt được sự phục hồi và phát triển kinh tế bền vững?
Năm cũ tạo tiền đề cho năm mới
Để trong năm 2022, Việt Nam đạt được sự phục hồi và phát triển kinh tế như mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP thì ngay từ năm 2021, Chính phủ đã có sự chuyển hướng chiến lược về phòng, chống dịch bệnh, còn các doanh nghiệp sẵn sàng thích ứng an toàn, linh hoạt với tình hình để sản xuất-kinh doanh có hiệu quả.
Ngày 11/10/2021, Chính phủ ra Nghị quyết 128/NQ-CP về việc ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19," đánh dấu việc Việt Nam chính thức từ bỏ chiến lược "Zero COVID-19" nhằm phục hồi kinh tế-xã hội một cách tốt nhất. Việc chuyển hướng chiến lược này đã tạo ra tiền đề thuận lợi cho kinh tế Việt Nam từng bước phục hồi và tiếp tục phát triển trong năm 2022.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết GDP của Việt Nam ở quý 4 tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó mức tăng ở quý 1 là 4,72%, ở quý 2 là 6,73%, ở quý 3 là âm 6,02%.
Tính chung cả năm 2021, GDP ước tính tăng 2,58%, trong đó khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, khu vực dịch vụ tăng 1,22%... Trong mức tăng trưởng chung của nền kinh tế năm 2021 thì khu vực nông-lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 13,97%, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 63,80%; khu vực dịch vụ đóng góp 22,23%. Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021 có thể đứng đầu Đông Nam Á.
Các doanh nghiệp ở Việt Nam đã thể hiện sự năng động và đạt được những kết quả đáng khích lệ ngay trong năm 2021, khi dịch COVID-19 đang còn bùng phát dữ dội. Năm 2020, cả nước có 116.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 1,6 triệu tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 854.000 lao động.
Theo Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Chí Hải (Trường Đại học Kinh tế-Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Việt Nam có bảy điểm sáng về kinh tế trong năm 2021 và đó là động lực cho sự phát triển vào năm 2022.
Nền kinh tế phục hồi nhanh vào thời điểm trước và sau đợt dịch thứ 4 là điểm sáng đầu tiên. Tiếp đó là khả năng ứng phó, sức sống của các doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện khắc nghiệt của dịch bệnh.
Trong năm 2021, khu vực nông nghiệp tiếp tục phát huy vai trò “bệ đỡ” của nền kinh tế và đây là điểm nổi bật thứ ba.
Điểm sáng thứ tư là trong năm 2021 kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt mức kỷ lục mới, với tổng giá trị 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020.
Điểm sáng thứ năm là lĩnh vực đầu tư nước ngoài (FDI). Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/12/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020.
Phát triển kinh tế số được coi là điểm nhấn thứ sáu của nền kinh tế Việt Nam năm 2021.
Điểm sáng thứ bảy là việc bảo vệ sức khỏe, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân được quan tâm, nền sản xuất kinh doanh được duy trì để có nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Theo Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách nhà nước ước tính năm 2021 đạt 1.523,4 nghìn tỷ đồng, bằng 113,4% dự toán năm (tăng 180.100 tỷ đồng), trong đó thu nội địa bằng 110,4%, thu từ dầu thô bằng 197,4% và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu bằng 122,1% (so với dự toán năm).
Tiến sỹ Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia ở Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV (Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam) đã đưa ra dự báo về bức tranh toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam năm 202.
Cụ thể, trong bối cảnh thế giới mà theo dự báo sẽ có nhiều biến động, đặc biệt là diễn biến dịch COVID-19 còn phức tạp, khó lường, tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 sẽ vào khoảng 4-4,5%, lạm phát toàn cầu khoảng 3,3% thì mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 của Việt Nam sẽ là đa mục tiêu, trong đó trọng tâm vẫn là vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, đảm bảo an toàn sức khỏe và sinh mạng người dân; vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Về tăng trưởng GDP năm 2022, các hoạt động kinh tế-xã hội được dự báo sẽ phục hồi mạnh hơn khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn và Việt Nam tiếp tục chiến lược sống chung an toàn với COVID-19.
Nền kinh tế Việt Nam năm 2022 có thể sẽ phát triển theo 1 trong 2 kịch bản. Nếu Việt Nam thực hiện tốt Chương trình phòng, chống dịch và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội 2022-2023 thì lĩnh vực kinh tế có thể tăng trưởng 6,5-7% (khả năng cao). Còn nếu Việt Nam phòng, chống dịch thiếu nhất quán và chậm triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội thì GDP có thể chỉ tăng 5-5,5%.
Về lạm phát năm 2022, trong cả 2 kịch bản trên, dự báo CPI bình quân sẽ tăng khá cao, lên mức 3,5-3,8%. Lạm phát tăng chủ yếu là do giá cả, lạm phát toàn cầu còn ở mức cao, khả năng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn còn diễn ra, kéo theo lạm phát chi phí đẩy (nhập khẩu lạm phát); lạm phát do cầu kéo (cùng với đà phục hồi kinh tế); và độ trễ cũng như việc thực thi chính sách tài khóa, tiền tệ có phần mở rộng, thích ứng (một phần là do thực hiện Chương trình phục hồi nêu trên).
Về lãi suất năm 2022, dự kiến Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế-xã hội. Do đó, lãi suất dự báo được duy trì ở mức thấp, mặc dù trong bối cảnh thế giới tăng lãi suất, nhu cầu tín dụng và áp lực lạm phát tăng lên (như phân tích ở trên) có thể khiến mặt bằng lãi suất tăng nhẹ ở một số thời điểm.
Thế giới nhìn về Việt Nam
Ngày 11/1/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đi xuống rõ rệt vào năm 2022 trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp và chuỗi cung ứng chưa hồi phục.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu, WB dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống còn 4,1% trong năm 2022, thấp hơn so với mức 5,5% của năm 2021, thậm chí có thể giảm tiếp xuống còn 3,2% trong năm tới khi mà các chính phủ thu hẹp chương trình hỗ trợ tài chính và tiền tệ vốn được ban hành trong thời gian đại dịch.
Trong khi đó, cũng chính WB lại đưa ra dự báo khá lạc quan về sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022.
Ngày 13/1, Ngân hàng Thế giới công bố báo cáo "Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ấn bản tháng 1/2022," theo đó, WB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trong năm 2022 với mức tăng trưởng GDP đạt 5,5%.
Báo cáo đặt ra giả thuyết dịch COVID-19 sẽ được kiểm soát ở trong và ngoài nước, khi đó khu vực dịch vụ của Việt Nam sẽ dần được phục hồi. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ được hưởng lợi nhờ nhu cầu ổn định từ Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc. Thâm hụt ngân sách và nợ công của Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ giữ vững, với tỷ lệ nợ trên GDP dự kiến là 58,8%, thấp hơn nhiều so với mức trần quy định.
Tuy nhiên, cũng theo báo cáo của WB, triển vọng này vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro vì diễn biến của đại dịch vẫn chưa rõ ràng. Sự bùng phát của các biến thể mới có thể ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế và quá trình phục hồi của Việt Nam.
Ngoài ra, nhiều đối tác thương mại của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với dư địa tài khóa và tiền tệ bị thu hẹp, có thể sẽ hạn chế khả năng tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế của các nước này nếu cuộc khủng hoảng kéo dài. Điều này có thể làm chậm sự phục hồi toàn cầu và làm suy yếu nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh WB, một số tổ chức tài chính nước ngoài đã đưa ra những dự đoán tương đối tích cực cho nền kinh tế Việt Nam vào năm 2022, với mức tăng trưởng dự kiến ở mức 6,5-6,7%.
Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam là 6,7% trong năm 2022 và 7% trong năm 2023. Các chuyên gia của Standard Chartered nhận định rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi vào năm 2022 khi đại dịch được đẩy lùi và COVID-19 vẫn là rủi ro chính, ít nhất trong ngắn hạn. Do đó, các nhà máy ở Việt Nam có thể trở lại hoạt động hoàn toàn trong quý 1/2022 sau khi đóng cửa vào quý 3/2021; sự phục hồi rõ ràng hơn sẽ diễn ra vào tháng 3/2022.
Trong báo cáo về Việt Nam gần đây, Ngân hàng HSBC cũng nhận định sau 2 năm tăng trưởng chậm lại, kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc và ước đạt 6,5% vào năm 2022.
Cách nhìn nhận về nền kinh tế của Việt Nam từ bên ngoài khá tương thích với các mục tiêu cơ bản được đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, theo đó GDP đạt mức tăng trưởng 6-6,5%, GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD.