Tháng 1, vẫn mùa biển động, gió cấp 6, phải mất hơn 2 giờ trên tàu cao tốc từ cảng Sa Kỳ, vượt qua những đợt sóng nhồi lắc liên tục, Lý Sơn mới hiện ra trước mắt với chan hòa nắng, biển biếc và màu xanh ngút ngàn của tỏi…
Đặc sản Lý Sơn
Ðảo Lý Sơn còn gọi là Cù lao Ré nằm cách bờ biển Quảng Ngãi 18 hải lý về hướng Đông Bắc, bao gồm 2 hòn đảo: đảo lớn - gồm 2 xã An Hải và An Vĩnh và đảo bé - xã An Bình. Thời điểm thăm thú Lý Sơn lý tưởng nhất là mùa hè với trời xanh, biển lặng và đủ loại hải sản độc đáo.
Nhưng để được ngắm Lý Sơn với nguyên nghĩa “thiên đường tỏi” phải đi vào cuối năm cho đến hết tháng Giêng âm lịch. Thời điểm này, trên đảo lớn, đảo bé, đâu đâu cũng một màu xanh đang ngả dần sang vàng của lá tỏi.
Tỏi Lý Sơn có kích thước nhỏ vừa, màu trắng, mùi vị thơm cay dịu ngọt. Quý nhất là tỏi cô đơn hay tỏi mồ côi (cả củ tỏi chỉ có duy nhất 1 tép tròn) mà giá tỏi khô lên đến trên 1 triệu đồng/kg.
Quý hiếm vì tỏi cô đơn chỉ xuất hiện nhiều trên ruộng tỏi vào những năm mất mùa, như một sản vật quý hiếm được chắt chiu đặc biệt từ những giọt mồ hôi, gió nắng và mặn mòi nước biển. Mỗi ha đất trồng tỏi chỉ có khoảng 2kg tỏi cô đơn.
Mỗi năm nông dân Lý Sơn chỉ trồng được một mùa tỏi, kéo dài từ tháng 9 đến hết tháng Giêng âm lịch. Đất để trồng tỏi được lấy từ lòng biển, ủ từ mùa trước để tích tụ khoáng chất từ nước biển, phía trên được phủ một lớp cát biển trắng mịn chỉ có ở Lý Sơn.
Nước dùng tưới tỏi là nước ngọt được lấy từ miệng núi lửa lớn nhất trên đảo. Đến với Lý Sơn dịp này, dù không được nếm thử nhiều hải sản vì biển động nhưng bù lại du khách có thể tận hưởng một món ăn độc nhất vô nhị và chỉ có ở Lý Sơn: gỏi tỏi.
Năm qua không nhiều bão nhưng nắng hạn kéo dài ngay cả trong mùa mưa khiến gần 300ha tỏi Lý Sơn đứng trước nguy cơ thiếu nước.
Đặc sản tỏi được nhiều người ví là "vàng trắng". |
Lý Sơn được hình thành từ 5 ngọn núi lửa: Thới Lới, Hòn Tai, Hòn Sỏi, Giếng Tiền, Hòn Vung, đều là những miệng núi lửa đã tắt từ cách đây hàng triệu năm. Hòn đảo nhỏ bé này cũng lưu giữ những di chỉ mang dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Champa, những ngôi chùa độc đáo như chùa Hang, chùa Đục…
Để ngắm được toàn cảnh vẻ đẹp của đảo Lý Sơn vào mùa tỏi, phải phóng xe lên đỉnh núi cao nhất của đảo: đỉnh Thới Lới. Từ đây nhìn xuống, biển trời Lý Sơn như hòa làm một, xanh ngút ngàn. Màu xanh ngọc của nước biển Lý Sơn rất kỳ lạ và hiếm có.
Từ đỉnh Thới Lới nhìn sang, có thể thấy đảo bé như một con cá voi đang vẫy vùng giữa biển cả, chìm lấp trong muôn ngàn con sóng bạc. Đảo bé không có miệng núi lửa, không có mạch nước ngầm, cũng chỉ vỏn vẹn 100 hộ dân sinh sống.
Cách đây chưa lâu, du khách đến với đảo bé Lý Sơn hẳn sẽ cảm thấy bất ngờ trước cảnh người dân phải đứng tắm trong chậu cùng những chiếc lu, ghè hứng nước mưa hay chính quyền phải mở kho dự trữ nước ngọt giúp người dân những tháng biển động, tàu bè không thể cập cảng.
Từ ngày công trình lọc nước biển thành nước ngọt được khánh thành trên đảo bé, người dân mới chính thức hết khát.
Lưu dấu oai hùng
Nhắc đến Lý Sơn, không thể không nhắc đến những địa danh như Âm Linh Tự, đình An Vĩnh… Hòn đảo chỉ có diện tích hơn 10km2 nằm nhỏ bé giữa mênh mông trời biển vẫn còn lưu giữ hàng trăm dấu tích oanh liệt của hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải (Trường Sa) mà đến nay vẫn còn lưu truyền trong câu ca dao mang huyền thoại bi tráng “Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về”.
Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, hàng năm cứ vào tháng hai âm lịch, nhà Nguyễn cắt cử 70 binh phu giỏi nghề đi biển ở vùng cửa biển Sa Kỳ, sau này là dân đinh ở 2 phường An Hải và An Vĩnh của đảo Lý Sơn, giương buồm theo gió nồm vượt sóng ra Hoàng Sa trên 5 chiếc thuyền nan.
Mỗi binh phu được cấp phát 6 tháng lương, mang theo 2 chiếc chiếu, 7 đòn tre, 7 cuộn dây mây và một tấm thẻ bằng tre có khắc tên họ, bản quán từng người. Nếu chẳng may hy sinh, binh phu đó sẽ được đồng đội bó xác vào chiếu, nẹp lại và thả xuống biển với hy vọng đất liền sẽ biết được tông tích của người xấu số.
Hiện nay trên đảo Lý Sơn vẫn còn những ngôi mộ gió của suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật, cai đội Phạm Quang Ảnh và hàng ngàn hùng binh Hoàng Sa, nhắc nhở về một lịch sử oai hùng giữ gìn biên cương bờ cõi.
Những ngày cuối năm là thời điểm tấp nập nhất tại cảng Lý Sơn. Hàng hóa được hối hả chuyển ra đảo để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán và tỏi tươi, tỏi khô được chuyển ngược ra đất liền, mang chút hương vị, linh khí của đất trời Lý Sơn đi đến mọi miền của Tổ quốc.
Cũng giống như những chiếc thuyền mỏng manh mang theo những binh phu sẵn sàng vong thân vì nước hàng trăm năm trước, những con tàu trên cảng Lý Sơn hôm nay vẫn tiếp tục hướng về Hoàng Sa lộng gió, như những cột mốc chủ quyền trên biển…
Đặc sản Lý Sơn ở Ninh Phước
Có một xã tỏi ở Khánh Hòa với thương hiệu chẳng khác tỏi Lý Sơn, Quảng Ngãi: đó là xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa. Từ khi cây tỏi bén duyên, dấu tích dải biển Ninh Phước khô cằn, mịt mù cát quanh năm đã dần xóa mờ.
Một trong những người đưa tỏi Lý Sơn đến trồng ở vùng cát ven biển miền Trung này là anh Võ Ái Nhân. Anh Nhân kể: Năm 1994, anh đi dọc biển miền Trung từ Quảng Bình đến Vũng Tàu để tìm nơi có cát vôi, loại cát thích hợp nhất trồng tỏi Lý Sơn.
Cuối năm 1995, trên đường từ Vũng Tàu trở ra, anh ghé xã miền biển Ninh Phước. "Trước mắt tôi là một cánh đồng cát vôi phẳng lỳ. Tôi bốc từng nắm cát lên vui sướng tột cùng. Tôi biết rằng, thành quả 2 năm rong ruổi tìm kiếm nay đã có chốn dừng chân. Tôi sẽ biến biển nơi đây thành Lý Sơn thứ hai” - anh Nhân kể lại.
Sau khi tìm được đồng cát ưng ý, anh Nhân đưa gia đình vào lập nghiệp ở Ninh Phước, bắt đầu trồng thử nghiệm tỏi. Sau một thời gian, ruộng tỏi gia đình anh xanh ngát giữa vùng cát khô cằn.
Người dân Ninh Phước tò mò, trố mắt nhìn vợ chồng anh thu hoạch hàng tấn củ tỏi trắng phau, thơm, cay dịu không thua tỏi ở đảo Lý Sơn. Thành công ngoài mong đợi, anh Nhân mở rộng diện tích trồng tỏi thu lãi hàng trăm triệu đồng/vụ.
Đến nay, Ninh Phước đã hình thành một làng nghề với hơn 130ha ruộng tỏi cho thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Người dân ứng dụng công nghiệp hóa, tưới nước bằng hệ thống phun sương thay cho sức người.
Nhờ được tưới nước đều nên cây tỏi xanh tốt, hiệu quả năng suất, sản lượng cao hơn 2-3 tấn/ha và giảm chi phí công chăm sóc, tưới nước... Anh Nguyễn Thế Cường, một người gốc Lý Sơn, hóm hỉnh: “Nếu giờ đường sá ở Ninh Phước được bê tông hóa, mở rộng chắc đến hàng trăm hộ trồng tỏi ở đây mua ô tô rồi”.
Cây tỏi lên ngôi ở Ninh Phước đã làm đổi đời bao người dân nghèo. Song, người dân trồng tỏi ở đây vẫn canh cánh nỗi niềm trăn trở chưa xây dựng được “thương hiệu tỏi Khánh Hòa". Vì bấy lâu nay, “cái bóng” tỏi Lý Sơn quá lớn và nổi tiếng thơm ngon, giá trị cao mặc dù tỏi Ninh Phước chất lượng không thua kém.
Người dân Ninh Phước chỉ biết làm ra những sản phẩm ngon, chất lượng. Còn để xây dựng thương hiệu là câu chuyện dài và quá tầm với họ. "Để thương hiệu tỏi Khánh Hòa bay xa, người dân Ninh Phước mong muốn các ngành chức năng địa phương cùng tiếp sức” - anh Nhân bày tỏ.