Dấu ấn “Gạo xanh- Sống lành” tại Festival Quốc tế Lúa gạo Việt Nam

(ĐTTCO)-Festival Quốc tế ngành hàng Lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023, từ ngày 11 đến 14-12, đã chính thức khép lại với nhiều ấn tượng đẹp. Rất nhiều vị khách nước ngoài đã bày tỏ sự ngưỡng mộ và cam kết đồng hành cùng nông dân trồng lúa vùng đất Chín Rồng.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng bà Carolyn Turk, Giám đốc WB tại Việt Nam trực tiếp hoàn thành mẻ lúa giống và đổ mẻ lúa đầu tiên vào máy gieo sạ theo mô hình canh tác lúa thông minh.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng bà Carolyn Turk, Giám đốc WB tại Việt Nam trực tiếp hoàn thành mẻ lúa giống và đổ mẻ lúa đầu tiên vào máy gieo sạ theo mô hình canh tác lúa thông minh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi thông điệp đến tại lễ khai mạc. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trực tiếp tham gia nhiều sự kiện trong chuỗi hoạt động của Festival đã nhận được sự đồng tình, chia sẻ của các vị khách quốc tế.

Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Có lẽ ấn tượng nhất là buổi lễ thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam là một trong những vị khách quốc tế đầu tiên đến buổi lễ. Bà cùng thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đã dành thời gian tham quan mô hình canh tác lúa thông minh.

Ngay tại lễ phát động, bà Carolyn Turk đã cam kết, WB sẽ đồng hành và hỗ trợ cho các tỉnh ĐBSCL, Bộ NN-PTNT trong quá trình triển khai thực hiện Đề án. Đồng thời, hỗ trợ các cơ chế để Việt Nam có thể tham gia thị trường cacbon tự nguyện để sử dụng nguồn tài chính bền vững tiếp tục đầu tư cho các hoạt động phát triển và hỗ trợ sinh kế cho người dân.

15-12-ba-carolyn-turk-bia-2141.jpg
Bà Carolyn Turk (bìa trái) trao đổi cùng Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam bên lề lễ phát động Đề án.

Thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi đến tại lễ khai mạc Festival khẳng định: “Việt Nam là nước đầu tiên xây dựng và phát triển 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp, góp phần nâng cao đời sống tinh thần nhân dân. Đây cũng là nhiệm vụ mang tính toàn dân, toàn cầu; thể hiện Việt Nam có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong chống biến đổi khí hậu khi xây dựng một nền nông nghiệp phát thải thấp”.

Thông điệp trên đã được nhiều đại biểu là khách nước ngoài đón nhận và cam kết đồng hành cùng Việt Nam.

Nâng tầm vị thế hạt gạo Việt Nam qua lời mời “Bạn ăn cơm chưa!”

Tại các hội thảo diễn ra trong khuôn khổ Festival quốc tế lúa gạo lần này, nhiều chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước ghi nhận hạt gạo Việt đã được nâng tầm trên thương trường quốc tế.

“Bạn ăn cơm chưa!” – đó là lời mời đầu của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trong phát biểu tại lễ khai mạc Festival. Câu hỏi bất ngờ đã khơi gợi sự chú ý, nhất là của những vị khách nước ngoài.

“Không chỉ là câu hỏi, không chỉ là lời mời, “Bạn ăn cơm chưa!”, đối với người Việt, luôn là lời chào hỏi đậm chất văn hoá gắn bó thiết thân. Tự bao giờ, cây lúa, hạt gạo, bữa cơm đã đi vào lời ăn, tiếng nói, hòa quyện vào đời sống văn hóa, tinh thần trên đất nước mang hình chữ S có nền văn minh lúa nước, như biểu tượng của sự quan tâm, chia sẻ, gắn kết gia đình, bạn bè gần xa” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ với các vị khách nước ngoài.

Rất hóm hỉnh và thân mật, bà Carolyn Turk đã nói bằng tiếng Việt “Cơm Việt Nam rất ngon” khi được hỏi “Bạn ăn cơm chưa”.

15-12-mo-hinh-canh-tac-lua-3506.jpg
Mô hình canh tác lúa thông minh tại Hậu Giang.

Chen vào tổng thể tại Festival lúa gạo lần này là các dấu ấn của Hậu Giang khi Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao quyết định xác lập kỷ lục Việt Nam đối với không gian triển lãm, sắp đặt con đường lúa gạo, dài nhất; mô hình bản đồ Việt Nam ghép từ các giống lúa đặc sản của các tỉnh, thành nhiều nhất cho lãnh đạo tỉnh Hậu Giang; kỷ lục các món bánh từ gạo, nếp nhiều nhất Việt Nam với 200 món bánh đa dạng về màu sắc, tên gọi đặc trưng của cả nước.

Cũng tại Festival quốc tế lúa gạo, Bộ NN-PTNT phối hợp với Liên minh châu Âu, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hiệp quốc (FAO) tổ chức lễ khởi động dự án hỗ trợ kỹ thuật “Chuyển đổi các hệ thống nông nghiệp sinh thái thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng giữa và ven biển ĐBSCL, Việt Nam” (gọi tắt là STAR-FARM). Mục tiêu của dự án là thúc đẩy chuyển đổi các hệ thống lương thực thông minh, bền vững, tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm suy thoái môi trường và các tác động bên ngoài khác ở ĐBSCL.

Cụ thể là hỗ trợ thực hiện chính sách, cũng như hỗ trợ phát triển và cải thiện các chuỗi giá trị nông nghiệp sinh thái, tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Dự án thực hiện tại 10 địa bàn thuộc 3 tỉnh ĐBSCL là Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh; kinh phí ước 4,15 triệu EUR (do EU tài trợ).

Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023 vừa khép lại, và vùng đất Chín Rồng bắt đầu mở ra thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Câu chuyện áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất lúa, giảm chi phí, giúp nông dân tăng lợi nhuận theo hướng thân thiện với môi trường dần quen thuộc với vựa lúa miền Tây.

Trong hành trình lúa gạo của đất Chín Rồng trong thời gian tới, những thuật ngữ “chia sẻ lợi ích, tín chỉ các- bon chất lượng cao, chi trả tín chỉ các-bon dựa trên kết quả giảm thiểu phát thải…” sẽ xuất hiện thường xuyên hơn. Đó gần như một thông điệp thành công của Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023 gửi gắm: “Gạo xanh- Sống lành”.

Các tin khác