Ngày 2-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024.
Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường, sáng 2-11. Ảnh: QUANG PHÚC |
Thảo luận tại hội trường, Đại biểu Quốc hội (ĐB) Nguyễn Thị Lệ (TPHCM), Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM cho rằng, để kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua “về đích” với hiệu quả và kết quả cao nhất, trong nửa cuối giai đoạn 2021-2025 đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt và quyết tâm chính trị hơn nữa cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm khắc phục các tồn tại hiện có.
ĐB cho rằng, Chính phủ cần có rà soát đánh giá tiến độ, khả năng thực hiện của các dự án trong giai đoạn 2021 - 2025 một cách cụ thể, đối với từng dự án cần phải xây dựng lộ trình kế hoạch thực hiện một cách chi tiết, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu đã đề ra.
ĐB Nguyễn Thị Lệ phát biểu. Ảnh: QUANG PHÚC |
ĐB cũng nêu một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ các dự án đầu tư công, ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ giải ngân các dự án là do vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Tại Nghị quyết số 29/2021/QH15, Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
ĐB Nguyễn Thị Lệ đề nghị Chính phủ báo cáo tiến độ triển khai thực hiện đề án này, đồng thời đánh giá hiệu quả của đề án khi triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Từ thực tiễn TPHCM, ĐB Nguyễn Thị Lệ đề xuất 5 giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công giúp cho hoạt động đầu tư công đạt được kết quả, góp phần hoàn thành mục tiêu của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội thông qua.
Trong đó, các địa phương, các chủ đầu tư phải rà soát, đánh giá kỹ những dự án có khả năng giải ngân để tập trung bố trí vốn, tránh dàn trải dẫn đến nhiều dự án dở dang, phải làm thủ tục gia hạn và gây lãng phí.
Trong quá trình thực hiện dự án cần quan tâm đến việc di dời hạ tầng kỹ thuật, việc này phải được chuẩn bị kỹ trong kế hoạch, lựa chọn tư vấn từ sớm, song song với công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ thi công.
ĐB Nguyễn Thị Lệ đánh giá, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đã được nhiều địa phương tập trung quan tâm, xác định đây là khâu rất quan trọng để dự án triển khai thực hiện được. Vì vậy, ĐB kiến nghị tách dự án bồi thường ra khỏi dự án xây lắp gắn với quy chế quản lý, giám sát chặt chẽ như nhiều địa phương đã đề xuất.
Cùng với đó, ĐB Nguyễn Thị Lệ kiến nghị Quốc hội đề nghị Chính phủ hoàn thiện cơ chế để giá bồi thường sớm tiệm cận giá thị trường thực tế, cũng như có các cơ chế hỗ trợ thêm cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
“Nhận thức việc bố trí tái định cư là bố trí cuộc sống mới cho người dân nên cần phải quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng, chất lượng căn hộ và đảm bảo đầy đủ các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Hướng đến làm sao người dân mong muốn Nhà nước thực hiện dự án tại nơi mình đang ở hiện hữu để mình có cuộc sống mới tốt hơn”, ĐB Nguyễn Thị Lệ chia sẻ.
Đại biểu Quốc hội dự phiên họp, sáng 2-11. Ảnh: QUANG PHÚC |
Đối với nguồn vốn đầu tư, qua báo cáo của Chính phủ các dự án từ nguồn vốn đầu tư ODA có tỷ lệ giải ngân chậm nhất do vướng các quy định ràng buộc của bên cho vay và hiện nay nguồn tài chính trong dân muốn đầu tư là rất lớn.
Từ đó, ĐB Nguyễn Thị Lệ kiến nghị nên nghiên cứu một số dự án quy mô lớn chuyển từ vay ODA sang phát hành trái phiếu trong nước. Trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng cũng muốn tăng khả năng lưu thông dòng tiền, việc phát hành trái phiếu trong nước cũng sẽ tạo điều kiện tăng lưu thông dòng tiền.
Hiện nay, Chính phủ cũng như các địa phương đang cố gắng kêu gọi doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án đầu tư công với hình thức PPP đặc biệt là lĩnh vực hạ tầng giao thông (đường bộ và đường sắt - vừa rồi công ty đường sắt Sài Gòn có lãi lớn), thực hiện được điều này sẽ là động lực để phát triển các ngành kinh tế khác.
ĐB Nguyễn Thị Lệ kiến nghị Quốc hội đề nghị Chính phủ ngoài hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ thì cần sớm tập trung quy hoạch, đề xuất với Quốc hội giải pháp phát triển, hoàn thiện hệ thống đường sắt quốc gia, hướng đến hệ thống đường sắt vươn đến các tỉnh thành cả nước.
Về cơ chế PPP, hiện nay, rào cản lớn nhất của doanh nghiệp là thủ tục, cũng như tính hấp dẫn của dự án. Chính phủ phải có những cơ chế để giải tỏa những vướng mắc thủ tục cũng như tỷ lệ vốn tham gia của Nhà nước nhằm đủ sức hấp dẫn doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án PPP có quy mô lớn.