Việc Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được dự báo mang đến nhiều cơ hội, nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức liên quan đến dịch vụ tài chính.
Sức ép vốn gián tiếp
Trước nhất, Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh không cân sức với các NH nước ngoài, nguy cơ mất thị trường rất lớn. Bởi lẽ sẽ có nhiều tập đoàn, NH lớn của 11 quốc gia cùng tham gia TPP có dịch vụ NH phát triển nhất thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản... tham gia thị trường. Các NH nội địa sẽ đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, không cân sức nếu không có chiến lược kinh doanh hợp lý. Đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, việc dần xóa bỏ các điều kiện thị trường thực sự không dễ do hệ thống NH vẫn còn nhiều hạn chế. Về tiếp cận dịch vụ NH, tuy đã có những tiến bộ nhưng Việt Nam vẫn ở mức thấp so với một số nước trong khu vực và trên thế giới. Điều này làm tăng cơ hội cho các NH nước ngoài tại thị trường Việt Nam.
Một số nghĩa vụ cam kết chính bao gồm không phân biệt đối xử giữa nhà cung cấp dịch vụ tài chính trong nước và nước ngoài, cho phép các tổ chức tài chính nước ngoài cung cấp dịch vụ tài chính qua biên giới trên một số lĩnh vực, sản phẩm tài chính; bảo hộ nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực tài chính, nghĩa vụ về minh bạch hóa sẽ được xác lập, theo đó Việt Nam sẽ đối mặt với những cam kết quá tầm. Thách thức cũng sẽ đến từ việc quy định trong TPP cũng cho phép việc bán dịch vụ tài chính cụ thể qua biên giới sang một thành viên TPP từ nhà cung cấp dịch vụ của 1 thành viên TPP khác mà không yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ phải thành lập cơ sở hoạt động tại 1 nước khác để bán các dịch vụ của mình.
Ngành tài chính sẽ đối diện với nhiều bất ổn tiềm tàng. Rủi ro từ việc phụ thuộc vào vốn ngoại sẽ tăng lên cho nền kinh tế Việt Nam. Với tỷ lệ nợ nước ngoài (cả nợ công và nợ tư nhân) ngày một tăng của Việt Nam, cộng với tầm quan trọng của tỷ trọng FDI trên cán cân thanh toán và sự mở cửa hơn nữa của thị trường chứng khoán, Việt Nam đang ngày càng phụ thuộc vào vốn ngoại. Trong bối cảnh đó, khi thị trường tài chính toàn cầu gặp những cú sốc lớn sẽ khiến dòng vốn quốc tế biến động mạnh, nền kinh tế Việt Nam sẽ càng dễ tổn thương. Một cú sốc khiến vốn ngoại ngưng vào hoặc chảy ra sẽ tác động khó lường tới sức ép phá giá ngoại tệ và sự ổn định của hệ thống tài chính.
Sức ép bị thâu tóm và chi phối có thể tăng mạnh đối với lĩnh vực NH. Điều này có thể xảy ra khi ta vẫn chưa đưa ra được bài toán giải quyết rõ ràng vấn đề sở hữu chéo giữa các NH Việt Nam. Nguy cơ không cạnh tranh được, mất thị trường vào tay các NH nước ngoài, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy trong hoạt động quản lý nhà nước đối với thị trường. Đó là hiện tượng chuyển giá sẽ ngày càng gia tăng và không thể quản lý vì các NH nước ngoài thường đi theo các doanh nghiệp nước họ khi đầu tư ra nước ngoài.
Cơ hội hội nhập sâu
Tuy nhiên, bên cạnh thách thức, Việt Nam cũng sẽ có nhiều cơ hội hội nhập sâu hơn thị trường tài chính thế giới. Các luồng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam cũng sẽ tăng mạnh, tạo thuận lợi cho hệ thống NH tăng cường thanh khoản và tiếp cận các nguồn vốn ủy thác trên thế giới với chi phí thấp hơn. Cùng với đó, Việt Nam có nhiều cơ hội thu hút thêm dòng vốn nước ngoài vào ngành dịch vụ tài chính - một ngành cần vốn, công nghệ và năng lực quản lý điều hành cao. Việc tham gia sâu rộng của nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ tạo điều kiện mở rộng hợp tác, nâng cao năng lực quản trị và tài chính cho các ngân hàng nội địa. Việc tăng cường hiện diện của các thể chế tài chính nước ngoài tại Việt Nam sẽ đem lại cho Việt Nam một lượng vốn cần thiết. Việt Nam có cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài, công nghệ, kỹ năng quản trị, đây sẽ là động lực để phát triển nếu tận dụng hiệu quả.
Các cam kết trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thúc đẩy các cơ hội đầu tư, góp phần đẩy mạnh sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính ở Việt Nam. Hơn nữa, các cam kết mở cửa thị trường bảo hiểm trong các hiệp định thương mại trong đó có TPP sẽ góp phần thúc đẩy hàng hóa Việt Nam thâm nhập các thị trường lớn có mức độ bảo hộ cao như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản. Việc thực thi các cam kết với TPP thời gian tới là cơ hội đối với Việt Nam nói chung và ngành dịch vụ tài chính nói riêng nếu tận dụng được các lợi thế do TPP mang lại. Tuy nhiên, đó cũng có thể trở thành những thách thức lớn nếu không tận dụng hiệu quả, thể hiện rõ những thua thiệt của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Cụ thể như thị trường nội địa vào tay các doanh nghiệp nước ngoài, tăng trưởng GDP chủ yếu do các doanh nghiệp FDI, hiện tượng chuyển giá và gian lận thương mại diễn ra phổ biến... Ngành dịch vụ tài chính, nắm huyết mạch của nền kinh tế cần cẩn trọng, có sự chuẩn bị nguồn lực nhằm tận dụng cơ hội và ngăn ngừa những rủi ro trong thời gian tới.
TPP sẽ tạo điều kiện cho dòng vốn đầu tư gián tiếp luân chuyển giữa các quốc gia với nhau. Tuy nhiên, sự gia tăng dòng vốn, đặc biệt từ nước ngoài vào cũng làm gia tăng nguy cơ về bong bóng giá tài sản và vấn đề rút vốn đột ngột có thể sẽ gây mất ổn định cho quốc gia nhận vốn. |