(ĐTTCO) - Sở hữu một lượng tiền mặt lớn, giá trị tài sản quy ra tiền lên tới 2.000 tỷ đồng, nhưng công ty chứng khoán (CTCK) Kim Long (KLS) đưa ra chủ trương giải thể khiến nhiều người ngạc nhiên, bất ngờ. Điều càng khiến dư luận quan tâm hơn là nhìn vào báo cáo thường niên của các CTCK năm 2015 được công bố thời gian gần đây, rất nhiều CTCK chấp nhận sống lay lắt để tồn tại.
Giải thể vì lợi ích cổ đông
Việc KLS quyết định rút chân ra khỏi thị trường sau 10 năm hoạt động được lý giải do hoạt động đầu tư - thế mạnh của KLS - chưa được như mong muốn, trong khi quy mô TTCK Việt Nam còn quá nhỏ. Vì thế, với lượng tiền mặt và quy ra tiền khá lớn, trong khi giá cổ phiếu (CP) thấp hơn giá trị sổ sách, nên việc đưa ra phương án giải thể có thể cũng làm hài lòng phần lớn cổ đông.
Về cơ bản UBCKNN đã đạt được mục tiêu của công tác tái cơ cấu CTCK từ chính sách lẫn thực thi, không gây sự xáo trộn trên thị trường. Trong suốt 3 năm triển khai tái cấu trúc CTCK, UBCKNN đã thường xuyên tiến hành thanh, kiểm tra. Những công ty vi phạm đều được xử lý và công bố công khai. Trong thời gian tới, việc triển khai tái cấu trúc sẽ còn phải quyết liệt hơn nữa nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của các CTCK. Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCKNN |
Kết thúc năm tài chính 2015, doanh thu của KLS đạt 170,42 tỷ đồng, giảm 60 tỷ đồng so với năm 2014. Hoạt động đầu tư chứng khoán chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 48,46% tổng doanh thu, trong khi hoạt động khác (chủ yếu là kinh doanh nguồn vốn) xếp thứ hai, chiếm tỷ trọng 45,63% tổng doanh thu (năm 2014 là 56,06%). Nguồn vốn này giảm do năm 2015 công ty đẩy mạnh đầu tư, tập trung lượng tiền cho sản xuất kinh doanh. Cụ thể, kết thúc năm 2015, tổng tài sản của KLS giảm còn 2.372,54 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu giảm còn 2.272,28 tỷ đồng. Theo tính toán của HĐQT, giá thanh lý CP tại thời điểm 31-12-2015 ở mức chiết khấu 10% và 15% giá trị thanh lý của tài sản ròng (hơn 2.000 tỷ đồng), mỗi CP có giá tương ứng 11.221 đồng và 10.598 đồng (KLS có 182,25 triệu CP lưu hành); tại thời điểm 31-3-2016 tương ứng là 11.240 đồng và 10.615 đồng/CP. Hiện KLS có khoảng 13.000 cổ đông.
2 năm trước, KLS trả cổ tức cho cổ đông ở mức 8% và 7%, nhưng năm 2016 sẽ không trả được cổ tức vì năm 2015 công ty lỗ. Điều này cho thấy hiệu quả hoạt động của KLS không tốt. Thị giá CP cũng dưới giá trị sổ sách (tính đến 15-4 là 9.100 đồng/CP). Đặc biệt, năm 2015, danh mục tự doanh của KLS chủ yếu là CP dầu khí, nhưng do giá dầu liên tục lao dốc, CP ngành cũng lao theo. Việc này đã khiến KLS lỗ 68 tỷ đồng. Quý I-2016, CP dầu khí hồi phục dù chưa bằng với giá đã đầu tư nhưng cũng giúp cho công ty lãi 3,8 tỷ đồng. Theo lãnh đạo KLS, việc đóng cửa sẽ có lợi hơn cho các bên khi kinh doanh chứng khoán không hiệu quả so với việc rút vốn. Quyết định giải thể được KLS tính toán như thế giải thoát cho các bên khi triển vọng không tốt. Việc giải thể, quyền lợi của cổ đông, cán bộ nhân viên được đảm bảo (KLS có 20 tỷ đồng quỹ phúc lợi trong khi chỉ có 80 người). Thậm chí, với giá CP giao dịch trên thị trường 9.000 đồng/CP, nhưng giá thanh lý khoảng 11.000 đồng, nhà đầu tư khi đầu tư sẽ có lợi nhuận đến 20%.
Hoạt động èo uột
Trong khi việc giải thể KLS được cho phù hợp với chủ trương tái cấu trúc CTCK, hoạt động của không ít CTCK dù tự đánh giá có nhiều cải thiện nhưng vẫn khiến nhiều người cảm giác nó có thể “chết” bất cứ lúc nào. Theo báo cáo của CTCK Đông Nam Á (ASEAN Securities), năm 2015 doanh thu đạt 52,5 tỷ đồng, trong khi chi phí lên tới 52,2 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 308 tỷ đồng, lãi cơ bản trên CP 9 đồng. Khoản lãi ASEAN Securities thu được từ “lợi nhuận khác” lên tới 987 triệu đồng, bởi lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm khoảng 678 triệu đồng.
Trước thực tế thị giá và giá trị thanh lý của KLS có sự chênh lệch như vậy, một số cổ đông KLS đã kiến nghị công ty giải thể, trả lại tiền. Sau nhiều trăn trở, HĐQT quyết định trình ĐHCĐ phương án giải thể. Đây là một quyết định khó khăn, nhưng tôi tin điều này cũng là ý nguyện của đa số cổ đông. Khác với các loại hình doanh nghiệp khác, đặc thù ngành nghề là CTCK, tài sản chủ yếu là tiền mặt và CP nên KLS có điều kiện để chia tiền cho cổ đông khi ĐHCĐ thông qua phương án này. Ông Hà Hoài Nam, Chủ tịch HĐQT KLS |
Trong danh sách CTCK hoạt động èo uột năm 2015 còn có CTCK Phú Hưng (Phu Hung Securities), đạt doanh thu 81 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 15 tỷ đồng, lỗ lũy kế lên tới 181,5 tỷ đồng. CTCK Đại Việt (DVSC) có tổng doanh thu 7,5 tỷ đồng, lỗ “thực hiện” 3,6 tỷ đồng, thấp hơn “kế hoạch” đề ra 4,2 tỷ đồng. CTCK Công nghiệp Việt Nam (ISC) doanh thu đạt 7,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1,4 tỷ đồng. CTCK Phương Nam (PNS) doanh thu 39 tỷ đồng nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh lên tới 44 tỷ đồng khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 5 tỷ đồng. Ngoài ra có thể kể đến CTCK HVS lỗ 4,3 tỷ đồng; CTCK Việt Tín đạt doanh thu thuần 1,5 tỷ đồng, lỗ 8,3 tỷ đồng; CTCK Đại Dương doanh thu 73 tỷ đồng nhưng chi phí hoạt động kinh doanh và quản lý doanh nghiệp 163 tỷ đồng, dẫn đến lỗ gần 90 tỷ đồng và tổng lợi nhuận bị âm 91 tỷ đồng; CTCK Phương Nam lỗ 5,1 tỷ đồng...
Để duy trì sự tồn tại trên thị trường, nhiều CTCK nhỏ phương cách hoạt động khá đơn giản. Thí dụ, kết quả kinh doanh 2015 của CTCK Việt Nam (VNSEC) có doanh thu gần 12,8 tỷ đồng, chi phí hơn 8,4 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4,3 tỷ đồng. Đáng chú ý, với vốn điều lệ chỉ 135 tỷ đồng, công ty này chỉ có nguồn thu nhập duy nhất từ hoạt động nghiệp vụ môi giới với tiền lời… 24 triệu đồng; cộng với thu nhập từ tiền gửi (hơn 12,7 tỷ đồng) mang đến cho công ty này gần 12,8 tỷ đồng… Điều này cho thấy nhiều CTCK đang chấp nhận sống lay lắt, miễn sao còn tồn tại.
Theo ông Phan Văn Tuấn, Tổng giám đốc CTCK Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (AGR), hoạt động kinh doanh chứng khoán hiện nay khá vất vả bởi sự cạnh tranh gay gắt giữa các CTCK. Thời gian 5 năm trở lại đây, TTCK khó khăn, nhà đầu tư mới tham gia đa số là nhà đầu tư nước ngoài và họ chủ yếu tìm đến một số CTCK lớn, có uy tín. Các CTCK khác đã khó khăn lại càng khó khăn hơn khi TTCK cũng mới có 1,5 triệu tài khoản, trong đó số đang hoạt động chỉ 300.000-400.000 tài khoản, số tài khoản hoạt động tăng thêm mới không đáng kể.
Và thực tế, hiện nay có khoảng 10 CTCK chiếm hơn 60% thị phần môi giới, hơn 70 CTCK khác chia nhau “miếng bánh” nhỏ còn lại. “Việc quản trị CTCK hiện rất mệt mỏi, đầy áp lực. Nếu tuân thủ đúng các quy định của ngân hàng mẹ Agribank rất khó làm, nhưng nếu linh hoạt theo xu thế của thị trường lại không dám làm mạnh do rủi ro có thể xảy ra. Bản sắc của AGR từ trước đến nay là kinh doanh vốn trái phiếu nhưng nay lợi thế đó không còn nữa. Vì vậy, hiện chúng tôi đang tiến hành tái cơ cấu để thay đổi mô hình kinh doanh” - ông Tuấn nói.
Tiếp tục thu gọn
Ông Phạm Kinh Luân, chuyên gia chứng khoán, cho biết thực hiện chủ trương tái cấu trúc, đến nay số lượng CTCK đã giảm ở mức đáng kể (khoảng 23% trên tổng số hơn 100 CTCK). Sự thanh trừ này đồng nghĩa các CTCK phải nâng cao hơn nữa công tác quản trị rủi ro, tuân thủ pháp luật, hệ thống công nghệ thông tin, dịch vụ chăm sóc khách hàng… để đảm bảo hoạt động ổn định và lâu dài. Việc tái cấu trúc là điều tất yếu, công ty nào không trụ được phải chấp nhận giải thể, phá sản, không thể tồn tại một cách èo uột được.
Thị trường đã chứng kiến khá nhiều CTCK rút lui khỏi cuộc chơi. Có thể kể đến như CTCK Sao Việt, CTCK Chợ Lớn, CTCK Âu Việt... Số liệu từ Vụ Quản lý kinh doanh (UBCKNN) cho biết, việc tái cấu trúc CTCK giai đoạn 2011-2015 vẫn đang tiếp tục thực hiện theo lộ trình, với bước đi thận trọng, không làm xáo trộn thị trường, trên cơ sở các nguyên tắc thị trường. Đến nay, đã xử lý được 24 CTCK, số lượng CTCK hoạt động bình thường 81 công ty. Cụ thể, chấm dứt hoạt động 3 CTCK; tạm ngừng hoạt động 2 CTCK; đình chỉ hoạt động 3 CTCK; chấp thuận giải thể 4 CTCK (trong đó đã thu hồi giấy phép của 2 công ty); thu hồi giấy phép của 6 CTCK do hợp nhất và cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho 6 CTCK mới hình thành sau hợp nhất, đang xem xét hồ sơ sáp nhập của 2 CTCK (Sen Vàng và APEC). Ngoài ra, UBCKNN khuyến khích các CTCK chủ động tự tái cấu trúc nhằm đảm bảo điều kiện về vốn kinh doanh cũng như tăng cường năng lực tài chính. Thực tế, hầu hết CTCK đều thực hiện cắt giảm nhân sự, thu hẹp phạm vi hoạt động. Đồng thời, nhiều CTCK đã thực hiện tăng vốn chủ sở hữu. Tính đến thời điểm 30-6-2015, tổng số vốn chủ sở hữu của các CTCK là 40.680 tỷ đồng, tăng 4.789 tỷ đồng so với thời điểm 31-12-2011.
![]() |
Thời huy hoàng của TTCK Việt Nam, kéo theo hàng loạt CTCK ra đời. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Bình luận về báo cáo kinh doanh của nhiều CTCK hiện nay, một chuyên gia nhận xét với CTCK điều quan trọng là phải đánh giá được chất lượng khoản phải thu và danh mục đầu tư. Nhiều khi, trong danh mục có khoản phải thu nhưng thực tế chưa hẳn đã thu được. Thứ hai, về đầu tư, với đầu tư vào CP niêm yết khá rõ ràng nhưng CP chưa niêm yết khó đánh giá dù sổ sách có thể vẫn thể hiện giá mua trước kia. CTCK nhỏ mà có khoản phải thu lớn là đáng lo ngại. Góc khuất của nhiều CTCK cũng nằm ở chính chỗ đó.