Trao đổi với ĐTTC, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho rằng để thực hiện hiệu quả đề án tái cấu trúc hệ thống NHTM, NHNN đã chỉ ra 9 ngân hàng cần thực hiện tái cơ cấu, nhưng hiện nay kết quả tái cơ cấu ngân hàng gần như vẫn là ẩn số.
PHÓNG VIÊN: - Theo ông, đến thời điểm này việc tái cơ cấu NHTM đã đạt được những kết quả gì?
TS. VŨ ĐÌNH ÁNH: - Hiện nay 9 NHTM được chỉ định tái cơ cấu đã thực hiện xong phần cơ bản. Trong 3 chương trình tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế, tái cơ cấu NH được Chính phủ chỉ định sớm nhất và triển khai tích cực nhất và đã đạt được những kết quả rõ ràng nhất so với chương trình cải cách doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu đầu tư công.
Theo đó, 9 NHTM thuộc đối tượng phải tái cơ cấu cơ bản đã hoàn thành bằng cách này hoặc cách khác, như sáp nhập hoặc hợp nhất. (SCB, Ficombank và Việt Nam Tín nghĩa hợp nhất thành NHTMCP Sài Gòn; Habubank sáp nhập vào SHB; Western Bank hợp nhất với PVFC…).
Như vậy, đến thời điểm này có thể nói việc tái cơ cấu ngân hàng đã được triển khai thực hiện theo đúng lộ trình, yêu cầu của NHNN. Theo đó, thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng đã được củng cố và ổn định, một số NHTM nhỏ nguy cơ mất khả năng thanh toán đã được ngăn chặn và đang hoạt động ổn định trở lại.
- Có quan điểm cho rằng, việc sáp nhập ngân hàng yếu + yếu = yếu và ngân hàng mạnh + yếu = yếu. Như vậy, phải tái cơ cấu như thế nào để ngân hàng yếu mạnh lên?
Quá trình sắp xếp lại hệ thống ngân hàng bắt buộc phải có Nhà nước tham gia, không nên phó mặc cho từng NHTM, bởi đây là câu chuyện liên quan đến sức khỏe cả hệ thống. NHNN cần tạo ra khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho lộ trình này cũng như tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các NHTM vượt qua khó khăn trong khi tái cấu trúc, để quá trình này diễn ra suôn sẻ; đồng thời NHNN cũng hướng dẫn và giám sát chặt chẽ việc tái cơ cấu. |
- Theo tôi, việc cần làm hiện nay là tập trung vào một số vấn đề trọng tâm của tái cơ cấu ngành ngân hàng. NHNN đã chỉ rõ tên các NHTM cần tái cơ cấu, vấn đề còn lại là cách thức tái cơ cấu của từng ngân hàng như thế nào.
Bởi thực tế đến nay vẫn chưa có phân tích, đánh giá cụ thể về kết quả ngân hàng sau tái cơ cấu đến đâu, cái gì được cái gì chưa được, tại sao lại như thế, kể cả việc 2 ngân hàng yếu hợp với nhau có trở thành 1 ngân hàng khỏe mạnh, hay phải kết hợp ngân hàng mạnh với ngân hàng yếu, hoặc 2 ngân hàng mạnh với nhau, thậm chí cho phá sản ngân hàng…
Bên cạnh đó, cần tiếp tục tái cơ cấu như thế nào, bởi bây giờ ngoài 9 NHTM nói trên không loại trừ có nhiều ngân hàng khác cũng cần phải tái cơ cấu. Đó là những ngân hàng mạnh kể cả NHTM nhà nước, NHTMCP mạnh cũng phải tái cơ cấu, bởi không phải ngân hàng mạnh là không có vấn đề. Kinh nghiệm của các nước châu Âu hay Bắc Mỹ cho thấy hệ thống ngân hàng của họ rất coi trọng việc tái cơ cấu bất kể là ngân hàng mạnh hay yếu. Trong khi đó, một điều chắc chắc là các NHTM nước ta đều có vấn đề. Vì thế, đây là bước tiếp theo cần quan tâm về tái cơ cấu ngân hàng.
Việc tái cơ cấu ngành ngân hàng phải thực hiện từng bước theo lộ trình nằm trong chương trình tái cơ cấu lớn hơn. Theo đó, tái cơ cấu ngân hàng phải gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn, tổng công ty và tái cơ cấu đầu tư công. Bởi đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước đều có mối liên hệ trực tiếp trong việc sử dụng tín dụng ngân hàng.
Hơn nữa, cho dù tái cơ cấu ngân hàng hay doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn, tổng công ty, đầu tư công cũng phải nằm trong chương trình tổng thể chung về tái cơ cấu nền kinh tế. Nhưng hiện nay, việc tái cơ cấu nền kinh tế đang rất bộn bề nên cũng rất khó cho ngân hàng. Vì thế bước đầu tiên trong tái cơ cấu ngành v mới dừng lại ở việc tái cơ cấu 9 NHTM nêu trên.
Như vậy, tái cơ cấu ngân hàng bị ràng buộc bởi chương trình tái cơ cấu nền kinh tế chung. Mặt khác, như trường hợp SCB đã tái cơ cấu khoảng 2 năm, đã đến lúc phải đánh giá lại ngân hàng hợp nhất sau tái cơ cấu có được hay không, nếu không được là tại sao để tìm cách khác. Theo tôi, đây là thời điểm chúng ta phải đánh giá lại từng trường hợp tái cơ cấu để có sơ sở thực tế xem xét, đánh giá những phương pháp đã thực hiện có phù hợp, đúng hay chưa.
- Theo ông, lộ trình tái cơ cấu ngân hàng cần thời gian bao lâu và cần thêm những chính sách gì?
- Lộ trình tái cơ cấu ngân hàng đã được Chính phủ đưa ra, nhưng vấn đề quan trọng là phải xử lý được ngân hàng yếu kém để đảm bảo hệ thống tài chính lành mạnh. Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có đánh giá nào về việc hệ thống tài chính đã lành mạnh hay chưa sau khi thực hiện tái cơ cấu, nên cũng khó để nói lộ trình đến khi nào đạt được.
Theo đó cần phải đánh giá lại mục tiêu đặt ra đã thực hiện đến đâu, từ đó mới bàn chuyện cần thời gian bao lâu nữa để đạt được mục tiêu này. Cũng từ việc đánh giá lại, chúng ta mới có thể tìm hiểu tại sao thực tế đã diễn ra như vậy, từ đó mới tính đến chính sách được.
Còn hiện tại, không rõ kết quả của các NHTM đã tái cơ cấu về trong quản trị từng ngân hàng sáp nhập, hợp nhất, vấn đề xử lý nợ xấu như thế nào, hay những vấn đề liên quan đến xử lý nội bộ giữa các ngân hàngvay mượn lẫn nhau ra sao, kể cả việc gần đây được nói đến nhiều như sở hữu chéo, công khai minh bạch của ngân hàng… Do vậy, cho đến nay vẫn chưa thể biết tái cơ cấu ngân hàng đã thực hiện đạt hiệu quả đến đâu.
- Xin cảm ơn ông.