Công khai, minh bạch TTCK: Cần chiến lược rõ ràng, bài bản

Đối với các công ty cổ phần có xuất xứ từ doanh nghiệp nhà nước, để tiến đến minh bạch thông tin trên thị trường chứng khoán (TTCK) luôn là thách thức rất lớn. Đặt trong bối cảnh hiện nay, sự kém minh bạch có thể là rào cản cho chính sự phát triển hoặc vượt khó chứ không đơn thuần chỉ là thiệt thòi cho những cổ đông nhỏ lẻ bên ngoài.

Đối với các công ty cổ phần có xuất xứ từ doanh nghiệp nhà nước, để tiến đến minh bạch thông tin trên thị trường chứng khoán (TTCK) luôn là thách thức rất lớn. Đặt trong bối cảnh hiện nay, sự kém minh bạch có thể là rào cản cho chính sự phát triển hoặc vượt khó chứ không đơn thuần chỉ là thiệt thòi cho những cổ đông nhỏ lẻ bên ngoài.

Minh bạch để tôn trọng cổ đông

Từ ngày 4-4-2013, PVX (Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam) bị HNX đưa vào diện bị kiểm soát do thua lỗ trong 2 năm 2011 và 2012. Nửa đầu năm nay, PVX có một loạt thay đổi nhân sự cấp cao, từ ban giám đốc cho đến hội đồng quản trị. Dù không ở mức độ toàn phần, những sự thay đổi này vẫn có liên quan đến tình hình hoạt động của PVX trong vài năm qua.

Nguồn thu, chi phí và tài sản là 3 vấn đề chủ chốt trong hoạt động của doanh nghiệp và cũng là xương sống trong việc triển khai minh bạch thông tin. Như vậy, tùy theo thực trạng hoạt động cũng như yêu cầu của NĐT, doanh nghiệp sẽ dần phải tiến đến công khai chi tiết, có thể từ từng phần, rồi đến toàn phần. Sự phản hồi từ TTCK không chỉ có chỉ trích, thất vọng mà đi kèm có thể sẽ là những góp ý, cảnh báo để doanh nghiệp sẽ hoạt động tốt hơn, dù cho minh bạch ban đầu có thể chỉ ra nhiều khuyết điểm của doanh nghiệp.

Luật sư Trần Minh Hải,
Giám đốc Công ty Luật Basico

Trong sự thay đổi này, cụ thể là việc miễn nhiệm, bổ nhiệm, nhà đầu tư (NĐT) thấy rất rõ dấu ấn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cổ đông lớn và cũng là đơn vị quản lý phần vốn nhà nước tại PVX. Điều này cũng dễ hiểu, khi PVX làm ăn không thuận lợi, NĐT bán tháo cổ phiếu (CP) dẫn đến giá CP giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị cổ phần tại PVX mà PVN đang nắm giữ.

Thế nên, PVN sẽ phải có những hành động để xử lý các vấn đề này một cách công khai rõ ràng. Nếu PVX vượt qua khó khăn, tất nhiên thị trường sẽ đánh giá cao nỗ lực của PVN. Giả sử PVX là doanh nghiệp dưới sàn, không phải chịu nhiều quy định về công bố thông tin như đối với doanh nghiệp trên sàn, độ quan tâm của NĐT cũng ít hơn, cho dù PVN có hành động quyết liệt, sự ghi nhận từ phía TTCK chưa chắc đã rõ nét.

Trường hợp PVX chỉ ra rằng việc công khai, minh bạch thông tin đem lại lợi ích trước tiên cho chính cổ đông nhà nước chứ không đơn thuần chỉ có các đơn vị bên ngoài. Thậm chí Nhà nước có nhiều thuận lợi hơn trong việc triển khai minh bạch.

Lấy thí dụ: Một công ty đại chúng, không có cổ đông nhà nước, cổ đông nhỏ lẻ bên ngoài muốn liên kết để tạo sức ép cũng không dễ dàng. Nhưng nếu là cổ đông nhà nước mọi chuyện đơn giản hơn nhiều. Bởi thực tế các công ty cổ phần mà Nhà nước nắm giữ dù tỷ lệ không lớn, nhưng ảnh hưởng lên các lãnh đạo không hề nhỏ.

Chưa kể, minh bạch là tối đa hóa lợi ích cho công ty nhưng cũng có thể tối thiểu hóa lợi ích của một số cá nhân. Nếu ông giám đốc minh bạch công ty, có thể vấn đề yếu kém sẽ bộc lộ, dẫn đến ảnh hưởng đến quyền lợi.

Dẫn chứng gần 2 năm Petrolimex hoạt động dưới hình thức của một công ty cổ phần, công ty đại chúng, thế nhưng thông tin về hoạt động của Petrolimex không thực sự dồi dào, thường gây ra những nhìn nhận trái chiều. Điển hình là việc lỗ, lãi của Petrolimex. Petrolimex chưa niêm yết trên sàn, nên việc công bố báo cáo tài chính theo từng thời điểm và buộc phải đúng hẹn cũng chưa xảy ra.

Thế nên, NĐT và cổ đông cũng sẽ gặp khó khăn hơn trong việc nhìn nhận, đánh giá hoạt động của công ty một cách chuẩn xác, khách quan nhất.

Cần tiêu chuẩn khắt khe hơn

Khi Tổng công ty Chăn nuôi (Vilico) phát hành CP lần đầu ra công chúng (IPO) vào đầu tháng 3 không khí rất kém sôi động. Vilico có một số yếu tố được xem là hợp khẩu vị với NĐT hiện nay, nhất là NĐT tổ chức. Đó là một đơn vị đầu ngành chăn nuôi - ngành đang nhận được nhiều sự quan tâm.

Hơn nữa, quy mô vốn điều lệ của Vilico cũng đã ở mức hơn 600 tỷ đồng, không lớn nhưng cũng không nhỏ. Trước, trong và sau đợt IPO của Vilico, những thông tin của Vilico xuất hiện hạn chế trên phương tiện truyền thông. Kết quả, Vilico chỉ bán được phân nửa (13,5 triệu CP) số cổ phần đem ra chào bán (26,7 triệu CP), với giá trúng thầu bình quân bằng với giá khởi điểm 10.100 đồng/CP.

Công khai minh bạch đối với những CTCP có cổ đông lớn là doanh nghiệp nhà nước luôn là thách thức.
Công khai minh bạch đối với những CTCP có cổ đông lớn là doanh nghiệp nhà nước
luôn là thách thức.

Chào bán không hết, giá cũng chỉ ngang mệnh giá 1.0, khó có thể nói là ấn tượng hay thành công cho đợt IPO của Vilico. Nhưng điều đáng chú ý là trong cơ cấu cổ đông của Vilico có Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI, trực thuộc Công ty chứng khoán (CTCK) Sài Gòn (SSI). SSI được xem là CTCK dẫn đầu trong lĩnh vực tự doanh, hoạt động đầu tư của công ty đều có chiến lược bài bản.

Thế nên, nếu không nhận thấy Vilico có tiềm năng gì, SSI sẽ không thể rót vốn vào. Nhưng tại sao chỉ SSI nhìn ra được tiềm năng của Vilico và hành động, còn các tổ chức đầu tư hay NĐT cá nhân khác thì không? Do các nhóm NĐT này không đủ điều kiện để tiếp cận với Vilico? Hay do độ phủ sóng về thông tin đến với TTCK của Vilico chưa đủ mạnh để thu hút?

Minh bạch là một yếu tố có phần định tính trội hơn định lượng. Tuy nhiên, nếu lấy thước đo minh bạch từ những công ty như REE hay Dược Hậu Giang, có thể thấy tiêu chuẩn minh bạch sẽ ngày càng khắt khe hơn. Minh bạch hiện nay phải có chiến lược, thực hiện một cách bài bản.

Dược Hậu Giang, VietinBank, Vietcombank… cũng vẫn có cổ phần của Nhà nước nhưng vẫn được đánh giá cao về minh bạch. Vấn đề mấu chốt nằm ở suy nghĩ và hành động của lãnh đạo các doanh nghiệp này. Bởi lẽ, dù phần vốn là của Nhà nước, nhưng đại diện vốn, quản lý các phần vốn này hoặc thậm chí là tham gia điều hành là những người khác nhau.

Nếu lập luận, các công ty nhà nước, cổ phần hóa do chưa lên sàn, chưa phải tuân thủ các quy định từ cơ quan quản lý trong việc công khai thông tin, nên chưa hành động thì đó là sai lầm. Vì hiện nay có những doanh nghiệp chưa niêm yết thực hiện công tác minh bạch thông tin thậm chí còn tốt hơn cả doanh nghiệp trên sàn.

Minh bạch phải có chiến lược

Có một điều chắc chắn là nếu các công ty không xác lập một chiến lược đi kèm với quyết tâm và nhất quán rất dễ rơi vào tình trạng hụt hơi. Tốt khoe, xấu che, liệu có đơn vị nào đang làm ăn thua lỗ gặp khó khăn trong hoạt động mà muốn phơi bày tất cả ra bên ngoài?

Với các doanh nghiệp niêm yết, dù muốn hay không cũng vẫn phải làm vì cuộc chơi trên TTCK là như vậy. Nhưng với các doanh nghiệp dưới sàn, việc sẵn sàng đối mặt với những tình huống này lại không đơn giản. Lấy thí dụ trường hợp của Ngân hàng Đông Á dù chưa lên sàn, nhưng được đánh giá cao về mặt thông tin khi công bố rất cụ thể về việc chi trả cổ tức, từ danh sách, đến thời gian đều đặn từng quý bên cạnh những thông tin khác.

Petrolimex và Vilico hiện vẫn tuân thủ những quy định về công bố thông tin của công ty đại chúng, nhưng chừng đó là chưa đủ để nói rằng các công ty này minh bạch.

Minh bạch thông tin cần được thực hiện dựa trên sự tôn trọng cổ đông. Có tôn trọng mới thực hiện một cách cẩn thận, chu đáo thay vì làm một cách qua loa, đối phó. Doanh nghiệp công bố thông tin không chỉ đúng, đủ mà còn phải chuyển tải thú vị, đôi khi vượt qua cả nhu cầu thông thường. Những công ty cổ phần có xuất phát điểm từ doanh nghiệp nhà nước, nên dù có cổ phần vẫn có yếu tố Nhà nước, nên có phần cứng nhắc, trì trệ là không đúng.

TS. Vũ Bằng,
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Năm 2012, Tổng CTCP Thép Việt Nam (VNSteel) lỗ hơn 340 tỷ đồng. Với tình hình của ngành thép năm nay, VNSteel sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Điều dễ thấy là khi VNSteel báo lỗ, NĐT sẽ so sánh tổng công ty với những ông lớn khác của ngành thép đang niêm yết trên sàn như Hòa Phát (HPG), Hoa Sen (HSG), Pomina (POM)… theo các tiêu chí như hiệu quả kinh doanh, minh bạch thông tin.

Đồng thời, VNSteel vừa phải khắc phục khó khăn trong kinh doanh, điều đó đã không đơn giản, nếu không muốn lòng tin của cổ đông sụt giảm, VNSteel cũng phải nỗ lực đẩy mạnh nhưng không dễ thực hiện trong một sớm một chiều. Lấy dẫn chứng trường hợp của HPG, được đánh giá là khá cởi mở với các CTCK, quỹ đầu tư. VNSteel giờ đây nếu cởi mở, nhiều khi lại khiến sự thua lỗ thêm trầm trọng, điều này càng gây khó khăn hơn cho công ty.

Bởi lẽ, cũng sẽ có những đối thủ khác của VNSteel nhân cơ hội này để “tấn công”. Nếu như từ khi cổ phần hóa đến nay, VNSteel chủ động hơn trong việc minh bạch thông tin, thậm chí sớm lên sàn, để thị trường nhìn nhận rõ hơn, câu chuyện có lẽ sẽ khác.

Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, chuyên gia chứng khoán, với những công ty cổ phần mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối, lãnh đạo những công ty này sẽ chịu trách nhiệm với cổ đông nhà nước. Nếu cổ đông nhà nước chưa đẩy mạnh định hướng hoặc tạo sức ép về minh bạch, những nhà quản lý trực tiếp bên dưới tại doanh nghiệp sẽ không vội vàng thực hiện.

Các tin khác