David Dương, Tổng giám đốc VWS:

Có tâm, có tầm, có thành công

(ĐTTCO) - Sau thành công tại Hoa Kỳ với sự kiện trúng thầu dự án xử lý rác thải giá trị hàng tỷ USD, ông DAVID DƯƠNG (ảnh), Tổng giám đốc Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (Vietnam Waste Solutions-VWS), vừa tiếp tục đầu tư dự án xử lý rác lên tới 450 triệu USD tại Long An. Lĩnh vực xử lý rác môi trường có đặc thù khác biệt với các ngành nghề kinh doanh khác và đòi hỏi sự đam mê không kém. Khởi đầu năm mới với đại dự án Khu Công nghệ môi trường Xanh, doanh nhân David Dương quan niệm thành công sẽ đến với những ai có tâm và tầm.

(ĐTTCO) - Sau thành công tại Hoa Kỳ với sự kiện trúng thầu dự án xử lý rác thải giá trị hàng tỷ USD, ông DAVID DƯƠNG (ảnh), Tổng giám đốc Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (Vietnam Waste Solutions-VWS), vừa tiếp tục đầu tư dự án xử lý rác lên tới 450 triệu USD tại Long An. Lĩnh vực xử lý rác môi trường có đặc thù khác biệt với các ngành nghề kinh doanh khác và đòi hỏi sự đam mê không kém. Khởi đầu năm mới với đại dự án Khu Công nghệ môi trường Xanh, doanh nhân David Dương quan niệm thành công sẽ đến với những ai có tâm và tầm.

Hiện đại, thân thiện môi trường

PHÓNG VIÊN: - Đầu tháng 7-2015, Công ty California Waste Solutions (CWS - công ty mẹ của VWS) đã chính thức vận hành gói thầu xử lý rác hơn 1 tỷ USD cho thành phố Oakland (Hoa Kỳ). Ông có thể chia sẻ về hoạt động hiện tại của nhà máy này?

Tiêu chí của chúng tôi là đầu tư vào những hạng mục trong tầm tay để không dàn trải dẫn đến làm không xuể. Lĩnh vực xử lý rác cần phải đầu tư lớn, vì nếu làm nhỏ sẽ làm không tới,  nên nhà đầu tư nào cũng phải bảo đảm phần vốn của mình. Đồng thời việc làm này đòi hỏi phải có sự đam mê. Chúng tôi làm trong ngành xử lý rác từ cái tâm của một người trong nghề và cái tầm của đất nước.

Ông DAVID DƯƠNG

Ông DAVID DƯƠNG: - 2 tuần sau khi nhà máy tại Oakland chính thức đưa vào vận hành, chính quyền địa phương đã có thư chúc mừng về kết quả đạt được những những ngày đầu hoạt động. Sở dĩ có được kết quả trên nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước về nhiều mặt như quản lý, đội ngũ chuyên gia, công nhân viên và trang thiết bị sẵn sàng, nên rất thuận tiện khi bắt đầu vào guồng hoạt động. Điểm đặc biệt trong ngày đầu tiên vận hành là chúng tôi giới thiệu dàn xe 86 chiếc đạt tiêu chuẩn thẩm định xử lý rác và chạy bằng khí nén bảo vệ môi trường (CNG). Sắp tới, CWS còn triển khai kế hoạch xây dựng nhà máy sạch, sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng tái tạo từ rác.

Tại Oakland, CWS hiện có 2 nhà máy xử lý rác đang hoạt động, và theo khảo sát vùng lân cận chưa có nhà máy nào đầu tư mới vì chi phí cao. Do vậy việc thắng thầu tại nơi đã có 100 năm kinh nghiệm và công nghệ xử lý rác thải hiện đại không dễ dàng. Chúng tôi là những người làm nghề và xác định phải hội tụ nhiều điều kiện mới đáp ứng những đòi hỏi khắt khe tại quốc gia rất tiến bộ về khoa học và công nghệ này. Do đó doanh nghiệp phải luôn trau dồi và đeo đuổi phát triển công nghệ mới. Đặc biệt, CWS luôn quan tâm đến việc tái đầu tư, mỗi năm đều thay đổi, đầu tư mới dù hợp đồng với thành phố không đòi hỏi điều này.

- Hiện nay Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước sẽ tiếp nhận và xử lý rác chủ yếu tại TPHCM do VWS đầu tư, đang được vận hành như thế nào thưa ông?

- Lúc đầu, chúng tôi dự kiến đầu tư 90 triệu USD tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, nhưng sau đó nâng lên 150 triệu USD. Nguyên nhân do chúng tôi muốn làm tốt hơn sau khi có những đánh giá toàn diện so với khảo sát ban đầu. Thời điểm đó chúng tôi dự kiến nhận 128ha đất cùng lúc để xây dựng đồng bộ. Tuy nhiên hợp đồng xây dựng thời điểm đó về vật liệu và các chi phí khác đến nay đã có sự thay đổi. Hơn nữa một số hạng mục dù nhỏ như việc các xe tải phải xử lý sạch trước khi ra khỏi khu liên hợp, nhà máy sản xuất điện lấy khí ga từ khu chôn lấp công nghệ cao thay vì đốt bỏ để tạo ra những sản phẩm giúp ích cho xã hội và bảo vệ môi trường được áp dụng triệt để. Giá thành bán điện có thể không bù đắp được và đây là những hoạt động nằm ngoài hợp đồng nhưng chúng tôi vẫn thực hiện để bảo vệ môi trường và góp phần nâng cao năng lực tái tạo.

Công việc VWS hiện vẫn là thu gom rác của thành phố, tách lọc phần tái chế được, xử lý những phần sản xuất được phân hữu cơ, những phần khác chôn lấp bằng công nghệ cao được xây dựng theo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường của Hoa Kỳ, phù hợp điều kiện tại Việt Nam. Hiện Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước tiếp nhận và xử lý 5.000 tấn rác/ngày. Đến nay, VWS đã tiếp nhận và xử lý an toàn gần 10 triệu tấn rác, góp phần bảo vệ môi trường TPHCM. 

Toàn cảnh Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước.

Toàn cảnh Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước.

Dự án lớn trải lòng cùng đất nước

- Mới đây, VWS nhận được gói tài trợ giá trị lớn từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đối với đại dự án Khu công nghệ Môi trường Xanh tại Long An, ông có thể thông tin thêm về tiến độ của dự án?

- Dự án Khu công nghệ Môi trường Xanh thuộc quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2020. Đây là dự án trọng điểm được đầu tư để đáp ứng nhu cầu cấp bách về xử lý chất thải cho TPHCM, Long An và các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với tổng mức đầu tư ban đầu 450 triệu USD. BIDV đã cam kết đồng hành tài trợ vốn đối ứng giai đoạn đầu trị giá 148 triệu USD. Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng hạ tầng toàn khu vực, trong đó xây một cầu lớn 6-8 làn xe. Dự kiến năm 2016 chúng tôi sẽ hoàn thiện những hạng mục và bắt đầu tiếp nhận và xử lý rác cho tỉnh Long An, còn những công đoạn khác vẫn tiếp tục hoàn thiện.

Khu công nghệ Môi trường Xanh có quy mô lớn nhất Việt Nam, được đầu tư trên diện tích 1.760ha, sẽ hoàn chỉnh vào năm 2020. Năng lực xử lý khối lượng rác 20.000 tấn/ngày trong 5 năm đầu và sau đó nâng lên 40.000 tấn/ngày. VWS đầu tư các công nghệ hiện đại nhất để xử lý, tái chế, tái sử dụng, tái tạo năng lượng… các loại chất thải rắn thông thường, xử lý tất cả các loại chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại có trong hiện tại kể cả tương lai nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

- Xử lý rác thải tại Việt Nam và Hoa Kỳ có sự khác biệt về lợi nhuận và tiêu chí môi trường. Tại Việt Nam, VWS có gặp những khó khăn gì không thưa ông?

- Lúc đầu bản thân tôi cũng ngần ngại khi trở về Việt Nam đầu tư bởi đã trải qua nhiều thăng trầm trong kinh doanh. Tuy nhiên, động lực lớn thôi thúc tôi mạnh dạn về quê hương chính là sự khuyến khích của cha, mẹ. Mọi người tin tưởng nếu đã thành công tại Hoa Kỳ với sự đòi hỏi cao về khoa học-công nghệ, tại sao không về Việt Nam áp dụng những điều đã đạt được làm cho quê hương. Theo tôi, khó khăn ở đâu cũng có và mỗi nơi mỗi khác nhau. Ở Việt Nam, chúng tôi thấy chưa có sự minh bạch trong cạnh tranh, nhưng bù lại có sự thuận lợi được chính quyền địa phương hỗ trợ và tháo gỡ nếu gặp khó khăn. Hoạt động lĩnh vực môi trường và xử lý rác có đặc thù khác khi muốn đầu tư ở đâu cũng cần thị trường. Qua khảo sát, tình trạng chung hiện nay là quá tải trong việc xử lý chất thải ở nhiều tỉnh, thành phố lớn. Tuy nhiên vấn đề ở chỗ ai là người nắm nguồn rác và đòi hỏi sự quyết tâm của lãnh đạo chính quyền về công tác xử lý rác.

- Ông có nhận định như thế nào về sự phát triển kinh tế của đất nước trong năm mới khi Việt Nam sẽ tham gia hàng loạt hiệp định kinh tế?

- Năm 2015, kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể. Việt Nam trở thành thành viên của nhiều tổ chức thương mại uy tín. Điều đó có nghĩa là chúng ta đã gia nhập tốt với thế giới và thế giới đã sẵn sàng chấp nhận chúng ta. Sự tham gia này có ý nghĩa lớn là tạo ra môi trường đầu tư cho đất nước và những trải nghiệm thực tế cho doanh nghiệp trong nước. Môi trường kinh doanh mới như những bánh xe đang quay, do đó nếu chúng ta dừng lại chính là tự đào thải mình. Có thể bước đầu doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp khó khăn nhưng sẽ qua rất nhanh. Tôi nghĩ Việt Nam sẽ nhanh chóng vượt qua thách thức bởi con người Việt Nam vừa chịu khó lại vừa ham học hỏi. Đây sẽ là tiền đề tốt để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam, là động lực giúp doanh nghiệp thể hiện chính mình trong giai đoạn phát triển mới. Tôi tin chắc trong vài năm tới, kinh tế Việt Nam sẽ phát triển tốt đẹp hơn về nhiều mặt.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác