Đất thiêng

1. 9 giờ 30 phút. Những hành khách đi chuyến bay Côn Đảo đều có mặt ở khu vực nhà ga nội địa sân bay Tân Sơn Nhất làm thủ tục. Hành lý làm thủ tục gửi là những thùng cacton to tướng nhưng nhẹ bơn, hành khách không gửi hành lý thì “tay xách nách mang” những giỏ đồ nặng trịch, có người còn ôm trên mình những bó hoa huệ, lay dơn, cúc... rất trịnh trọng.

1. 9 giờ 30 phút. Những hành khách đi chuyến bay Côn Đảo đều có mặt ở khu vực nhà ga nội địa sân bay Tân Sơn Nhất làm thủ tục. Hành lý làm thủ tục gửi là những thùng cacton to tướng nhưng nhẹ bơn, hành khách không gửi hành lý thì “tay xách nách mang” những giỏ đồ nặng trịch, có người còn ôm trên mình những bó hoa huệ, lay dơn, cúc... rất trịnh trọng.

Khoảng 10 giờ, hành khách bắt đầu vào cửa an ninh hải quan kiểm tra và soi hành lý. Tôi là người lần đầu tiên đi Côn Đảo được nhóm đặc trách ôm 2 chục huệ, xách một giỏ trái cây đo đùng gần 7kg, trên vai còn khệ nệ chiếc máy tính.

Thú thật tôi rất ngại với mấy ông hải quan vì đi máy bay mà ôm đồ lỉnh kỉnh chẳng khác gì nông dân lên tỉnh, rất phiền khi qua khâu kiểm tra an ninh. Nhưng rồi tôi cũng thấy quen, vì ai cũng vậy.

Đang lấy 2 cái khay bỏ đồ qua máy soi thì bạn tôi đế vào một câu: “Nè, phải để hoa vào khay thật nhẹ nhàng, không được để gốc hoa và giỏ trái cây chạm đất”.

Tôi loay hoay như gà mắc tóc với những món đồ lỉnh kỉnh này. Hôm nay có gì đó đặc biệt so với mấy lần đi Hà Nội, những vật dụng như bóp, kiếng, điện thoại qua máy soi, còn tôi bị chặn lại vì... chưa cởi dây nịt. Thấy tôi băn khoăn anh hải quan giải thích “lệnh mới phải nghiêm ngặt khâu an ninh”.

Cửa thoát ra ở khâu này bắt đầu nhốn nháo, bởi phải trả lại từ đầu là xỏ dây nịt vào quần, kiếng, bóp, điện thoại và khệ nệ những vật dụng mang theo. Khổ nhất là mấy chị và các cô mắc cỡ, quay vào vách đút dây nịt vào quần.

10 giờ 35 phút. Chiếc ATR 72, một loại máy bay chở khách tầm ngắn loại nhỏ 2 động cơ tuốc bin cánh quạt, chở 72 hành khách lướt êm trên đường băng rồi chưa đầy 5 phút bốc đầu lên không trung.

Thời tiết hôm nay không được đẹp, máy bay nhỏ nên chốc chốc lại giãy lên đành đạch do va vào mây mà mọi người gọi theo kiểu giao thông đường bộ là “sốc ổ gà”. Bạn tôi nhắc lại, nhớ đừng để hoa chạm sàn máy bay (giỏ trái cây tôi đã bỏ vào khoang hành lý phía trên chỗ ngồi).

Tôi hỏi lý do thì được giải thích: “Côn Đảo là vùng đất thiêng, đồ đem cúng phải giữ sạch, chạm vào đất khi cúng sẽ mất thiêng”. Những người kế bên cười ồ, còn tôi thì mặc kệ, để hoa dựa vào ghế máy bay vì nãy giờ ôm trên người muốn rụng tay.

Đang thiu thiu ngủ thì nghe tiếng “sực”, ruột gan như muốn lộn lên vì máy bay hạ độ cao. Chưa kịp hoàn  hồn thì một cú sực nữa và tiếp theo là cú lạng như kiểu xe máy “đánh võng”. Ngó ra cửa mới biết máy bay “ôm cua” để vào đường băng sau hành trình 35 phút.

2. 11 giờ 10 phút. Không khí Côn Đảo se lạnh giống Đà Lạt nên rất dễ chịu. Xe của Saigontourist chờ sẵn đón khách về khách sạn. Những thùng hàng bằng giấy cacton đến giờ này vẫn còn là bí ẩn với tôi cũng được đưa lên xe.

Đoạn đường gần 10km từ sân bay về khách sạn trườn lên dốc, ôm cua, lướt xuống đèo rất êm vì đường sá nơi đây rất tốt, lại ít có xe chạy. Những câu chuyện, giai thoại huyền bí ở Côn Đảo bắt đầu được mọi người trên xe kể cho nhau nghe theo kiểu đứt quãng nên những người đi lần đầu như tôi cũng không thể hình dung.

Nhìn ra ngoài không gian với cảnh quan tĩnh lặng, tiếng gió xé ra kêu vun vút, không một bóng người tôi mới hiểu vùng đất thiêng là vậy. Chưa đầy 30 phút xe về tới khách sạn. Nhận phòng, ăn trưa xong chúng tôi bắt đầu tham quan Côn Đảo.

Điều lạ với ai lần đầu tiên ra Côn Đảo không chỉ là không khí dễ chịu, phong cảnh thiên nhiên hữu tình, đường phố thoáng đãng mà là nơi đây không hề có trộm cắp, xe cộ vô tư để ngoài đường. Một người dân địa phương cho thuê xe gắn máy nói: “Nếu thuê xe tính ngày mấy anh cứ chạy thoải mái, khi nào về cứ để đại ngoài vỉa hè gần khách sạn, nhưng nhớ giữ chìa khóa xe, tối chúng tôi thanh toán tiền lấy lại chìa khóa”.

Thấy tụi tôi băn khoăn anh giải thích: “Ở đây chẳng ai dám ăn cắp đâu vì lấy cũng không thể chuyển ra khỏi đảo này được. Nhưng nếu để chìa khóa trên xe họ lấy chạy cho hết xăng rồi quăng ngoài đường mất công tìm thôi”.

Côn Đảo được người dân xem như vùng đất thiêng.
Côn Đảo được người dân xem như vùng đất thiêng.

14 giờ. Hành trình tham quan Côn Đảo là đi viếng ngôi miếu Bà Phi Yến, còn gọi An Sơn Miếu. Nơi đây xuất phát từ một câu chuyện lịch sử đau lòng mà trước đây tôi chỉ học qua sách vở. Đó là vào khoảng cuối thu năm 1783, nhằm tránh sự theo dõi của lực lượng Tây Sơn, Chúa Nguyễn (Nguyễn Phúc Ánh - Vua Gia Long), cùng gia quyến lánh ra Côn Đảo chờ cầu viện người Pháp.

Không bằng lòng với việc cầu viện này, Bà Phi Yến - lúc đó là thứ phi của Chúa Nguyễn - can ngăn chồng đừng “cõng rắn cắn gà nhà” đã bị chúa Nguyễn biệt giam trong động đá rồi vượt khơi. Hoàng tử Cải (con của Bà Phi Yến và Chúa Nguyễn) lúc bấy giờ mới vừa 5 tuổi, biết tin mẹ bị giam cầm, kêu gào phải để cho mẹ cùng đi hoặc được ở lại với mẹ. Trong cơn nóng giận mất hết tính người, Nguyễn Ánh đã ném con xuống biển.

Từ đó dân làng cám cảnh, hát ví: “Gió đưa cây Cải về trời/ Rau Răm ở lại chịu đời đắng cay” (Cải là Hoàng tử có tên Nguyễn Phúc Cải, Răm là Thứ Phi có tên Lê Thị Răm). Năm Ất Hợi (1785), Bà Phi Yến cũng quyên sinh để giữ trọn danh tiết khi tên đồ tể Biện Thi đem lòng tà dục, mò vào cấm phòng nắm lấy tay bà.

Ngôi Miếu Bà dựng lên để ghi công người phụ nữ can đảm âu cũng là ước vọng đầy tính nhân văn của người dân xứ biển.

15 giờ 30 phút. Hành trình tham quan tiếp theo là những nhà tù Côn Đảo với những cái tên như chuồng Cọp, chuồng Bò, trại Phú Hải, cầu Ma Thiên Lãnh, Sở Lò Vôi, Sở Muối...

Tham quan những trại tù chắc hẳn không ai không rùng mình khi tận mắt chứng kiến những căn phòng nóng bức và ngột ngạt với những hình thức khổ hình, những công cụ tra tấn rùng rợn nhất, phi nhân tính nhất... chỉ sử dụng để hành hạ con người bởi những con người. Kinh qua 118 năm, hết Pháp đến Mỹ - Ngụy, đã biến Côn Đảo thành “Địa ngục trần gian”, nơi từng giam cầm hàng chục vạn người yêu nước Việt Nam, trong đó có hơn 22.000 người con ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của đất nước.

3. 23 giờ. Không khí đêm ở Côn Đảo tĩnh lặng đến rùng mình. Vì phải chờ đi viếng mộ Cô Sáu (liệt sĩ Võ Thị Sáu) đúng vào giờ thiêng lúc 0 giờ nên tôi không thể ngủ được. Nằm trên kè biển mà cứ trân mình nhìn trời và lắng nghe sóng biển rì rầm, ào ạt rồi dâng trào không ngớt.

Đúng là Côn Đảo với những hình ảnh xen cài giữa quá khứ và hiện tại, giữa cũ và mới... Thế mới thấy cuộc đời mỗi người và mỗi thế hệ đã gột lên từ đất và biển, với bao nhiêu nước mắt, mồ hôi và cả máu. Giờ linh cũng chuẩn bị điểm,

0 giờ kém 20 phút, tất cả được triệu tập ra xe của khách sạn, ai đi xe gắn máy cũng chuẩn bị sẵn sàng, các vật dụng mang theo lúc sáng được mang thẳng đến Nghĩa trang Hàng Dương. Chưa đầy 10 phút, cổng nghĩa trang cũng hiện ra, mọi người nhẹ nhàng theo con đường dẫn vào Đài tưởng niệm nghĩa trang, hai bên là hai hàng ghế đá như có vong hồn các chiến sĩ đang ngồi đón mọi người vào.

Phải có hơn trăm người, nhưng không ai nói với ai lời nào, người đi chung thì tay nắm tay, người đi riêng thì khoanh tay. Có lẽ họ sợ. Cũng đúng thôi, đêm khuya tĩnh mịch, những ngọn đèn điện vàng nhòe leo lét của hàng ngàn ngôi một liệt sĩ tăm tắp chạy dài vun vút hai bên hàng dương.

Người có gan mấy cũng phải rùng mình bởi không khí se lạnh cùng với những giọt mưa lớt phớt. Đồ mang theo cũng được bày biện tại đài tưởng niệm, nào xôi chè, hoa quả, đèn cầy và những thứ bí ẩn đối với tôi trong thùng cacton là giấy tiền vàng mã cúng cho các vong linh chiến sĩ cũng được bày ra.

0 giờ. Giờ thiêng bắt đầu. Kinh cầu siêu cho các vong linh chiến sĩ được các Sư  thầy chủ trì cùng các phật tử cất lên. Tiếng mõ lốc cốc cùng tiếng chuông vang vọng trong đêm có lẽ làm mọi người cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản như vừa làm điều gì đó cho các vong hồn chiến sĩ. Nỗi sợ hãi ban đầu cũng bắt đầu vơi đi dần.

Lúc này nhiều nhóm người bắt đầu chia nhau xuống thắp nhang mộ Cô Sáu. Mộ cô không to nhưng thiết kế rất nghiêm trang, đèn sáng trưng. Hai bên ngôi mộ có sẵn hai bàn kê thêm rất lớn để mọi người bày biện bánh trái, hoa quả, nhang đèn cũng không chứa nổi bởi lượng người đến viếng quá đông.

Ban quản lý nghĩa trang phải đặc trách một bộ phận xem ai khấn Cô Sáu xong lập tức dọn xuống để người khác đưa vào. Không chỉ người miền Nam mà có cả những người lặn lội từ miền Bắc, miền Trung. Người khấn thầm, người nói ra miệng, người xin tài lộc, người cầu con cái, người cầu duyên, người xin địa vị...

Tiếng nói của các miền hòa quyện vào nhau nghe lào xào trong đêm. Có người còn bạo dạn bỏ tiền thật (chứ không phải tiền mã theo lễ nghi cúng cho cõi âm) đặt trên mộ rồi khấn xin Cô Sáu cho mua may bán đắt, sau đó rút tiền về.

Tôi cảm thấy sao sao ấy, cầu xin này đang bị biến tướng, thực dụng đã làm mất đi sự linh thiêng, có điều những người cầu xin rất thành tâm. Sau lễ khấn Cô Sáu, mọi người ai cũng tỏa ra đi thắp nhang cho các ngôi mộ khu vực xung quanh để các vong linh cùng hưởng hơi ấm từ khói nhang.

Ngày hôm sau do trễ chuyến bay, tôi có dịp cùng người bạn ở lại Côn Đảo thêm một ngày. Buổi chiều loanh quanh khu thị tứ chúng tôi cũng vào Nghĩa trang Hàng Dương nói chuyện, vừa giải stress sau những ngày làm việc ở thành phố, cũng vừa cảm nhận và thán phục với vong linh các bậc tiền bối.

Ở Côn Đảo bây giờ không chỉ người dân địa phương, mà cả nước đều tôn sùng hai người phụ nữ như những bậc thánh nữ linh thiêng: Bà Phi Yến và Cô Sáu. Chỉ thế thôi mà hòn đảo ấy đã trở thành vùng đất thiêng. 

Các tin khác