Công khai, minh bạch tăng giá

Mập mờ, thiếu minh bạch đang tồn tại ở nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện nay mà điển hình là câu chuyện về hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Nghị định 205 quy định điều lệ tổ chức và hoạt động EVN vừa ban hành hứa hẹn mang đến sự thay đổi từ tập đoàn này trong công khai, minh bạch khi tăng giá điện.

Mập mờ, thiếu minh bạch đang tồn tại ở nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện nay mà điển hình là câu chuyện về hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Nghị định 205 quy định điều lệ tổ chức và hoạt động EVN vừa ban hành hứa hẹn mang đến sự thay đổi từ tập đoàn này trong công khai, minh bạch khi tăng giá điện.

Kinh doanh kiểu EVN

Thông tin gần đây gây chú ý dư luận là trả lời của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh giải đáp việc EVN đầu tư 595 tỷ đồng cho 6 dự án nhà ở công nhân, chuyên gia, các công trình phúc lợi như sân tennis, bể bơi và các công trình thể thao khác.

Trong đó, có 1 dự án trên 60 tỷ đồng được tính vào giá bán điện. Cũng theo ông Tranh, sau khi có kết luận của thanh tra, Chính phủ giao Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, EVN rà soát, điều chỉnh lại các dự án đang xây dựng, làm rõ nội dung đầu tư nào được đưa vào giá thành sẽ tính vào giá điện, đầu tư nào không được đưa vào giá điện. Việc hợp lý hay không của các khoản đầu tư trên còn phải chờ cơ quan chức năng bóc tách.

Nhưng trước đó dư luận chưa từng được nghe thông tin liên quan đến vấn đề này, dù họ là “thượng đế”. Mặt khác, ngay Thanh tra Chính phủ cũng chưa thể xác định được sự hợp lý của số tiền đầu tư vào các công trình phúc lợi?

Việc thiếu minh bạch của EVN không phải là câu chuyện xa lạ. Nếu điểm qua các thông tin về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này suốt thời gian dài, sẽ còn không ít thắc mắc chưa có lời giải đáp cụ thể. Chẳng hạn, trong tổng số lỗ lũy kế sản xuất kinh doanh điện và các khoản chi phí chưa hạch toán vào giá bán lẻ điện đến 31-12-2012 gần 20.000 tỷ đồng (công bố cuối năm 2013), chi tiết các khoản lỗ đến từ đâu không được Bộ Công Thương lẫn EVN nêu rõ; doanh thu EVN 6 và 7 tháng đầu năm 2013 tăng lần lượt hơn 23% và gần 23% so với cùng kỳ, trong khi từ 1-8-2013 giá điện vẫn tăng; tỷ lệ tổn thất điện năng toàn hệ thống 8,9% cao hơn kế hoạch 0,1%; có thời điểm doanh nghiệp này lỗ nhưng lương, thưởng vẫn cao chót vót...

Trong khi đó, bộ quản lý ngành lẫn EVN lại luôn tìm mọi cách tăng giá điện với lý do để có thêm vốn đầu tư. Trong các năm 2012, 2013, theo báo cáo, EVN đều có lãi và chủ yếu đến từ giá điện tăng. Điều này cho thấy hiệu quả hoạt động kinh doanh của EVN vẫn chưa được cải thiện. Sự bất hợp lý này khiến dư luận luôn có cái nhìn “ác cảm” mỗi khi EVN rục rịch tăng giá điện, dù đây là điều cần thiết theo nguyên tắc thị trường.

Chính việc duy trì độc quyền cho EVN trong nền kinh tế thị trường là nguyên nhân làm chậm đổi mới công nghệ, quản trị doanh nghiệp, dẫn đến kinh doanh kém hiệu quả.

Nếu so EVN với một số tập đoàn khác có thể thấy đang tồn tại sự khác biệt. Chẳng hạn, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa, cơ cấu lại và phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng theo hình thức đấu giá công khai vào năm 2011, doanh nghiệp này đều đặn công bố thông tin hàng quý, bán niên, hàng năm.

Với EVN, dư luận chỉ được biết phần nào kết quả kinh doanh qua các đợt kiểm toán hay thanh tra, trong khi các hoạt động này không thể diễn ra thường xuyên.

Trách nhiệm rõ ràng

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả, đã chỉ rõ sự không hợp lý của phương pháp xây dựng biểu giá điện hiện nay của EVN khi dựa trên chi phí thống kê hạch toán giá thành.

Cách tính giá điện này chủ yếu với mục đích bù lỗ, không tính đến nguyên nhân và các biện pháp giảm chi phí; điều chỉnh giá điện mới chú ý đến làm tăng giá điện, chưa quan tâm đến giảm giá điện khi vào mùa mưa và việc tăng công suất các nhà máy thủy điện, giảm tổn thất, giá thành...

Còn theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, việc giá điện theo thị trường là xu hướng đúng đắn, nhưng muốn có giá thị trường phải có thị trường cạnh tranh, giá thị trường phải hình thành trên thị trường và theo thị trường. Ngành điện phải làm rõ thêm những vấn đề này trước khi tính toán tiếp việc tăng giá điện.

Báo cáo của EVN cho biết năm 2014, tập đoàn này cần đầu tư xây dựng với tổng giá trị thực hiện khoảng 123.600 tỷ đồng, tương đương 6 tỷ USD (trả nợ gốc và lãi vay khoảng 33.000 tỷ đồng). Trong khi mục tiêu sản xuất và kinh doanh điện phải có lãi nên EVN sẽ không còn cách nào khác phải tiếp tục xin tăng giá điện.

Thực tế này cho thấy sẽ khó hạn chế được việc EVN tăng giá bán điện trong năm 2014, đặc biệt trong bối cảnh điện vẫn là ngành độc quyền. Vì thế, cần thiết phải tăng cường kiểm soát việc tăng giá bán, cũng như giám sát hiệu quả sản xuất, kinh doanh của tập đoàn này.

Các khoản lỗ, lãi cần được công khai rõ ràng cùng với các nguyên nhân để đưa ra chi phí giá thành hợp lý. Từ đó, việc tăng giá không gây những phản ứng lớn với người tiêu dùng như thời gian qua.

Theo Nghị định 205, EVN sẽ là công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Theo đó, EVN sẽ phải thực hiện việc công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến hoạt động của mình tương tự như doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán.

Cụ thể, danh mục, hình thức, tổng ngân sách đầu tư và tiến độ thực hiện; các khoản vay ngắn hạn và dài hạn; báo cáo tài chính quý, báo cáo tài chính bán niên (6 tháng đầu năm) đã được soát xét, báo cáo tài chính năm của EVN; lương và các lợi ích khác của bộ máy quản lý điều hành và người lao động EVN; báo cáo tài chính năm hợp nhất có kiểm toán của toàn tập đoàn và báo cáo thường niên... Phương tiện công bố là trang tin điện tử của EVN và trang thông tin điện tử doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch - Đầu tư.

Bên cạnh đó, EVN phải tuân thủ các hình thức công bố như với các doanh nghiệp niêm yết về thời gian công bố, báo cáo tình hình quản trị... Cùng với đó là việc quy trách nhiệm một cách cụ thể khi EVN lỗ, mất vốn nhà nước, quyết định dự án đầu tư không hiệu quả... Nghị định 205 hứa hẹn tạo ra sự thay đổi mới cho EVN thời gian tới.

Các tin khác