Công ty tài chính chạy đua làm app mobile

(ĐTTCO) - Bắt kịp xu hướng tiêu dùng của khách hàng, các công ty tài chính đang đẩy nhanh chiến lược số hóa công nghệ tài chính thông qua việc hợp tác với các fintech để ra mắt app mobile.
Công ty tài chính chạy đua làm app mobile
Báo cáo về xu hướng tiêu dùng của người Việt do Andrews University công bố hồi đầu năm cho biết, hơn một 1/3 dân số Việt Nam (khoảng 40 triệu người) đã tham gia mua sắm trực tuyến. Riêng năm 2018, ước tính chi tiêu của mỗi cá nhân cho thương mại điện tử là 208 USD, đẩy thị trường này tăng trưởng lên con số 8 tỷ USD.
Việt Nam cũng là một trong những nước sử dụng điện thoại di động thường xuyên nhất. Theo Picodi, cứ 10 giao dịch thanh toán thì 5 giao dịch được thực hiện bằng điện thoại di động mỗi ngày. Đặc biệt hơn, gần một nửa số người mua sắm trực tuyến (49%) là những người trẻ trong độ tuổi từ 25-34.
Công ty tài chính cũng làm app mobile
Xu hướng tiêu dùng này là lý do các ngân hàng, công ty tài chính đang bước vào cuộc đua số hóa công nghệ tài chính.
Trong khi ngân hàng có xu hướng bắt tay công ty fintech làm app mobile banking, cho phép "nhúng” các giải pháp Fintech vào app ebank, nhiều công ty tài chính đã phát triển các app mobile riêng.
Mới nhất, FE Credit (công ty chiếm thị phần cho vay tiêu dùng lớn nhất thị trường) đã cho ra mắt ứng dụng cùng tên trên di động.
Tương tự các app ebank của ngân hàng, ứng dụng của công ty cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch như nạp tiền điện thoại, thanh toán hóa đơn, mua vé xem phim, tàu xe… Ứng dụng này còn cho phép người dùng đăng ký khoản vay tiêu dùng hoặc mở mới thẻ tín dụng, mua các gói bảo hiểm độc quyền…
Đặc biệt, app mobile cho công ty này phát triển còn giống với các app ebank của ngân hàng khi cho phép chủ thẻ thanh toán bằng cách quét mã QR tại các cửa hàng đăng ký chấp nhận thanh toán.
Việc các công ty tài chính và ngân hàng chạy đua phát triển công nghệ để thúc đẩy tiêu dùng của người dân đã giúp tín dụng tiêu dùng đã tăng trưởng mạnh từ năm 2015 đến nay.
Thống kê của FinGroup cho hay, tín dụng tiêu dùng tăng trung bình 66,3%/năm trong giai đoạn 2015-2017, cao hơn nhiều so với mức 20% của 2013- 2014.
Tăng trưởng năm 2018 cũng đạt 30,4% và tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng tín dụng nền kinh tế đã tăng từ mức 12,3% (năm 2016) lên 19,7% (năm 2018).
Tuy vẫn ở mức thấp hơn so với các nước phát triển trên thế giới (40-50%) nhưng từ năm 2020 Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng hàng loạt quy định với để quản lý, giám sát thị trường cho vay này.
Cho vay dưới sự giám sát chặt chẽ của NHNN
Tương tự các ngân hàng, các công ty tài chính cũng chịu sự giám sát của NHNN, đặc biệt trong giai đoạn phát triển nhanh như hiện nay.
Theo số liệu của NHNN, toàn hệ thống hiện có 16 công ty tài chính đang hoạt động. Các công ty này có mặt tại các trung tâm điện máy, cửa hàng... cho vay trực tiếp khi khách hàng mua sản phẩm dịch vụ, và phát hành thẻ tín dụng.
Thông tư 18/2019 của NHNN có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 yêu cầu các công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng không có nợ xấu tại thời điểm gần nhất khi ký kết hợp đồng vay. Bên cạnh đó, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp so với tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng cuối ngày làm việc liền trước phải tuân thủ tỷ lệ tối đa theo lộ trình đặt ra.
Ngoài ra, để hạn chế tình trạng đòi nợ nhầm, không đúng người đi vay, quy định của NHNN cũng yêu cầu các công ty này thực hiện biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không được đe dọa khác.
Trong đó, số lần nhắc nợ tối đa 5 lần/ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay nhưng phải trong khoảng từ 7 giờ đến 21 giờ.
Công ty tài chính cũng phải cung cấp cho khách hợp đồng cho vay, giải thích chính xác, đầy đủ các nội dung cơ bản tại hợp đồng cho vay tiêu dùng. Bao gồm cả quyền và nghĩa vụ của khách hàng vay, các biện pháp thu hồi nợ, xử lý trong trường hợp khách không thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng.
Công ty tài chính chạy đua làm app mobile ảnh 1
Kiểm soát để cho vay có trách nhiệm
Theo các chuyên gia, việc NHNN sử dụng các biện pháp giám sát thị trường cho vay tiêu dùng là cần thiết khi mà kiến thức quản lý tài chính cá nhân cũng như trách nhiệm trả nợ của người tiêu dùng chưa cao.
Thực tế, nhiều trường hợp các công ty tài chính đã ghi nhận những hành vi tiêu cực của một số khách hàng vay tiền.
Theo TS. Bùi Quang Tín, mỗi người đều có các chiến lược về đòn bẩy tài chính và cách thức quản lý nợ khác nhau. Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải có kế hoạch tài chính cá nhân rõ ràng và hiệu quả. Kế hoạch nợ nần cũng phụ thuộc vào kế hoạch tài chính của mỗi người.
Theo đó, người vay tiền cần kiểm soát tốt nợ và khả năng trả nợ của mình để tránh việc mất khả năng chi trả.
Vị chuyên gia cũng khuyến cáo, cần cẩn trọng khi tham gia vay tiền của bất kỳ tổ chức cho vay nào, đặc biệt phải xem kỹ các nội dung trên hợp đồng vay.
“Người dân cần chọn lựa những kênh tài chính an toàn và phù hợp, như ngân hàng hay công ty tài chính, vì đó là những tổ chức cho vay hợp pháp. Ngoài ra, khi vay cần lưu ý những nội dung trên hợp đồng để xem có đáp ứng được khả năng trả nợ của mình hay không. Chú ý nhiều đến vấn đề lãi suất”, ông Tín đưa ra lời khuyên.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực, người đi vay cần tìm hiểu rõ thông tin về khoản vay trước quyết định vay để cân nhắc về khả năng trả nợ.
Vị chuyên gia cho biết, nhiều người không hiểu rõ về sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng, và đôi khi không được tư vấn một cách rõ ràng, đầy đủ về hợp đồng tín dụng, nên sau khi vay có cảm giác bị lừa gạt.
Theo ông Lực, điều này ảnh hướng nhất định đến tính thiếu tuân thủ các điều kiện tín dụng, dẫn đến chịu lãi phạt cao và các công ty tài chính phải liên tục gọi điện để đòi nợ. Việc này vừa gây hại cho khách hàng vay mà còn làm mất thiện cảm đối với các công ty tài chính cho vay hợp pháp.

Các tin khác