CTCK: Định chế phức tạp, nhiều mâu thuẫn

(ĐTTCO) - ĐTTC số ra ngày 7-5, đã có bài phản ánh “CTCK tự doanh, NĐT thua thiệt”. Liệu có mâu thuẫn lợi ích với khách hàng mở tài khoản tại chính công ty đó khi hoạt động tự doanh và môi giới cùng vận hành song song?
 Tại sao không tách bạch các hoạt động nghiệp vụ của CTCK, tạo một sân chơi bình đẳng với NĐT. Sau bài báo, ĐTTC đã nhận được ý kiến của ông Nguyễn Hoàng Hải (ảnh), Phó Chủ tịch Hiệp hội Các NĐT tài chính Việt Nam (VAFI).
CTCK: Định chế phức tạp, nhiều mâu thuẫn ảnh 1
Ông Hải nhìn nhận: Vừa qua, nhiều CTCK báo lãi khủng quý I có thể là do họ chốt lời những khoản đầu tư của năm 2017 và quý I-2018, khi thị trường đã có sự tăng trưởng mạnh cả về thanh khoản lẫn điểm số. Việc thị trường điều chỉnh giảm như vừa qua thực ra cũng được dự báo lâu rồi, khi NĐT cá nhân lẫn tổ chức chốt lãi.
Với CTCK, tôi cho rằng tự thân nó là một định chế tài chính phức tạp, nhiều mâu thuẫn với các nghiệp vụ cung cấp, hoạt động. Sự mâu thuẫn này không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà cả thế giới cũng vậy. Với Việt Nam thí dụ như: CTCK tư vấn phát hành CK cho doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp muốn phát hành CP với giá cao. Khi đó CTCK nếu đồng ý sẽ tìm mọi cách làm đẹp sổ sách, đánh bóng doanh nghiệp… để việc phát hành được như ý của doanh nghiệp hơn. Và điều này sẽ xung đột lợi ích với NĐT mở tài khoản tại chính CTCK khi muốn tham gia mua CP.
Hay như bộ phận môi giới, khuyên khách hàng của mình mua vào mã này, mã kia nhưng bộ phận tự doanh lại bán ra. Hoặc như do hoạt động tư vấn, CTCK có thể biết trước những thông tin tốt, họ mua vào sau đó tìm cách đưa thông tin đó ra nhằm “thổi giá” để NĐT tham gia… và sau đó bán chốt lời.
Nếu lãnh đạo CTCK “chí công vô tư”, công bằng, không vụ lợi, thì việc giải quyết mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa CTCK và NĐT cũng chỉ có chừng mực, không triệt để được. Bởi lẽ khó lòng có thể kiểm soát được hàng ngày nhân viên môi giới, tư vấn cho khách hàng, nhất là khi nhân viên tư vấn đó có thể cũng đầu tư CK, cũng tìm cách “đẩy giá” CK mình nắm giữ lên giá.
PHÓNG VIÊN: - Theo ông, giải quyết sự mâu thuẫn đó như thế nào? Cũng như hoạt động margin của các CTCK có quá rủi ro?
Ông NGUYỄN HOÀNG HẢI: - Trên thế giới, những nhược điểm trong mô hình hoạt động của CTCK đều có. Điều quan trọng là bản thân ý thức của mỗi CTCK, làm sao phải tạo được uy tín để lôi kéo, giữ khách hàng. Cùng với đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, trong việc tạo môi trường cho các CTCK cạnh tranh một cách lành mạnh, cũng như giám sát chặt chẽ, xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm.
Thực ra thống kê cho thấy số CTCK quay trở lại đầu tư mạnh vào mảng tự doanh không quá nhiều. Trong cơ cấu cổ đông của nhiều doanh nghiệp niêm yết, chủ yếu vẫn là các NĐT tổ chức, cá nhân khác. Hiện nhiều CTCK kể cả có vốn 1.000 tỷ đồng, cũng chưa chắc có tiền để tự doanh, vì họ đang hướng nhiều hơn đến hoạt động margin.
Tuy nhiên, với margin, nếu CTCK không quản trị rủi ro tốt cũng sẽ nguy hiểm, vì có những mã CP đang bị thổi giá lên quá nhiều. Bởi cho dù thanh khoản tốt, nhưng khi thị trường giảm áp lực giải chấp, lỗ lớn của không chỉ NĐT mà còn cả của CTCK. Thực tế, có nhiều mã CK “lởm” nhưng các CTCK vẫn cho vay. Đã có nhiều bài học mất vốn do CTCK đẩy margin đã từng xảy ra trong quá khứ.
- Vậy NĐT phải làm gì để bảo vệ mình, thưa ông?
- Dù có những mâu thuẫn như vậy, nhưng thị trường muốn vận hành vẫn cần phải có CTCK. Ở tổ chức giao dịch, CTCK còn cung cấp thông tin mà họ vẫn đang làm để phục vụ NĐT, như về ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp… 
Vậy làm thế nào để tận dụng được những thông tin mà CTCK có để giảm thiểu được “thiệt hại” về mâu thuẫn lợi ích nếu có? Tôi cho rằng, NĐT nên “nghe vừa” thôi và có sự chắt lọc, thẩm định thông tin, biết cách phân biệt đâu là “thật, giả”, đâu là thông tin mang tính nhận định chủ quan, khách quan, để từ đó đưa ra quyết định cho mình.
Tất nhiên, để làm được điều đó còn phụ thuộc vào sự hiểu biết, trình độ của từng cá nhân NĐT và họ phải trau dồi trình độ để tránh rủi ro, bảo vệ mình trong hoạt động đầu tư. Còn những NĐT mua – bán CK theo phong trào, thì dù có đọc, nghiên cứu các báo cáo của doanh nghiệp chưa hẳn đã hiểu.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác