Cổ tức tiền mặt: Cung ảo đè cầu thực

Khi thị trường chứng khoán (TTCK) ngày một khó lường, cơ hội đầu tư từ những đợt sóng mạnh hay cổ phiếu (CP) tăng “hỗn” bị thu hẹp, nhà đầu tư (NĐT) quan tâm nhiều hơn đến vấn đề cổ tức, đặc biệt là cổ tức chia bằng tiền mặt. Song không dễ để tìm được CP có cổ tức được chia đều đặn, hợp lý khi ý thức của doanh nghiệp đối với vấn đề cổ tức từ lâu đã tồn tại nhiều lệch lạc không đáng có.

Khi thị trường chứng khoán (TTCK) ngày một khó lường, cơ hội đầu tư từ những đợt sóng mạnh hay cổ phiếu (CP) tăng “hỗn” bị thu hẹp, nhà đầu tư (NĐT) quan tâm nhiều hơn đến vấn đề cổ tức, đặc biệt là cổ tức chia bằng tiền mặt. Song không dễ để tìm được CP có cổ tức được chia đều đặn, hợp lý khi ý thức của doanh nghiệp đối với vấn đề cổ tức từ lâu đã tồn tại nhiều lệch lạc không đáng có.

> Chính sách cổ tức

> Cổ tức và lợi ích

Né chia cổ tức bằng tiền mặt

Một trong những phương pháp định giá quen thuộc mà giới tài chính nắm rất vững nhưng gần như không thể áp dụng một cách hiệu quả đối với các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam là phương pháp chiết khấu dòng cổ tức.

Để có thể áp dụng phương pháp này, một trong những điều kiện tiên quyết là phải xác định rõ giá trị và tỷ lệ tăng trưởng của cổ tức trong từng giai đoạn. Nhưng tìm được một doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt một cách đều đặn đã khó, kèm thêm nếu có giai đoạn doanh nghiệp lại chia cổ tức bằng CP thì phương pháp này gần như vô hiệu.

Trong thời điểm hiện nay, gần như không tồn tại phương pháp nào để NĐT tự xác định doanh nghiệp có khả năng chia cổ tức bằng tiền mặt hay không. Lý do là tình hình khó khăn, nguồn vốn kinh doanh thay đổi từng ngày, trong khi NĐT chỉ có thể “thấy” được tại thời điểm cuối kỳ mỗi quý. Vì vậy, những thủ thuật kế toán như tạo ra doanh thu, lợi nhuận cũng như nguồn tiền mặt để NĐT nhìn vào thấy được và kỳ vọng doanh nghiệp có khả năng chia cổ tức không phải quá khó.

TS. NGUYỄN ANH TUẤN,
Phó Tổng giám đốc CTCK Quốc Tế

Tình trạng doanh nghiệp có năm chia cổ tức tiền mặt, năm lại “in giấy” (chia cổ tức bằng CP) phát cho cổ đông vẫn thường xuyên xảy ra.

Tất nhiên, vẫn còn nhiều phương pháp để có thể định giá CP, nhưng một khi không thể ứng dụng phương pháp nói trên cũng có nghĩa một góc nhìn về doanh nghiệp đã bị “che khuất”, điều này không chỉ ảnh hưởng NĐT mà còn chính doanh nghiệp đó.

Một thí dụ điển hình có thể thấy ở đây là trường hợp của CTCP Đầu tư - Phát triển Sông Đà (SIC). Cuối năm 2011 SIC thông báo tiếp tục lùi thời hạn thanh toán cổ tức năm 2010 với tỷ lệ 10% bằng tiền mặt sang năm 2012.

Đây là lần thứ 4 SIC điều chỉnh thời điểm thanh toán cổ tức. Thử làm một phép tính đơn giản, SIC có vốn điều lệ 80 tỷ đồng, nếu chia cổ tức 10% mệnh giá cũng đồng nghĩa với việc cần một số tiền tương đương 8 tỷ đồng.

Trong khi báo cáo tài chính 2010 đã qua kiểm toán của SIC công bố tại thời điểm cuối năm, khoản mục “Tiền và các khoản tương đương tiền” có giá trị hơn 43 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lên đến hơn 17 tỷ đồng.

Những khoản mục trên đều lớn hơn rất nhiều so với số tiền SIC phải bỏ ra để chia cổ tức, nhưng vấn đề là công ty không chịu chia. Có thể SIC “khất” cổ tức lâu đến vậy bởi lẽ năm 2011 ngành bất động sản, cũng là ngành nghề kinh doanh của SIC, gặp quá nhiều khó khăn.

Nhưng đầu năm 2011, nhiều người không nhìn ra vấn đề và nếu cứ “ôm” SIC để chờ chia cổ tức thì nay coi như lỗ kép khi giá CP vừa giảm lại còn không nhận được xu nào. Chưa kể, nhìn vào thời điểm cuối năm 2011, khoản mục “Tiền và các khoản tương đương tiền” của SIC chỉ còn lại xấp xỉ 10 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối chưa đến 8 tỷ đồng, nên chưa biết chắc liệu SIC có thể trả cổ tức như đã hẹn (lần thứ 4) vào ngày 30-3 tới hay không.

Thả tép bắt tôm

Có một thực tế hiện nay, tại thời điểm làm ăn được nhiều doanh nghiệp còn chưa nghiêm túc chia cổ tức bằng tiền mặt, thì với tình hình khó khăn khó có chuyện doanh nghiệp giữ chữ tín. Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại này nằm ở 2 vấn đề: tư duy và uy tín.

Nhiều NĐT mất niềm tin với chính sách cổ tức của các doanh nghiệp niêm yết hiện nay. Ảnh: LÃ ANH

Nhiều NĐT mất niềm tin với chính sách cổ tức
của các doanh nghiệp niêm yết hiện nay. Ảnh: LÃ ANH

Thực tế, sau khi trào lưu chia cổ tức bằng CP thịnh hành trong giai đoạn 2006-2008, từ 2009 đến nay số lượng doanh nghiệp chia cổ tức bằng tiền mặt đã bắt đầu nhiều hơn. Nhưng điều đáng nói không ít doanh nghiệp đã sử dụng cổ tức tiền mặt để “chơi chiêu” với cổ đông thay vì đem lại lợi ích thật sự. Tiêu biểu nhất có lẽ là “chiêu” chia cổ tức bằng tiền mặt, nhưng ngay sau đó lại chào bán để phát hành thêm CP.

Vào nửa cuối năm 2010, Vinaconex (VCG) đã tiến hành tạm ứng cổ tức đợt 1-2010 bằng tiền mặt với tỷ lệ 7% mệnh giá, tương đương 700 đồng/CP, nhưng đi kèm theo đó lại phát hành CP với tỷ lệ 100:61 với giá 1.0.

Như vậy, ai sở hữu 100 CP VCG, sẽ được nhận vỏn vẹn 70.000 đồng tiền cổ tức nhưng lại bỏ ra 610.000 đồng để mua CP. Nhiều chuyên gia đã ví von doanh nghiệp đã dựa vào cổ tức tiền mặt để chơi trò “thả con săn sắt bắt con cá rô” với cổ đông.

Một “chiêu” quen thuộc không kém cũng liên quan đến vấn đề cổ tức là sử dụng cổ tức nhằm đánh bóng cho kế hoạch kinh doanh của mình. Thử giở lại một số bản cáo bạch, kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong thời gian gần đây, không khó để nhận thấy những con số mang tính vẽ vời được lập ra nhưng không có căn cứ và sai biệt quá nhiều so với thực tế, điển hình nhất là trường hợp của các công ty chứng khoán (CTCK).

Như CTCK Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG), khi niêm yết cũng đề ra kế hoạch chia cổ tức cho năm 2012 lên đến 26% trên vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng. Như vậy, năm 2012 VIG sẽ bỏ ra đến 390 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.

Năm 2011 VIG đã lỗ gần 100 tỷ đồng và vốn điều lệ của công ty chỉ còn xấp xỉ 350 tỷ đồng. Đây rõ ràng là kế hoạch “không tưởng” khi biết rằng VIG là một CTCK thuộc tốp dưới, từ khi ra đời đến nay hầu như không có “số má” gì trên thị trường.

Ý thức và uy tín “người giữ tiền”

Sự “khan hiếm” những CP có tỷ lệ chia cổ tức phần nào đó đã khiến những CP chia cổ tức cao, đều đặn được chú ý đặc biệt. Giữa tháng 9-2011, Vinamilk (VNM) đã tiến hành tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 20% mệnh giá, tương đương 2.000 đồng/CP.

Cũng trong giai đoạn trước khi tạm ứng cổ tức, thị giá của VNM dao động trong khoảng 11.5-13.0. Như vậy, mua một CP với giá 12.0 hưởng được cổ tức 2.000 đồng, tỷ lệ sinh lãi dựa trên cổ tức xấp xỉ 2%. Với một tổ chức đầu tư, sở hữu trong tay hàng triệu CP VNM mua với giá thấp từ những ngày đầu tiên thì tỷ lệ chia cổ tức 20% mệnh giá còn có giá trị.

Vấn đề trả cổ tức cần được xác lập lộ trình chi tiết, ấn định mốc thời gian nào, chia bao nhiêu. Điều này sẽ giúp NĐT yên tâm nắm giữ CP, tạo sự ổn định cho giá CP trên thị trường, qua đó NĐT có nhiều cơ hội hơn để tham gia mua vào. Trường hợp doanh nghiệp chậm trả cổ tức, khất cổ tức cần minh bạch và có những cam kết cụ thể về lộ trình “trả nợ” cổ tức cho cổ đông, thậm chí trả lãi. Điều này nếu được rạch ròi, uy tín của lãnh đạo doanh nghiệp sẽ được củng cố đáng kể.

Luật sư TRẦN MINH HẢI,
Giám đốc Công ty Luật Basico 

Hoặc những NĐT vốn lớn, sẵn sàng bỏ ra 1,2 tỷ đồng mua 10.000 CP VNM với giá khoảng 1.2 để được hưởng 20 triệu đồng tiền cổ tức về tỷ lệ có thể nhỏ, nhưng số tuyệt đối cũng tạm chấp nhận.

Nhưng rất khó để một NĐT cá nhân bình thường, vốn nhỏ từ vài chục đến vài trăm triệu đồng có thể sở hữu những CP có thị giá lớn như VNM, mặc dù tỷ lệ chia cổ tức là rất ổn định. Tương tự là trường hợp của Searefico (SRF), một doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt khá ổn định và tỷ lệ khá tốt trong vài năm trở lại đây.

Ngày 5-1, SRF chốt quyền để ngày 18-1 trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, tương đương 1.000 đồng/CP. Trước ngày chốt quyền, thị giá của SRF luôn ở mức cao hơn 2.0, như vậy tỷ lệ cổ tức/thị giá của CP này thấp hơn 5%, một tỷ lệ cũng không cao.

Một phần nào đó, kỳ vọng cũng như nhu cầu về những CP chia cổ tức tiền mặt ổn định đã đẩy giá những CP thỏa tiêu chí này lên quá cao so với phần cổ tức được chia và cơ hội cho NĐT đã bị thu hẹp.

Đâu sẽ là một giải pháp cho vấn đề cổ tức, đặc biệt là cổ tức bằng tiền mặt để có thể thỏa mãn nhu cầu của cổ đông? Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thương mại SMC, cho biết thời điểm 2005-2006, nhiều doanh nghiệp nhà nước bắt đầu cổ phần hóa nên không dễ có thói quen trích ra lợi nhuận để chia cho cổ đông.

Thời điểm vốn điều lệ của SMC đạt mức 70-80 tỷ đồng, khi quyết định chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 14%, tương đương với việc bỏ ra số tiền 10-11 tỷ đồng cũng là một áp lực, vì khi đó SMC vốn chưa lớn. Một số người còn đặt vấn đề tại sao SMC không bắt chước các doanh nghiệp khác chia cổ tức bằng CP, vốn là trào lưu khá thịnh cách đây 4-5 năm.

Nhưng SMC xác định đã là công ty đại chúng, thành phần cổ đông đa dạng, trong đó có nhiều người bỏ vốn và mong lấy lại lợi tức bằng tiền thật. Đã huy động vốn từ mọi người không thể có chuyện giữ mãi, xài “chùa” được.

Là người đứng đầu doanh nghiệp, chủ tịch HĐQT hay CEO cần phải ý thức được rằng, đối với NĐT việc chia cổ tức đều đặn, đúng hẹn là một cách để thể hiện năng lực, uy tín của mình đối với cổ đông.

Các tin khác