CT mua bán nợ xấu thuộc NHNN: Cứu ai, ai cứu?

LTS: ĐTTC số ra ngày 4-6-2012 có bài viết: “Kỳ vọng đề án xử lý nợ xấu” phản ánh việc Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xây dựng đề án thành lập công ty mua bán nợ xấu. Sau khi bài viết đăng tải, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của các chuyên gia về việc nên hay không thành lập công ty này? Liệu công ty này có cứu được doanh nghiệp? Để có cái nhìn tổng quan, ĐTTC đăng bài phân tích của TS. Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn đầu tư tài chính Trường Đại học Kinh Tế TPHCM.

LTS: ĐTTC số ra ngày 4-6-2012 có bài viết: “Kỳ vọng đề án xử lý nợ xấu” phản ánh việc Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xây dựng đề án thành lập công ty mua bán nợ xấu. Sau khi bài viết đăng tải, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của các chuyên gia về việc nên hay không thành lập công ty này? Liệu công ty này có cứu được doanh nghiệp? Để có cái nhìn tổng quan, ĐTTC đăng bài phân tích của TS. Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn đầu tư tài chính Trường Đại học Kinh Tế TPHCM.

Nghịch lý

Ngành ngân hàng đóng một vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, giống như mạch máu trong cơ thể, vì đây là nơi cung cấp nguồn vốn cho nền kinh tế. Do đó, khi hệ thống ngân hàng rơi vào khủng hoảng, chính phủ và ngân hàng trung ương phải “giải cứu” các ngân hàng.

Nợ xấu là một trong những nguyên nhân khiến cho các ngân hàng có nguy cơ sụp đổ. Một trong những giải pháp thường được thực hiện là thành lập công ty mua bán nợ, nhằm làm sạch bảng cân đối tài khoản của các ngân hàng.

Việt Nam có thể thực hiện bằng hình thức linh hoạt hơn là nới rộng xử lý nợ xấu cho những ngân hàng có tỷ trọng dư nợ cao đối với lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, cơ sở hạ tầng phục vụ cho xã hội.

Trong quá khứ, các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam cũng đã gặp vấn đề này và mỗi ngân hàng đã thành lập công ty quản lý tài sản (AMC) để tiến hành mua lại các khoản nợ xấu. Tuy nhiên, một công ty mua bán nợ của Nhà nước được thành lập để xử lý nợ xấu lại chưa xảy ra và đang được đề xuất.

Thực tiễn trên thế giới cho thấy lần đầu tiên Trung Quốc đã lập công ty mua bán nợ để xử lý nợ xấu vào năm 1999-2000; Thái Lan, Hàn Quốc cũng lập công ty mua bán nợ để xử lý nợ xấu gây ra bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997; Nhật Bản cũng lập công ty mua bán nợ để xử lý hệ quả nợ xấu sau cuộc đổ vỡ bong bóng bất động sản những năm 90 của thế kỷ trước. Do đó, việc Chính phủ giao cho NHNN thành lập công ty mua bán nợ xấu là một giải pháp hợp lý.

Tuy nhiên, điều bất hợp lý là các ngân hàng Việt Nam lại đang “sống khỏe”. Nhìn lại hoạt động kinh doanh năm 2011, ngành ngân hàng vẫn là ngành có kết quả kinh doanh thuộc loại tốt nhất trong nền kinh tế.

Theo thống kê của chúng tôi từ 31 NHTM (không tính các ngân hàng chưa công bố thông tin) tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân toàn ngành đạt 23,6%. Tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) ước ở mức 15%.

Mặc dù mức sinh lợi này thấp hơn so với thời kỳ hoàng kim của ngành ngân hàng, nhưng lại là niềm mơ ước của nhiều ngành nghề, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất đang đối diện với nguy cơ thua lỗ và phá sản. Sở dĩ ngành ngân hàng có được mức lợi nhuận khả quan là do hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất huy động và cho vay.

Lãi suất huy động bị ấn định trần, trong khi lãi suất cho vay lại theo hình thức thỏa thuận, đã tạo ra một khoảng cách khá lớn.

Về mặt lý thuyết, ngành ngân hàng vốn là ngành nghề có tính chu kỳ cao với hoạt động nền kinh tế và rất dễ gặp phải tổn thương trong khủng hoảng. Thử nhìn sang châu Âu hoặc Hoa Kỳ, chúng ta thấy rõ điều này. Nhiều ngân hàng “sừng sỏ” từng sống qua những năm tháng khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới 2008-2010 như Goldman Sachs, Bank of America, Morgan Stanley đang gặp phải sự sụt giảm mạnh lợi nhuận và thậm chí thua lỗ vào năm 2011.

Điều này cho thấy hệ thống ngân hàng Việt Nam “khá kỳ lạ” đối với tính chất của ngành. Hoặc thử nhìn vào thu nhập của một nhân viên ngân hàng so với các tầng lớp lao động khác trong xã hội.

Theo Báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội công bố giữa tháng 1-2012, lương và thu thập của các viên chức quản lý, cán bộ ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm được trả cao nhất, trung bình gần 16 triệu đồng/người/tháng, gấp 1,5 lần so với lao động trong ngành công nghiệp khai thác, chế biến và gấp đôi ngành xây dựng. Rõ ràng, ngành ngân hàng đang được xem là ngành có thu nhập cao trong xã hội Việt Nam hiện nay.

Cứu nhà giàu?

CT mua bán nợ xấu thuộc NHNN: Cứu ai, ai cứu? ảnh 1

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính các ngân hàng.

Việc xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng được đặt ra khi nợ xấu vượt quá sức chịu đựng khiến ngân hàng có thể rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản. Chính phủ và NHNN lúc này buộc phải cứu vì nếu không nền kinh tế sẽ thiếu vốn. Thế nhưng, các ngân hàng trong nước lại đang thặng dư thanh khoản.

Bằng chứng rõ ràng nhất là lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng đang giảm mạnh, thậm chí lãi suất cho vay qua đêm VNĐ đã giảm xuống còn 0,5%, thấp hơn cả đáy năm 2007. Nguyên nhân khiến cho các doanh nghiệp không tiếp cận được vốn hiện nay là do lãi suất quá cao chứ không phải vì ngân hàng thiếu tiền.

Do đó, nếu cho rằng xử lý nợ xấu của ngân hàng và kỳ vọng các ngân hàng dùng khoản tiền này bơm cho các doanh nghiệp giống chuyện “ôm cây đợi thỏ”.

Vậy tại sao phải cứu ngành ngân hàng khi những con số được báo cáo là rất đẹp? Giả sử có thể xuất hiện một lý do khác là những con số lợi nhuận của ngân hàng Việt Nam không thực, tức chưa phản ánh hết các rủi ro nợ xấu.

Nhưng theo công bố của NHNN, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng Việt Nam khoảng 3,6% vào cuối quý I-2012; theo công bố của Fitch Rating, nợ xấu của ngân hàng Việt Nam có thể 13%, tức gấp 4 lần con số được công bố. Do đó, chúng ta thử ước tính khả năng chịu đựng của các ngân hàng đến đâu trước khi đưa ra phương án xử lý nợ xấu.

Năm 2011, tổng lợi nhuận trước thuế của 31 ngân hàng nói trên gần 49.000 tỷ đồng. Cũng trong năm này, tổng dư nợ cho vay khách hàng của 31 ngân hàng này khoảng 1.600.000 tỷ đồng và nợ xấu vào khoảng 55.000 tỷ đồng, chiếm 3,4% tổng dư nợ. Với con số lợi nhuận trên, các ngân hàng có thể chịu được mức độ rủi ro nợ xấu lên đến 6,4%, tức cao gần gấp 2 lần số liệu công bố thực tại nếu có thêm 49.000 tỷ đồng nợ xấu thuộc nhóm 5 (mất sạch vốn).

Tuy nhiên, không phải hoàn toàn số nợ xấu là nợ nhóm 5. Theo báo cáo tài chính năm 2011, 31 ngân hàng trên đã trích lập dự phòng 44% tổng số nợ xấu. Giả sử đây là tỷ lệ hợp lý để cho các ngân hàng trích lập đúng số rủi ro nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5), số nợ xấu có thể chịu đựng thêm là 71.400 tỷ đồng. Lúc này các ngân hàng có thể chịu đựng tỷ lệ nợ xấu lên tới 7,8%.

Vấn đề nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam có tính chất đặc thù, đa phần đến từ bất động sản. Như vậy, công ty mua bán nợ sau khi được thành lập sẽ xử lý một lượng lớn các khoản nợ liên quan đến lĩnh vực bất động sản.

Thật trùng hợp khi Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam tiết lộ có khoảng 120.000 tỷ đồng đầu tư công dự kiến giải ngân từ nay đến cuối năm, trong đó có dành cho ngành bất động sản. Phải chăng, việc xử lý nợ xấu là một trong những gói giải pháp thực chất để giải cứu cho những ai đang còn mắc kẹt trong ngành bất động sản?

Vì Big Four và DNNN?

Bất chấp những nguy cơ về nợ xấu và triển vọng kinh tế khó khăn, các ngân hàng vẫn đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế với tốc độ tăng trưởng cao. Dự kiến tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân của 31 ngân hàng nói trên là 23% trong năm 2012, không thay đổi so với năm 2011.

Cũng giống như Việt Nam, nợ xấu của Trung Quốc tập trung vào 4 NHTM nhà nước (Big Four), do các ngân hàng này là nguồn lực chủ yếu để tài trợ cho các DNNN. Do vậy Trung Quốc xử lý nợ xấu chỉ đối với Big Four, là những ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước.

Giới phân tích quốc tế Trung Quốc cho rằng thực chất chương trình giải cứu nợ xấu là để cứu các doanh nghiệp nhà nước. Vì các Big Four khi được mua nợ sẽ có tiền lại để tiếp tục cho các doanh nghiệp vay nợ.

Đồng thời các AMC sẽ hoán đổi nợ thành vốn cổ phần ở một số doanh nghiệp để đảm bảo quyền sở hữu của nhà nước và giảm đòn bẩy nợ của các doanh nghiệp.

Có thể thấy rằng Việt Nam có sự tương đồng, bởi phần lớn nợ tại các NHTM nhà nước là các DNNN. Mặc dù còn nhiều hạn chế, nhưng DNNN vẫn là thành phần kinh tế trụ cột vì nó đầu tư vào các lĩnh vực trọng yếu như cơ sở hạ tầng, năng lượng, vận tải…

Trong khi đó, dư nợ tại các NHTM tư nhân chủ yếu là của cổ đông lớn và những người có liên quan. Vì vậy, xử lý nợ xấu cho các NHTM không thuộc Nhà nước chưa chắc đã hỗ trợ cho nền kinh tế. Trái lại, vô tình làm lợi cho các nhóm lợi ích trong ngành ngân hàng.

Theo tôi, có thể học hỏi mô hình xử lý nợ xấu ngân hàng của Trung Quốc, nhưng NHNN đứng ra bảo lãnh cho các trái phiếu do các công ty mua bán nợ phát hành cho các ngân hàng được xử lý nợ xấu. Sau đó, thông qua công cụ dự trữ bắt buộc để trung hòa bớt dòng tiền tại các NHTM.

Tuy nhiên, nên rút kinh nghiệm ở chỗ phải minh bạch hóa hoạt động tại các công ty mua bán nợ. Thực tiễn của Trung Quốc cho thấy việc mua bán xử lý nợ xấu luôn gắn với quá trình in tiền, nên minh bạch hóa hoạt động của công ty mua bán nợ, đặc biệt là vấn đề cho vay các công ty mua bán nợ, từ đó quá trình điều hành tiền tệ được chính xác.

Các tin khác