Cồn Cỏ là một đảo nhỏ, với diện tích 2,3km2, nằm ngoài khơi tỉnh Quảng Trị, hơi chếch về phía Bắc vĩ tuyến 17, được xem là tiền đồn của miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ với 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Chiến tranh đã đi qua 40 năm, hòn đảo xưa đã trở thành Huyện đảo Cồn Cỏ với sự lột xác thay da.
Tiền đồn trên biển Đông
Từ Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh), chúng tôi theo tàu đi ra Cồn Cỏ dịp cuối năm. Nhìn chiếc tàu chở gạch, xi măng, sắt thép, gỗ... và còn chở một chiếc ô tô tải, cho thấy công việc xây dựng ở đảo những ngày cuối năm đang bận rộn, khẩn trương. Tàu còn chở các hàng nhu yếu phẩm như gạo, nếp, mì gói, nước giải khát và cả... bia. Mặc dù Cồn Cỏ cách Cửa Tùng chỉ 15 hải lý, nhưng phải 2,5 giờ chạy trên biển chúng tôi mới đến được đảo.
Khác với sự hình dung của tôi về một hòn đảo hoang vắng, Cồn Cỏ hiện ra như một đô thị nhỏ với trụ sở các cơ quan, nhà cửa, đường phố khang trang, ngăn nắp. Tôi tìm anh Lê Quang Lanh, Bí thư kiêm Chủ tịch huyện đảo Cồn Cỏ. Anh Lanh từ tốn, chưa nói gì về công việc, rồi nói anh Nguyễn Thanh Nghĩa ở Huyện đoàn Cồn Cỏ lấy xe máy dẫn tôi đi một vòng thăm đảo. Sau này, nghiệm ra mới biết anh Lanh muốn tôi được trực tiếp cảm nhận, hiểu biết về đảo trước khi anh nói đến công việc.
Anh Lê Quang Lanh cho biết ở Cồn Cỏ trước năm 1959 chưa có người, còn trước năm 2000 chưa có dân, chỉ có bộ đội đồn trú làm nhiệm vụ quân sự. Tháng 3-2002 có 43 đoàn viên thanh niên xung phong (TNXP) ra xây dựng đảo. Đến năm 2004, Huyện đảo Cồn Cỏ chính thức được thành lập với định hướng xây dựng Cồn Cỏ trở thành một đảo du lịch. Đây là cột mốc chuyển từ đảo quân sự sang đảo dân sự.
Trong 10 năm phát triển (2004-2014), Cồn Cỏ đã xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ quốc phòng, đã hình thành và khẳng định một thực thể kinh tế lãnh thổ cấp huyện trên một đảo tiền tiêu, chứng minh tính đúng đắn của dân sự hóa. Huyện đảo có dân số gần 400 người. Suốt 10 năm trên đảo không có tội phạm hình sự, không tệ nạn xã hội, không có tai nạn giao thông.
Những cư dân đầu tiên trên đảo
Nhóm TNXP đầu tiên ra xây dựng đảo Cồn Cỏ gồm 43 đoàn viên, chủ yếu ở 2 xã Vĩnh Quang, Vĩnh Thạch, thuộc huyện Vĩnh Linh. Các bạn trẻ đó, nay có 11 người đã thành đôi, trụ lại ở khu nhà 15 hộ. Đó là những cặp vợ chồng như Diệu-Nhân, Hiền-Ái, Phong-Nhung, Nga-Vĩnh...
Tôi đến thăm nhà của vợ chồng Nguyễn Đức Hiền-Nguyễn Thị Thúy Ái. Hiền đang làm nghề đi biển, bủa lưới gần bờ; còn Ái là công nhân vệ sinh môi trường. Họ có 2 con gái Ngọc Ánh và Khánh Ly. Đặc biệt, bé Ngọc Ánh sinh ngày 10-8-2003 là công dân đầu tiên sinh ra trên đảo Cồn Cỏ.
Vì ở đảo chỉ có trường mẫu giáo, nên đến tuổi đi học lớp 1 phải gửi vào đất liền theo học. Chị Trần Thị Quyệt ở xã Vĩnh Giang (huyện Vĩnh Linh) cũng là cư dân đầu tiên của đảo, hiện là công nhân môi trường đô thị.
Chúng tôi đến thăm Trường mầm non Hoa Phong Ba trên đảo Cồn Cỏ. Trường có 10 cháu, 2 cô giáo. Cô giáo Hoàng Thị Hiếu cho biết đây là ngôi trường tạm, vì trường cũ đã bị cơn bão năm 2013 làm đổ sập, hiện đang được xây dựng lại khang trang hơn. Nhìn các cháu nhỏ vui đùa tung tăng trong lớp học, tôi nghĩ rằng đây là những nụ mầm quý giá của Cồn Cỏ - những hoa phong ba giữa biển khơi sẽ là chủ nhân xây dựng Cồn Cỏ mai này.
Anh Lanh trầm tư: “Trong các mục tiêu xây dựng Huyện đảo Cồn Cỏ trong 10 năm qua, có lẽ mục tiêu di dân chưa đạt được. Đợt TNXP ra đảo đầu tiên, đến nay chỉ còn ở lại huyện 27 người. Nguyên nhân do nhiều người ở vùng ruộng, ra đảo không quen nghề biển, không có ruộng nên họ trở lại vào bờ. Vừa rồi chúng tôi mới xây dựng 10 căn nhà để phục vụ di dân ra đảo. Lần này, chúng tôi ưu tiên các đối tượng là nghề cá và hoạt động du lịch, chỉ chờ các bạn trẻ ra sinh cơ lập nghiệp, xây dựng đảo Cồn Cỏ”.
Cồn Cỏ chờ vươn mình
Cồn Cỏ có thảm thực vật rừng phong phú, nhiều loại gỗ quý như gụ, lim, chò, dạ hương... Bao quanh đảo là một ngư trường rộng lớn, tập trung nhiều loại hải sản như cá, mực, tôm hùm, con khởi, đặc biệt là cua đá. Khu bảo tồn biển Cồn Cỏ đã được thành lập từ tháng 2-2010, có diện tích 4.532ha, nơi đây có nhiều rặng san hô đẹp, còn khá nguyên vẹn, nước trong và ấm, rất thích hợp với du lịch.
Kết nối tam giác Cửa Việt - Cửa Tùng - Cồn Cỏ đưa du khách trên tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây, qua cửa khẩu Lao Bảo là con đường ra biển ngắn, dành cho các du khách ở sâu trong nội địa Thái Lan, Lào, Myanmar. Cồn Cỏ còn có sự hấp dẫn một chiến trường xưa, là “một pháo hạm không chìm” của Việt Nam hiên ngang giữa biển Đông trong chiến tranh.
Hiện nay, vấn đề cốt tử ở đảo Cồn Cỏ là nước ngọt đã được giải quyết. Khó khăn bây giờ là điện, phải chạy bằng máy diezen, mỗi ngày có điện 15 giờ, không đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, cán bộ, Nhân dân, các nhà đầu tư và du khách ra đảo, vào đất liền đều đi nhờ tàu công vụ của huyện hoặc tàu quân sự, tàu chở hàng, tàu đánh cá. Huyện đảo Cồn Cỏ vẫn chưa có một chiếc tàu vận chuyển hành khách giữa đảo và đất liền. Một chiếc tàu như vậy đầu tư khoảng 40 tỷ đồng. Mức kinh phí này vượt ra ngoài khả năng của Huyện đảo Cồn Cỏ và tỉnh Quảng Trị.
Đêm trên đảo Cồn Cỏ rất yên tĩnh và thơ mộng. Các con đường chính của đảo đã được tráng nhựa và có đèn đường. Chúng tôi đi dạo trong cái rét ngọt đầu đông. Ngoài kia, tiếng sóng biển vỗ rì rào. 10 năm, Cồn Cỏ đã lột xác thay da. Cồn Cỏ như một cô gái đẹp chỉ mới trở mình, thức giấc. Bao giờ, “người đẹp” Cồn Cỏ mới tỏa hương sắc? Tôi tin ngày đó không xa.