CPH và IPO: Một năm thuận lợi, hanh thông

Chưa bao giờ số lượng doanh nghiệp (DN) tiến hành bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) lại dồn dập như thời điểm hiện tại. Dù rằng có DN thất bại và cũng có DN thành công, nhưng với số lượng DN ồ ạt tiến hành IPO chứng tỏ quyết tâm hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa DNNN mà Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra.

Chưa bao giờ số lượng doanh nghiệp (DN) tiến hành bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) lại dồn dập như thời điểm hiện tại. Dù rằng có DN thất bại và cũng có DN thành công, nhưng với số lượng DN ồ ạt tiến hành IPO chứng tỏ quyết tâm hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa DNNN mà Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra.

Dồn dập cuối năm 

Sự khởi sắc của TTCK thời gian qua sẽ đóng góp tích cực cho quá trình CPH DNNN. Điều này phần nào được thể hiện qua thành công của hàng loạt ông lớn trong năm 2014 như Tổng công ty Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines)…

 Ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE), kể từ đầu năm 2014 đến nay, đơn vị này đã tổ chức IPO cho 42 DN, gấp 2,5 lần năm 2013, trong đó có 21 DN được tiến hành trong những tháng cuối năm. Điều này đồng nghĩa với số lượng DN tiến hành IPO trong quý IV tương đương với tổng số đợt IPO thành công tại HOSE từ đầu năm 2014 tới hết quý III.

Theo đó, trung bình trong tháng 12 cứ 1,5 ngày HOSE tổ chức 1 đợt bán đấu giá cổ phần.  Cũng theo HOSE, từ nay cho đến cuối năm 2014 sẽ tổ chức đấu giá cổ phần cho 4 DN đã đăng ký IPO còn lại là CTCP Trà Bắc (3 triệu cổ phần), Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Bình Định (3,8 triệu cổ phần), Công ty TNHH Cảng Cần Thơ (13,6 triệu cổ phần) và Công ty TNHH MTV Trục vớt cứu hộ Việt Nam (1,5 triệu cổ phần).

Tuy nhiên, do không có nhà đầu tư (NĐT) đặt mua, từ đầu năm 2014 đến nay, HOSE cũng phải hủy hàng chục phiên đấu giá cổ phần của các đơn vị như Ngân hàng TMCP Đại Á, CTCP Bến xe Kon Tum, CTCP Xây dựng thương mại Thái Dương, CTCP Nhựa Rạng Đông, Nhà máy Gạo xuất khẩu Tây Ninh, CTCP Thương mại dịch vụ VDA Đà Nẵng, CTCP Đầu tư Long Biên, Công ty TNHH MTV Satra Tây Nam, CTCP Thương mại dịch vụ VDA Đà Nẵng.

Còn theo số liệu thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), kể từ đầu năm 2014 đến nay, có 51 phiên IPO (tăng gấp đôi so với năm 2013) và đa phần cũng diễn ra trong những tháng cuối năm. Tổng số cổ phần được mang ra IPO đạt 494 triệu với 2.418 NĐT tham gia đấu giá và giá trị mang về đạt 3.911 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, sẽ có khoảng 7 DN tiến hành IPO tại HNX trong thời gian tới gồm Xí nghiệp Kinh doanh Gia súc gia cầm và Chế biến thực phẩm (1,4 triệu cổ phần), CTCP Điện máy và kỹ thuật công nghệ (2,1 triệu cổ phần), Chi nhánh Xí nghiệp Môi trường đô thị Từ Liêm (1,8 triệu cổ phần), Công ty TNHH MTV Cảng Nghệ Tĩnh (3,9 triệu cổ phần), Công ty TNHH MTV Thương mại thời trang Hà Nội (2,2 triệu cổ phần), Công ty TNHH MTV Thực phẩm Hà Nội (3,4 triệu cổ phần), CTCP Cảng Đà Nẵng (13,2 triệu cổ phần).

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), việc IPO trên đã đạt những kết quả tích cực. Tính từ đầu năm đến nay, có khoảng 7.000 tỷ đồng thu về từ hoạt động đấu giá trên thị trường chứng khoán (TTCK) với tỷ lệ thành công lên tới 60%.

Điều đáng nói, nếu trước đây, các cuộc IPO chỉ tập trung DN có quy mô nhỏ và vừa, gần đây các tổng công ty lớn đã vào cuộc và bước đầu các cuộc IPO này đã thành công, chứng tỏ sự quan tâm hơn của NĐT tới TTCK. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH) Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (LICOGI). Theo kế hoạch, LICOGI sẽ IPO 90 triệu cổ phần với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần.

Kẻ thắng, người thua 

Để thúc đẩy đầu tư hơn nữa trong lĩnh vực cảng biển, nên nới lỏng chính sách để cho phép ít nhất 70% cổ phần nước ngoài tham gia mua cổ phần trong vận tải biển và các dự án đầu tư cảng.

 Ông Sigmund Stromme,  
Chủ tịch Hiệp hội DN Bắc Âu tại Việt Nam

Tính đến thời điểm hiện nay, Bộ Giao thông- Vận tải (GTVT) đã thực hiện CPH 41 DN, so với kế hoạch đầu năm 27 DN, đạt hơn 150% kế hoạch. Cùng với đó, 12 DN khác trực thuộc Bộ là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) trực tiếp chỉ đạo CPH hoàn tất.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Bộ GTVT đã hoàn thành CPH được 53 DN và tiến hành IPO thành công 15 DN. Tuy nhiên, các DN trực thuộc bộ này cũng có sự khác biệt rõ ràng về kết quả IPO. Chẳng hạn, giữa tháng 11, HOSE tổ chức thành công phiên IPO của Vietnam Airlines.

Đúng như dự đoán của giới đầu tư, 49 triệu cổ phần Vietnam Airlines mang ra đấu giá đã được 1.577 NĐT đặt mua hết với giá bình quân 22.307 đồng/cổ phần. Sau Vietnam Airlines, nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực hàng không cũng tiến hành IPO và phần lớn đều thành công vang dội.

Đơn cử trường hợp của Công ty TNHH Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS). Có thể xem đây là phiên IPO thành công nhất từ đầu năm khi lập 2 kỷ lục giá và khối lượng đặt mua. Cụ thể, 254 NĐT đã đặt mua hơn 40,1 triệu cổ phần, trong khi lượng đấu giá chỉ có 2,7 triệu cổ phần.

Thậm chí, nhiều NĐT còn đặt mua toàn bộ 2,7 triệu cổ phần được SAGS mang ra đấu giá. Giá đặt mua trung bình lên đến 44.693 đồng/cổ phần (gấp 3,6 lần giá khởi điểm). Với sự kỳ vọng quá lớn từ NĐT nên số lượng NĐT mua được cổ phần SAGS chỉ vỏn vẹn 7 NĐT.

Được biết, SAGS là đơn vị thành viên thứ 2 của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện IPO trong năm nay sau Công ty Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO). Toàn bộ 31,1 triệu cổ phần SASCO mang ra đấu giá đã được NĐT đặt mua hết với giá trúng bình quân 19.330 đồng/cổ phần (cao hơn 93% so với giá khởi điểm), tổng số tiền thu về hơn 601 tỷ đồng.

Ngược lại với DN trong lĩnh vực hàng không, IPO của DN thuộc lĩnh vực cảng biển diễn ra không suôn sẻ. Theo thống kê, thời gian qua, việc CPH các cảng biển của Vinalines mới đạt kết quả về tiến độ, trong khi số lượng cổ phần bán được qua IPO không như kỳ vọng.

Điển hình như Công ty TNHH MTV Cảng Quảng Ninh chỉ bán được 7,5%  cổ phần mang ra đấu giá, Công ty TNHH MTV Cảng Nha Trang bán được dưới 10%, hay Công ty TNHH MTV Cảng Hải Phòng chỉ bán được 6% cổ phần. Không những thế, số cổ phần bán được chủ yếu cho cán bộ nhân viên, một số bạn hàng, đối tác của DN. Theo phân tích của các chuyên gia, lý do khiến NĐT không mặn mà với các đợt IPO của DN cảng biển do tỷ lệ Nhà nước nắm cổ phần chi phối quá cao (khoảng 75%).

Gỡ nút thắt

Trước việc IPO thất bại của các DN trực thuộc Vinalines, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương thoái vốn sâu hơn tại các cảng biển khi tiến hành CPH. Hiện Bộ GTVT đã giao Vinalines xây dựng kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh công tác CPH và thoái vốn sâu hơn tại các cảng biển theo hướng cho phép CPH tất cả cảng biển trên cả nước.

Nhà nước chỉ giữ vốn chi phối tại 7 cảng lớn gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ, Nghệ Tĩnh, Cam Ranh. Đối với 4 cảng đầu mối trọng yếu là Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng và Sài Gòn, Nhà nước sẽ chỉ giữ tỷ lệ vốn 51% thay vì 75% như quyết định trước đó. Với 3 cảng Cần Thơ, Nghệ Tĩnh, Cam Ranh, tỷ lệ vốn nhà nước cũng điều chỉnh xuống còn 49% thay vì 75%. Các cảng còn lại có thể thoái toàn bộ vốn nhà nước.

Ngay khi có chủ trương này, nhiều NĐT đăng ký mua tới 90% cổ phần tại các DN cảng, hy vọng sẽ không có chuyện ế cổ phần các cảng biển như phiên đấu giá vừa qua. Thậm chí, một số cảng còn có nhiều NĐT muốn tham gia với giá bán cạnh tranh theo thị trường.

Nổi bật trong số này là việc CTCP Đầu tư Việt Nam - Oman (VOI) đề xuất mua 19,68% cổ phần hiện do Nhà nước nắm giữ tại CTCP Cảng Hải Phòng. Trước đó, cộng đồng DN Bắc Âu cũng bày tỏ sự quan tâm đến hoạt động vận tải biển và các dự án đầu tư cảng tại Việt Nam.

Theo nhiều chuyên gia, để thúc đẩy hơn nữa đầu tư trong lĩnh vực quan trọng này, cần nới lỏng một số chính sách như cho phép ít nhất 70% hoặc 100% cổ phần nước ngoài trong vận tải biển và các dự án đầu tư cảng. Bởi lẽ hiện nay, các công ty vận tải nước ngoài đang là đối tượng chính sử dụng các cảng biển. Với tư cách là những người sử dụng, họ có thể tham gia đầu tư nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển hoạt động của các cảng biển.

Thậm chí với các cảng đang thua lỗ nhưng có vị trí chiến lược tốt, cũng đang thu hút sự quan tâm của NĐT nước ngoài. Như mới đây, Tập đoàn SSA Marine (Hoa Kỳ) đã đề nghị Bộ GTVT bán cho NĐTNN toàn bộ phần vốn đầu tư của Vinalines trong liên doanh Cảng Container quốc tế Cái Lân (CICT) khi biết Vinalines muốn thoái vốn tại đây.

Ảnh: LONG THANH

 Ảnh: LONG THANH

Một vấn đề khiến NĐT lo ngại là DN chây ì không lên sàn sau khi IPO. Tuy nhiên, mối bận tâm này đã được giải tỏa với việc Quyết định 51 được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 15-9, yêu cầu DN trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN và DN CPH phải hoàn tất thủ tục đăng ký công ty đại chúng, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký và đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Trường hợp DN đáp ứng các điều kiện niêm yết, sau khi thực hiện các thủ tục trên, trong thời hạn 1 năm kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký DN phải niêm yết tại HNX hoặc HOSE. Quyết định này có hiệu lực hồi tố với các DN đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần trước ngày 1-11-2014.

Theo đó, đại diện chủ sở hữu nhà nước phải đôn đốc DN đăng ký giao dịch và niêm yết theo quy định trên trong thời hạn tối đa 1 năm kể ngày quyết định này có hiệu lực. Theo UBCKNN, kể từ năm 2015, để hạn chế tình trạng DN không tiến hành niêm yết sau khi IPO, cơ quan này sẽ giám sát xử lý DN không đưa cổ phiếu vào giao dịch trong vòng 1 năm.

Các tin khác