VN Index tăng gần 100 điểm từ đầu năm 2012 đến nay như một cơn mưa giải hạn cho các công ty chứng khoán (CTCK) sau một thời gian dài khó khăn. Nhưng vẫn còn đó những vấn đề nổi cộm của CTCK như làm ăn kém hiệu quả, chiếm dụng tài sản nhà đầu tư (NĐT).… cơ quan quản lý cần phải giải quyết ngay, bởi đã đến lúc chữa bệnh cho CTCK thị trường mới phát triển bền vững.
Dở sống, dở chết
Quý IV-2011, CTCK Âu Việt (AVS) lỗ 9,4 tỷ đồng, cả năm lỗ gần 41 tỷ đồng. AVS có vốn điều lệ (VĐL) 360 tỷ đồng, nhưng lỗ lũy kế hiện nay lên đến hơn 140 tỷ đồng, xấp xỉ 40% VĐL. Cách đây 5-6 năm, CTCK BIDV (BSC) là một tên tuổi lớn trên thị trường, năm ngoái khi BSC chào sàn nhiều người đã kỳ vọng về một sự trở lại của “ông lớn” này.
Nhưng mới đây, BSC công bố lỗ gần 80 tỷ đồng trong quý IV-2011, gấp gần 20 lần so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù VĐL của BSC khá lớn, đến 865 tỷ đồng, nhưng hiện tại công ty đã có khoản lỗ lũy kế gần 210 tỷ đồng, xấp xỉ 1/4 VĐL.
AVS là một CTCK cỡ vừa, lợi thế cạnh tranh không rõ ràng, lỗ là điều có thể nhìn thấy trước, trong khi BSC với rất nhiều lợi thế, truyền thống, thương hiệu lại có ngân hàng mẹ (BIDV) đứng sau cũng lỗ lại là chuyện khác.
![]() |
Đã đến lúc phải “kê đơn, bốc thuốc” cho các CTCK. Ảnh: LÃ ANH |
Những diễn biến trên phần nào cho thấy sự bế tắc của các CTCK hiện nay trong việc tìm đường sống cho mình, từ đó dẫn đến những hành động nếu không liều lĩnh cũng buông xuôi. Mới đây các NĐT mở tài khoản tại CTCK Mê Kông đã lên tiếng về việc 170.000 cổ phiếu của CTCP Đá Núi Nhỏ (NNC) của mình đã không cánh mà bay.
Một người có thâm niên làm việc trong ngành chứng khoán tiết lộ những vụ kiện tụng, tranh chấp giữa NĐT và CTCK, hay việc nhân viên môi giới lừa đảo khách hàng rồi bỏ trốn xuất hiện trên mặt báo... chỉ là một phần nhỏ so với thực tế.
Hay như việc xử lý trường hợp mất thanh khoản của CTCK SME diễn ra từ đầu quý IV năm ngoái đến giờ vẫn bế tắc. Những NĐT còn tiền tại SME lúc đó giờ có thể rút về hay chưa cũng không ai biết. Hiện tại, trên thị trường xuất hiện một số CTCK chỉ còn 1-2 nhân viên môi giới, gọi là cho có và chủ yếu đặt lệnh cho… sếp, còn lại gần như không có khách hàng.
Thực tế, giải cứu những trường hợp như SME gần như bất khả thi. Một NĐT bình thường cũng có thể biết được SME cần tiền. Nhưng tiền hiện nay không dễ kiếm. Đặt vấn đề một ai đó muốn đầu tư vào SME cũng không dễ dàng khi phải ôm một đống nợ.
Vả lại trên thị trường vẫn còn đầy rẫy các CTCK tốt hơn SME, nên SME không phải là sự lựa chọn hấp dẫn nhất. Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận dù SME bế tắc nhưng khả năng CTCK này phá sản khó xảy ra, bởi SME phá sản đồng nghĩa với việc các chủ nợ của SME coi như mất trắng.
Số tiền có thể không quá lớn để tác động mạnh đến các chủ nợ về mặt tiền bạc, nhưng về mặt niềm tin và thương hiệu lại là câu chuyện khác. Thí dụ, một ngân hàng cho SME vay, đến nay không đòi được nợ.
Nếu thông tin này lọt ra bên ngoài, các cổ đông, đối tác sẽ đặt vấn đề về nghiệp vụ, thậm chí xem xét cả vấn đề đạo đức của ngân hàng trong việc cấp tín dụng cho CTCK này.
Bắt mạch, kê đơn
Cách đây chưa lâu, khi CTCK Đông Dương (DDS) công bố ngưng hoạt động môi giới và một số CTCK khác cũng có ý định tương tự, một cán bộ của UBCKNN đã gọi đây là “hành động dũng cảm”. Thực tế, chỉ có trường hợp của DDS là êm thấm nhất khi không xảy ra tranh chấp giữa CTCK và khách hàng.
Trường hợp CTCK Trường Sơn (TSS) xin rút nghiệp vụ môi giới lại nảy sinh những vấn đề đáng chú ý. Đã có NĐT “tố” TSS phong tỏa tài khoản nên không thể chuyển sang CTCK khác. Không rõ trong chuyện này lỗi thuộc về TSS hay NĐT, nhưng rõ ràng rút nghiệp vụ môi giới không chỉ có dũng cảm mà phải có trách nhiệm.
Trách nhiệm ở đây không chỉ ở CTCK mà có cả các cơ quan quản lý. Bởi lẽ, CTCK rút nghiệp vụ môi giới coi như “chết lâm sàng”, tức công ty này hết trách nhiệm với NĐT. Như vậy thiệt thòi nhất đương nhiên vẫn là NĐT.
Cần có giải pháp để phòng tránh các CTCK sau khi rút nghiệp vụ môi giới, chờ thị trường tốt lên, quay lại lướt sóng, tự doanh để kiếm lời ngắn hạn, tạo sự bát nháo. Theo đó, có những quy định riêng cho nhóm CTCK này nếu muốn phục hồi hoạt động môi giới thì công nghệ, vốn… phải cao hơn mức bình thường. Điều này có thể triệt tiêu những hoạt động núp bóng, đồng thời buộc CTCK phải làm mới mình nếu muốn tồn tại. TS. NGUYỄN VĂN THUẬN, |
Theo phân tích của nhiều chuyên gia, trên thực tế khi CTCK rút hoạt động môi giới sẽ chuyển qua hoạt động tư vấn (chỉ cần vốn 10 tỷ đồng). Trong khi đó, theo luật hiện nay cho dù CTCK chỉ còn tư vấn vẫn được gọi là CTCK.
Điều này một mặt “có lợi” cho CTCK khi vừa có thể phòng thủ, chờ cơ hội quay trở lại thị trường, vừa có thể bán giấy phép. Nhưng điều này lại khiến hình ảnh các CTCK méo mó. Qua đây lộ ra vấn đề: Chúng ta mới chỉ quy định về số lượng các nghiệp vụ, gắn với vốn pháp định nhưng lại không đề cập đến đâu là hoạt động chính của CTCK.
Chính điều này làm xảy ra tình trạng nêu trên. Điểm đáng nói ở đây là số lượng các CTCK đã công bố rút nghiệp vụ môi giới đến nay ít nhất khoảng 4-5 công ty (Đông Dương, Hà Nội, Trường Sơn, Gia Anh…).
Nhưng con số thực 14-15 hay 40-50 lại không biết rõ là nguy cơ thiệt hại cho NĐT rất lớn. Một thí dụ đơn giản: NĐT đang mở tài khoản tại một CTCK. Đúng lúc thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh, CTCK này đột ngột tuyên bố ngừng hoạt động môi giới.
Giả sử mỗi ngày thị trường giảm NĐT mất 5% vốn, nếu CTCK cố tình trì hoãn việc chuyển tài khoản, phải mất 6 ngày mới hoàn thành, coi như NĐT “bay” 30% vốn.
Tiêu chí tái cấu trúc phải là chất lượng
Cách đây 2 tuần, Hiệp hội các NĐT tài chính Việt Nam (VAFI) đưa ra đề xuất giảm số lượng CTCK từ 100 xuống còn 25, đồng thời yêu cầu các CTCK tăng vốn pháp định lên 600 tỷ đồng, rồi 1.200 tỷ đồng trong các năm tới. Tuy nhiên, đến nay chưa có văn bản hay quy định nào cấm mở thêm CTCK, vì vậy trong tương lai không loại trừ có những người muốn lập CTCK.
Vì thế, kiểm soát về số lượng cần phải căn cứ vào tình hình cụ thể. Một điểm cũng cần tách bạch là những vấn đề nổi cộm của thị trường không nằm ở một nhóm CTCK nào, mà ở cả CTCK nhỏ và CTCK vốn lớn hàng nghìn tỷ đồng.
Thí dụ, những giai đoạn thị trường chịu áp lực giải chấp trong vài năm trở lại đây do việc cấp tín dụng quá tay từ các CTCK có thị phần môi giới lớn. Hay như chuyện làm giá chứng khoán bị truy tố cũng dính đến CTCK lớn. Như vậy, vấn đề tái cấu trúc ở đây cốt yếu nằm ở chất lượng.
Không thể lấy tiêu chí số lượng CTCK làm mục tiêu cho việc tái cấu trúc. Thử nhìn lại giai đoạn 2007, hàng loạt CTCK mọc lên, lúc đó có quan điểm nào cho rằng số lượng 90-100 CTCK là quá nhiều hay không? Vấn đề là hiện nay trong giai đoạn thị trường khó khăn số lượng 100 CTCK mới là quá nhiều. Giả sử khi đã giảm số lượng xuống còn 20-30 CTCK mà thị trường lại bước vào một giai đoạn tăng trưởng mới, lúc đó sẽ như thế nào? 20-30 CTCK là vừa đủ hay quá ít? Ông HOÀNG THẠCH LÂN, |
TS. Dương Cẩm Đà, Phó Tổng giám đốc CTCK Kim Eng, nêu quan điểm: “Chứng khoán hiện giờ không còn “dễ ăn” như trước, nên số công ty phải giảm là điều tất yếu. Nhưng theo tôi, ngoài những chế tài, chúng ta nên để thị trường tự vận động, nâng cấp, đào thải. CTCK lớn sẽ phải nâng cấp, hoàn thiện chất lượng dịch vụ của mình để lôi kéo khách hàng.
Trong bối cảnh hiện nay, khi hoạt động giao dịch ký quỹ (margins) - một trong những “ngón tủ” của CTCK vài năm trước và cũng dễ gây hệ quả xấu cho thị trường - đã được các cơ quan quản lý luật hóa qua Thông tư 74, như vậy sẽ không còn chuyện xé rào như trước. Bên cạnh đó, hoạt động tự doanh ngày một đòi hỏi cao hơn, không dễ có chuyện đánh lên đánh xuống cổ phiếu, xả hàng kiếm lời.
Bây giờ NĐT, cổ đông cần sự an toàn nguồn vốn của mình, mà điều này chỉ những CTCK lớn, nguồn vốn ổn định và minh bạch mới đáp ứng được. NĐT cần an toàn trong hoạt động đầu tư, tức cần tư vấn, chăm sóc nhằm giúp họ bảo toàn vốn tốt hơn”.
Một vấn đề cũng cần đặt ra ở đây là trong việc nâng chất lượng, các CTCK cần được tạo điều kiện. Với những sản phẩm nghiệp vụ như hiện nay, những CTCK hàng đầu như SSI, HSC, Bản Việt, Kim Eng… đã làm hết mức có thể.
Bán khống, rút ngắn thời hạn thanh toán, sản phẩm phái sinh, những cải tiến cho thị trường đến lúc này vẫn chỉ là kế hoạch. Vì vậy, mấu chốt của vấn đề tái cấu trúc CTCK cần có sự kết hợp giữa CTCK và cơ quan quản lý.
Thực tế, nếu CTCK đơn thuần hoạt động môi giới, VĐL chỉ cần 100-200 tỷ đồng là có thể vận hành trơn tru. Vì thế, nếu tiếp tục tăng VĐL, thị trường cần có thêm những sản phẩm khác.