Ông Phạm Kim Cương cho biết: Trong thời gian 10 năm làm việc ở thung lũng Silicon (2010-2020), tôi được chứng kiến Tập đoàn Google đến top các trường đại học ở khắp nơi trên thế giới để tuyển dụng nhân tài. Các công ty công nghệ khác cũng có chính sách tương tự để thu hút nhân lực chất lượng cao về công ty làm việc.
Từ chính sách này, các quỹ đầu tư mạo hiểm có cơ sở bơm vốn, và họ là nguồn lực dồi dào cho các công ty công nghệ ở Mỹ, tạo điều kiện cho startup (khởi nghiệp) mới ra đời. Khi những startup này thành công, họ lại tạo ra các công ty khởi nghiệp mới, bắt đầu chu trình gọi vốn và thu hút nhân tài mới. Hàng năm Chính phủ Mỹ cho phép khoảng 85.000 người nhập cư theo diện trí thức và năng lực chuyên môn để thu hút nhân tài ở lại làm việc.
Và để khuyến khích, một số bang ở Mỹ có những chính sách đặc biệt với DN khởi nghiệp. Như bang Delaware, 90% công ty khởi nghiệp ở Mỹ chọn nơi đây để thành lập vì không có thuế thu nhập DN. Hay như bang Washington, nơi Microsoft và Amazon đặt trụ sở không có thuế thu nhập đối với người lao động. Bang California có chính sách miễn thuế lên tới 15% doanh thu DN cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).
Các TP ở thung lũng Silicon rất chú trọng đến giáo dục. Hệ thống trường công như Đại học Tổng hợp Berkeley, hay trường tư Stanford cạnh tranh lành mạnh với nhau để đào tạo những tiến sĩ, kỹ sư giỏi.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, TPHCM hiện nay đang xây dựng mô hình phát triển là đô thị đổi mới sáng tạo, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực công nghệ cao. Vậy cần có ưu đãi hay chính sách gì để thu hút và giữ chân nguồn nhân lực này?
Ông PHẠM KIM CƯƠNG: - Để thu hút và giữ chân được nguồn nhân lực công nghệ cao, nhất là các DN startup với những dự án đặc biệt, TPHCM cần chú ý đến 3 vấn đề. Một là nên tạo ra các mạng lưới kết nối chuyên ngành trong và ngoài nước. Tức tài trợ cho các trí thức trong nước có cơ hội ra nước ngoài, hay các chương trình “trường hè” để thu hút các trí thức ở nước ngoài về nước giảng dạy.
Hai là tạo ra cơ hội cho các startup nói riêng và DN tư nhân nói chung tham gia. Giống như thung lũng Silicon, các startup và DN tư nhân sẽ là nam châm để hút nhân tài từ khu vực Đông Nam Á và xa hơn về Việt Nam làm việc.
Ba là tạo ra cơ chế cho các tổ chức phi lợi nhuận (NPO) phát triển. Các tập đoàn kinh tế có thể đóng góp vốn vào NPO và được hạch toán khấu trừ từ lợi nhuận DN. Nhờ vậy, các NPO sẽ có kinh phí để hoạt động và thu hút những tri thức có mong muốn cống hiến vì sự phát triển chung của TPHCM và của cả nước.
Mô hình này sẽ có sự linh hoạt và xoay quanh 3 chủ thể NPO - DN tài trợ - cơ quan nhà nước, để thúc đẩy ảnh hưởng từ những đóng góp và cống hiến của mình.
- Ông có thể nói cụ thể hơn về hoạt động NPO và TPHCM cần có cơ chế riêng cho loại hình này?
- Tôi được biết, hiện tại Việt Nam với hệ thống pháp luật điều chỉnh về cơ chế hoạt động phi lợi nhuận chưa được hoàn thiện, chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa hoạt động phi lợi nhuận của các đơn vị tư nhân với khu vực nhà nước. Đối với cơ chế hoạt động phi lợi nhuận trong các đơn vị cung ứng dịch vụ công, dịch vụ xã hội trong khu vực tư nhân, hiện còn thiếu văn bản điều chỉnh; nếu có, vấn đề hoạt động phi lợi nhuận cũng chưa được làm rõ và còn nhiều vướng mắc cả về lý luận và thực tiễn.
Do vậy, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức phi lợi nhuận cung ứng dịch vụ công, dịch vụ xã hội tại Việt Nam là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, tổ chức phi lợi nhuận cung cấp hàng hóa dịch vụ công, dịch vụ xã hội hiệu quả hơn các tổ chức nhà nước. Tính hiệu quả này thể hiện ở chất lượng hàng hóa, dịch vụ cao hơn và chi phí thấp hơn. Mặt khác, tổ chức phi lợi nhuận khắc phục được sự quan liêu thường thấy ở khu vực công, nên giảm bớt chi phí quản lý hành chính.
NPO cũng sâu sát, nắm rõ nhu cầu thực tế của người dân và đáp ứng nó được tốt hơn các cơ quan nhà nước. Vì thế, trong chừng mực nào đó, tổ chức phi lợi nhuận là lực lượng giúp nhà nước tiết kiệm chi phí, nhân lực trong việc cung cấp hàng hóa dịch vụ công và dịch vụ xã hội, một cách trực tiếp hay gián tiếp.
Tôi cho rằng, TPHCM nên xem xét và tạo cơ chế cho loại hình này phát triển. Bởi đây là một trong những yếu tố có thể thu hút được các DN công nghệ.
TPHCM có rất nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ. Việc thành lập TP Thủ Đức cũng tạo ra môi trường hấp dẫn với nhiều cơ hội mới. Là kiều bào về nước làm việc, tôi rất mong muốn có được môi trường làm việc giống với nơi tôi đã từng làm việc ở nước ngoài. Nhờ đó tôi sẽ không phải mất nhiều thời gian học lại những kỹ năng sống và làm việc, và có thể tập trung vào chuyên môn và kiến thức tôi học được ở nước ngoài để làm việc.
Tôi kỳ vọng TPHCM sẽ theo kịp Thượng Hải (Trung Quốc) để trở thành trung tâm công nghệ của Đông Nam Á. Thượng Hải hiện có 38 công ty khởi nghiệp kỳ lân, trong đó phải kể đến NIO - công ty công nghệ ô tô điện đã lên sàn chứng khoán của Mỹ, từng đạt mốc vốn hóa 100 tỷ USD và cạnh tranh với Tesla.
Tôi mong TPHCM với sự hỗ trợ của Chính phủ sẽ tạo môi trường thuận lợi cho những DN tỷ USD như vậy ra đời và phát triển bền vững trong tương lại.
- Xin cảm ơn ông.
Ông Phạm Kim Cương là cựu kỹ sư phần mềm của Google và Airbnb, đam mê nghiên cứu robot và hiện đang là nhà sáng lập của một công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo. Là đại diện của lớp trẻ quay trở về Việt Nam để lập nghiệp và cống hiến, từ bỏ công việc tại Mỹ.