(ĐTTCO) - Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, những chỉ tiêu đặt ra trong năm 2015 đều đã hoàn thành và vượt, nhưng phía sau những con số đó hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành ra sao. ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông TRẦN VĂN LONG, Tổng giám đốc CTCP Truyền thông du lịch Việt, Trưởng ban Truyền thông và tổ chức sự kiện Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, xung quanh câu chuyện này.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 11 tháng vượt kế hoạch là những con số đẹp cho ngành du lịch?
Ông TRẦN VĂN LONG: - Những con số này cho thấy sự nỗ lực của ngành du lịch. Tuy nhiên, có vấn đề cũng cần quan tâm bên cạnh những con số là thực tế thị trường hiện nay để biết các công ty du lịch làm ăn ra sao, tính hiệu quả như thế nào. Theo tôi, Tổng cục Du lịch nên có những đánh giá sát thực hơn. Có thể thấy khi suy thoái kinh tế bắt đầu, ngành du lịch dường như ít chịu ảnh hưởng.
Trong bối cảnh chiến lược quảng bá của du lịch Việt Nam còn nghèo nàn, thiếu hấp dẫn, sức lan tỏa hạn chế, môi trường xã hội chưa gây được thiện cảm cho du khách khi đến Việt Nam như thiếu an toàn về giao thông, cướp giật, mất cắp, lừa đảo, chèo kéo ở các điểm du lịch... việc tăng phí sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ cho ngành du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam còn phải cạnh tranh với các nước có dịch vụ du lịch khá nổi tiếng trong khu vực như Thái Lan, Singapore… mà giá dịch vụ lại rẻ hơn nhiều so với Việt Nam, thủ tục lại thuận tiện, việc tăng phí này sẽ vô hình chung đẩy Việt Nam ra khỏi danh sách lựa chọn điểm đến của khách du lịch quốc tế. Ông NGUYỄN QUỐC THÀNH, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam |
Song càng về sau ngành du lịch càng bị ngấm đòn và trong khoảng 3 năm trở lại đây, du lịch đang trong chiều hướng đi xuống. Khách trong nước còn duy trì được, nhưng khách quốc tế đến Việt Nam giảm trầm trọng. Thời gian qua, Việt Nam có lợi thế là tình hình chính trị ổn định, nhưng vấn đề an ninh, an toàn vệ sinh thực phẩm và cung cách phục vụ… lại khiến du khách quốc tế chưa an tâm, chưa hài lòng khi đến du lịch tại Việt Nam. Ngoài ra, số lượng khách cũng chưa phải yếu tố quyết định, quan trọng hơn là chất lượng khách. Hiện những khách chi tiêu nhiều như khách Tây Âu đang giảm một cách đáng kể. Thời gian tới Tổng cục Du lịch cần có những chương trình xúc tiến tốn hơn, phải nhìn nhận rõ hơn thực trạng của doanh nghiệp lữ hành, bởi hiện nay nhiều doanh nghiệp rất khó khăn, tuy chưa đến mức phá sản nhưng cũng yếu lắm rồi.
- Muốn xúc tiến du lịch tốt hơn cần có nhiều kinh phí, trong khi nguồn lực này của Tổng cục Du lịch không phải lớn?
- Cũng phải nhìn nhận vai trò của Tổng cục Du lịch là cơ quan dưới bộ nên cũng bị động nhiều. Tuy nhiên, nếu Tổng cục Du lịch không đưa ra một chương trình cụ thể, có hướng đi rõ ràng thật khó để tìm lời giải. Ngành du lịch nên có kiến nghị với Chính phủ để có được sự đầu tư tài chính sâu, rộng hơn. Song hành với những nguồn đầu tư của Nhà nước, hiện nay cơ chế Nhà nước và Nhân dân cùng làm sẽ phát huy tác dụng mang đến nhiều hướng mở để có nguồn tài chính phát triển du lịch.
Bản thân doanh nghiệp lữ hành cũng muốn cùng vào cuộc với Chính phủ, với Tổng cục Du lịch nhưng lại chưa có được chương trình. Nên doanh nghiệp vẫn đang tự loay hoay, mạnh ai nấy làm. Điều này dẫn đến việc các công ty du lịch mọc lên như nấm, chất lượng chưa đảm bảo, cạnh tranh không lành mạnh, thương hiệu lớn nhỏ nhập nhằng, làm theo cơ chế xin cho. Những doanh nghiệp lớn, thương hiệu uy tín mất nhiều thời gian xây dựng bộ máy, xây dựng sản phẩm, mở tuyến điểm, đầu tư cho thương hiệu lại phải đi cạnh tranh với những doanh nghiệp nhỏ làm ăn chộp giật và việc này gây thiệt hại cho du khách trong nước và nước ngoài. Trong khi đó nngành du lịch vẫn chưa quản lý được thực trạng này.
- Một trong những nút thắt khi đưa khách quốc tế đến Việt Nam chính là visa. Bắt đầu từ tháng 7 năm nay, Việt Nam miễn visa đơn phương cho du khách 6 nước châu Âu. Theo ông việc này có ý nghĩa như thế nào?
- Tôi đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đã thực hiện chương trình miễn visa đơn phương cho khối các nước Tây Âu, song vẫn còn một vài vấn đề xung quanh việc này. Thứ nhất, thời gian miễn visa 15 ngày là quá ít, chúng ta nên miễn trong vòng 1 tháng hoặc lâu hơn. Vì khách du lịch ở những nước này thường có sự chuẩn bị cho các chuyến du lịch trước cả năm và khi qua Việt Nam họ có thể ở cả nửa tháng, thậm chí lâu hơn. Thứ hai, thời hạn của chương trình này kéo dài đến 30-6-2016, sau thời hạn này Chính phủ nên tiếp tục chương trình này trong thời gian dài. Miễn visa, mỗi du khách chúng ta sẽ mất đi mấy chục USD, nhưng cái nhận được lớn hơn rất nhiều, bởi đây là động lực kích thích du khách đến Việt Nam nhiều hơn.
Hiện nay Campuchia đã có liên minh visa với Thái Lan và Việt Nam cũng cần có những liên minh như vậy. Đặc biệt khi AEC hình thành, việc liên minh như vậy lại càng cần hơn để kéo khách đến Việt Nam. Thí dụ, những khách khi đến du lịch Thái Lan có thể chưa nghĩ tới Việt Nam nhưng nếu có liên minh visa rất có thể họ sẽ đến. Nếu chúng ta không chuẩn bị sớm chuyện mất khách là khó tránh. Chắc hẳn các cơ quan chức năng Việt Nam cũng đã nhìn nhận ra vấn đề này và sẽ thực hiện trong thời gian không xa.
- Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành du lịch, Công ty Du lịch Việt đã làm gì để có thể đứng vững?
- Ngay từ năm 2013, chúng tôi đã nhận thấy những khó khăn đang ở phía trước nên đã có những chuẩn bị cho mình. Trong năm 2014 và 2015, chúng tôi thực hiện việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đồng thời đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh để bổ trợ thêm cho du lịch. Bước qua năm 2016, các chương trình Tổng cục Du lịch đưa ra rất hoành tráng, nhưng làm như thế nào phải chờ, hy vọng chúng ta sẽ tốt hơn. Nhưng cũng cần hiểu rằng, AEC sẽ mang lại tính cạnh tranh cao hơn trong lĩnh vực du lịch. Trong sân chơi chung ấy, sự đào thải sẽ diễn ra, kẻ mạnh sẽ thắng kẻ yếu, lúc này du lịch Việt Nam cần có sự đoàn kết tạo sức mạnh. Lâu nay, sự liên kết của chúng ta rất yếu và nếu chúng ta không chuẩn bị, không có tính chủ động, việc bị thâu tóm là khó tránh khỏi.
- Xin cảm ơn ông.