Mới qua tuần đầu của tháng 9, chưa cần đến những phân tích, dự báo của các chuyên gia và các cơ quan chức năng, người dân đã tự cảm nhận được xu thế tăng giá sẽ rõ nét hơn trong tháng 9 này. Theo cách nói của chuyên gia thì “chính sách cũng đang có xu thế đảo chiều với những động thái dần nới lỏng cả tài khóa lẫn tiền tệ”.
Trên thị trường miền Bắc, lác đác đã có hiện tượng tăng giá gạo và thực phẩm rau xanh ở chợ do những ngày mưa bão ở các tỉnh miền Trung vừa qua. Tuy mức giá tăng hầu như không đáng kể, song cũng là biểu hiện tăng giá. Về thị trường nông sản, ở Đồng bằng sông Cửu Long giá lúa đã tăng 100 đồng/kg so với tuần trước và giá cá tra đã tăng thêm 4.000 đồng/kg.
Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, tình hình dịch bệnh trên vật nuôi chưa được khống chế hoàn toàn có thể tác động tâm lý lên người dùng làm tăng giá thực phẩm thay thế. Bên cạnh đó, đang trong mùa mưa bão nên nguồn cung có thể bị ảnh hưởng kéo theo ảnh hưởng tăng giá.
Giá gas bán lẻ trong nước cũng được các đại lý phân phối “báo trước” phải tăng khoảng 15.000 đồng/bình vì giá gas trên thị trường thế giới đã tăng thêm 50 USD/tấn so với mức giá công bố hồi đầu tháng 9-2012.
Những thông tin Bộ Công Thương cho biết: Bộ đang phối hợp với Bộ Tài chính xem xét việc tăng giá bán than cho ngành điện trong thời gian tới. Trên thị trường thế giới, giá xăng và dầu hỏa tăng liên tiếp trong 5 ngày qua đến ngày 10-9 đã lên 124,03 USD/thùng và 134,62 USD/thùng báo động khả năng tăng giá xăng dầu trong nước.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ vừa qua, Bộ Tài chính cũng đã báo cáo mặt bằng giá thị trường chịu tác động ở những yếu tố tăng giá sau: tác động của việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu 2 lần trong tháng 8 và giá dịch vụ khám chữa bệnh được điều chỉnh tăng ở một số địa phương.
Bên cạnh đó, vào mùa khai trường và sắp tới Rằm tháng Tám sẽ làm tăng nhu cầu một số mặt hàng và tăng cả nhu cầu nguyên liệu sản xuất phục vụ Rằm Trung thu. Thêm vào đó là xu hướng tăng giá thế giới một số mặt hàng như xăng dầu, thức ăn chăn nuôi…
Theo TS. Lê Đình Ân – nguyên Giám đốc Trung tâm dự báo Kinh tế xã hội quốc gia: “Vẫn chưa loại trừ khả năng lạm phát cao trở lại. Theo quy luật từ quý III đến quý IV năm nay và sang tháng đầu năm sau đó là bước vào mùa vụ sản xuất và Tết Nguyên đán khiến giá cả hàng hóa tiêu dùng và cả giá nguyên vật liệu sản xuất tăng cao. Bên cạnh đó, những tháng cận Tết Dương lịch và Tết Âm lịch nhu cầu tiêu dùng có khả năng thanh khoản cao cũng tăng do tác động tăng thu nhập và tiền thưởng Tết”.
TS. Vũ Đình Ánh dự báo, trong rổ hàng hóa tính CPI tháng 9, nhóm hàng lương thực thực phẩm và ăn uống sẽ tăng do giá thực phẩm, rau xanh tăng như Cục Quản lý giá đã cho biết, nhưng nhóm hàng này còn chịu tác động tăng giá dây chuyền từ giá vận tải tăng. Nhóm nhà ở điện nước nhiều khả năng tăng do giá gas tăng và vẫn lơ lửng khả năng tăng giá điện ở những tháng cuối năm. Nhóm giao thông ít nhiều cũng tăng theo giá xăng. Bên cạnh đó nhóm hàng giáo dục tăng do vào mùa khai trường…
“Giá đã đảo chiều và chính sách cũng đang có xu thế đảo chiều với việc đang dần nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ”, TS. Vũ Đình Ánh bổ sung thêm những yếu tố tác động tới tình hình giá cả và lạm phát những tháng tới. Về chính sách tiền tệ, tín dụng được nới lỏng, lãi suất đang giảm dần. Chính sách tài khóa đang tăng chi ngân sách, ứng trước ngân sách năm sau để hỗ trợ tổng cầu. Ông Vũ Đình Ánh cũng lưu ý đến sự thận trọng và khéo léo với việc thực hiện thị trường chính sách giá và việc điều hành, kiểm soát thị trường với xăng, dầu, điện, nước, và than…
Tuy nhiên Cục Quản lý giá cho biết trong tháng 9 có nhiều yếu tố tác động sẽ kìm hãm tốc độ tăng giá như cung cầu hàng hóa dịch vụ được giữ vững, tình hình kinh tế vĩ mô có nhiều chuyển biến tích cực và các giải pháp hỗ trợ DN sản xuất kinh doanh, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa và các biện pháp quản lý giá và thị trường, các chương trình bình ổn giá đang được thực hiện. Cục dự báo tháng 9 giá cả vẫn tiếp tục xu hướng tăng nhưng mức tăng thấp hơn so với tháng 8-2012.