Ngay lần đầu gặp tôi, anh Lê Viết Hải (ảnh), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình, hỏi: “Nhà báo đã đọc những bài viết trên các báo về tôi chưa”? Thoạt nghe tưởng anh có ý khoe những thành tích hoạt động của mình qua 24 năm lăn lộn thương trường. Nhưng không, anh hỏi để tôi có thể tìm ra một góc nhìn mới hơn về anh mà những người viết trước vô tình nhường lại.
Bài học từ những sai lầm
Những câu chuyện anh Lê Viết Hải kể không theo trình tự thời gian. Từng câu chuyện là những kinh nghiệm, những bài học thương trường mà học phí không hề rẻ chút nào. Anh nhớ lại:
- Năm 2007, khi Hòa Bình có một khoản vốn thặng dư từ việc phát hành cổ phiếu, lẽ ra tập trung cho mảng thi công, tôi và HĐQT quyết định dành số tiền khá lớn đầu tư vào bất động sản. Chỉ ít lâu sau đó thị trường bất động sản đóng băng trong khi công ty cần vốn.
Nhưng may mắn là Hòa Bình nhanh chóng bán được dự án lớn nhất của mình (tại quận 7, TPHCM) với khoản lỗ 800.000USD (mua 12,8 triệu USD nhưng bán ra chỉ được 12 triệu USD).
- Lỗ mà anh vẫn cho là may mắn sao?
- Vì khi đó là lỗ nhưng so với bây giờ vẫn có thể xem bán được giá. Thêm vào đó nếu không bán được kịp thời, hẳn bây giờ công ty đang gặp nhiều khó khăn hơn. Cũng trong năm ấy Hòa Bình tham gia góp 20% vốn vào Công ty Chứng khoán Sen Vàng.
Nhưng từ đó đến nay thị trường chứng khoán rơi vào tình cảnh ảm đạm, Công ty Chứng khoán Sen Vàng vẫn duy trì hoạt động nhưng hiệu quả mang lại khá thấp. Đó là 2 quyết định sai lầm của tôi trong suốt 24 năm gầy dựng Hòa Bình.
Đó cũng là bài học xương máu, do vậy tôi hiểu rất thấm thía rằng xã hội đã có sự phân công lao động, nếu làm phần việc không thuộc sở trường của mình, khả năng đánh giá rủi ro không tốt, sẽ rất khó thành công.
Những sai lầm, rủi ro trong kinh doanh là điều nhiều doanh nhân không muốn nhắc đến. Nhưng với Lê Viết Hải, anh lại muốn chia sẻ, vì sai lầm của mình có thể là bài học kinh nghiệm cho doanh nghiệp khác. Tất nhiên, anh đã đưa Hòa Bình phát triển mạnh vì đã có những quyết định đúng đắn, độc đáo.
Các năm 1996, 1997, Hòa Bình rất cần vốn đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ việc thi công các công trình lớn nhưng không dễ tiếp cận vốn ngân hàng.
Sau nhiều đêm trăn trở, anh Lê Viết Hải đã quyết định khá mạo hiểm: Mượn giấy tờ nhà của người thân và một số cộng sự trong công ty để thế chấp vay ngân hàng. Nhờ đó, anh vay được 500.000USD. Cầm được tiền trong tay, anh rất lo lắng vì nếu không thành công, lấy tiền đâu trả cho anh em, bạn bè.
Nhưng chính niềm tin cậy của mọi người đã tiếp thêm cho anh sức mạnh và ý chí: “Mình chỉ còn một con đường là phải thành công!”. Và rồi với sự đầu tư đúng hướng, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Hòa Bình, anh đã không làm mọi người thất vọng.
Năm 2000 Hòa Bình tiến hành cổ phần hóa, nhiều cộng sự trở thành cổ đông của công ty. Sức phát triển của Hòa Bình ngày càng lớn, năm 2006 đạt doanh thu 200 tỷ đồng, chỉ 5 năm sau doanh thu đã tăng gấp 10 lần.
Góp mặt trên thị trường quốc tế
Khi nhận những công trình lớn với vai trò nhà thầu chính hoặc liên kết với các nhà thầu nước ngoài, Hòa Bình lại gặp không ít khó khăn về vốn, nhất là trong thời điểm vốn cho vay bất động sản bị siết chặt.
Khó khăn không dễ tháo gỡ, vì giá cổ phiếu quá thấp nên kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu đã bị hoãn lại mấy năm nay. Anh và ban quản trị quyết định cho phát hành trái phiếu để giải quyết một phần nhu cầu vốn.
Nhân nói chuyện liên kết với nhà thầu ngoại, tôi lan man hỏi sang cuộc cạnh tranh giữa thầu nội - ngoại:
- Tại TPHCM, công trình của Kumho trong suốt thời gian thi công gần như không gây ra tiếng ồn và rất ít bụi bẩn. Hòa Bình có thực hiện được như nhà thầu ngoại không?
- Thực ra Hòa Bình cũng tham gia trong công trình đó với vai trò là nhà thầu phụ nên chúng tôi rất hiểu để làm được như vậy ngoài việc nhà thầu ngoại áp dụng các công nghệ hiện đại, trong phần thiết kế chủ đầu tư cũng phải sử dụng những vật liệu ít gây bụi bặm, tiếng ồn trong thi công.
Vào Việt Nam từ hơn 20 năm nay, các nhà thầu ngoại đã nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường do các nhà thầu trong nước còn mỏng về lực lượng và chưa biết xây dựng thương hiệu. Thế nên dù các nhà thầu ngoại đưa ra giá dự thầu cao hơn 15-20% nhưng các chủ đầu tư vẫn tin tưởng giao cho họ.
Song theo thời gian tình thế đang thay đổi. Vai trò của nhà thầu nội đang dần được khẳng định. Trên tòa nhà cao 71 tầng Keangnam ở Hà Nội, tòa nhà Vincom Center tại TPHCM, nhà ga hành khách Sân bay Quốc tế Cần Thơ… đều có gắn hình ảnh logo màu xanh của Hòa Bình.
Đó có thể xem như một ví dụ điển hình trong thành công của Hòa Bình nói riêng và các nhà thầu nội nói chung. Làm việc với các nhà thầu ngoại cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước học hỏi chuyên môn và vươn lên.
Trước đây, giá dự thầu thấp hơn 15-20% không làm các chủ đầu tư quan tâm, trong thời kinh tế đang khó khăn điều này là một lợi thế của nhà thầu nội. Với nhiều công trình, chủ đầu tư hiểu rằng nhà thầu nội hoàn toàn có thể đảm nhiệm.
Ban Biên tập Báo SGGP và các CBNV Công ty Hòa Bình trong lễ khởi công Tòa nhà |
Việc Hòa Bình liên kết với một đối tác tại Malaysia thi công dự án Sri Petaling tại Kuala Lumpua đang gây được nhiều sự chú ý trong giới xây dựng nước ta, bởi nó đánh dấu sự khởi đầu của thương hiệu Việt trên thị trường xây dựng dân dụng quốc tế.
Vì sao Hòa Bình chọn Malaysia là thị trường quốc tế đầu tiên để thâm nhập? Anh Lê Viết Hải phân tích: “Đây là một thị trường với nhiều tập đoàn bất động sản có nguồn lực tài chính mạnh. Những năm gần đây, trong khu vực, Malaysia chỉ đứng sau Singapore về tốc độ phát triển thị trường bất động sản. Việc tham gia thị trường này sẽ giúp Hòa Bình có thêm nguồn thu ngoại tệ trong thời gian tới".
Khi Hòa Bình tham gia thị trường xây dựng dân dụng quốc tế, cũng có người hoài nghi vì ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam vẫn còn quá non trẻ. Trong nước, Hòa Bình có lợi thế am hiểu thị trường, hiểu khách hàng, hiểu rõ nguồn lực và có ngôn ngữ chung…, song khi đem chuông đi đánh xứ người, không thể có những lợi thế ấy nữa. Thế nên ban đầu chúng tôi vướng phải sức ì tâm lý do tự ti về năng lực của mình. Để vượt qua chúng tôi đã nỗ lực hội đủ các điều kiện về năng lực, đồng thuận nội bộ và tranh thủ hỗ trợ của đối tác. Tôi xác định: Uy tín, năng lực chuyên môn, khả năng tài chính, phương án thi công và biện pháp triển khai dự án chính là những yếu tố then chốt giúp thắng thầu, chứ không phải cách “lót tay” hay dựa vào các mối quan hệ sẵn có. | |
Ông LÊ VIẾT HẢI, |
Không phải ngẫu nhiên mà đối tác tìm đến với Hòa Bình, họ đã có thời gian tìm hiểu khá kỹ càng. Từ xuất phát điểm là Văn phòng xây dựng Hòa Bình năm 1987, chỉ vài năm sau đó với uy tín của mình Hòa Bình đã bắt đầu có được những công trình lớn với vai trò nhà thầu chính.
Cho đến nay khó kể hết những công trình Hòa Bình đã thi công. Tại TPHCM, các khu biệt thự Mỹ Viên, Mỹ Thái, Mỹ Gia… đều do Hòa Bình thi công. Đô thị mới Phú Mỹ Hưng cũng có dấu ấn Hòa Bình với khu hồ bán nguyệt CR5-CR8. 2 tòa nhà E-Tower I và II, E-Tower tại quận 4 cũng được nhà đầu tư giao cho Hòa Bình làm nhà thầu chính…
Phía sau thương trường
Anh Lê Viết Hải được biết đến không phải chỉ với vai trò là một doanh nhân thành công trên thương trường, anh còn là một người sáng tác nhạc. Hình ảnh anh cầm cây đàn guitar là một ấn tượng đẹp với nhân viên Hòa Bình.
Những ca khúc của anh tuy chưa được tập hợp lại thành CD như một số doanh nhân yêu âm nhạc vẫn làm, song không vì thế mà bị lãng quên. Thậm chí bài hát “Xin đừng hờn ghen” của anh đã được nhiều bạn trẻ yêu thích.
Ca từ mượt mà, giai điệu sâu lắng khiến người nghe liên tưởng tác giả là người đàn ông lãng tử luôn thả hồn theo những nhịp điệu cuộc sống hơn là một doanh nhân giữa bộn bề lo toan trong việc xây dựng, thi công với sắt, thép, xi măng. Âm nhạc cho anh những giây phút thăng hoa.
Hòa Bình đã lập một quỹ học bổng mang tên Lê Mộng Đào - cha của anh Lê Viết Hải, cố chủ tịch danh dự, đã 16 năm làm hiệu trưởng một ngôi trường tại Huế. Chính ông đã truyền cho anh Lê Viết Hải tâm huyết luôn phải tiếp sức cho sự nghiệp giáo dục Việt Nam.
Năm 2007, để lập quỹ học bổng này, các thành viên Hòa Bình và gia đình thầy Lê Mộng Đào đã bán ra 300.000 cổ phiếu của công ty (theo thời giá 130.000 đồng/cổ phiếu) lập nguồn vốn 39 tỷ đồng, sử dụng lãi suất của nguồn tiền này khoảng 3 tỷ đồng/năm để trang trải cho các hoạt động trao học bổng, trang bị cho các trường, các trung tâm dạy nghề, trong đó ưu tiên cho các ngành nghề xây dựng, các ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế và các ngành công nghệ cao.
Anh Lê Viết Hải còn vận động đối tác cùng tham gia quỹ để thực hiện trách nhiệm với cộng đồng. Hòa Bình không quảng bá rầm rộ mà cứ âm thầm thực hiện quỹ học bổng của mình.
Anh tâm sự: “Đây cũng là một điều tôi học được từ cha mình. Trong các quyết định có liên quan đến người khác, đến xã hội phải hết sức cẩn trọng và thực sự chân thành”.