Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu Brent lùi 23 xu xuống 83.42 USD/thùng, trước đó hợp đồng này đã tiến lên mức đỉnh trong phiên là 84.23 USD/thùng và rớt xuống mức đáy 82.72 USD/thùng trong phiên. Vào ngày 11/10, dầu Brent đã chạm mức 84.60 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2018.
Hợp đồng dầu WTI cộng 12 xu lên 80.64 USD/thùng, sau khi trồi sụt trong khoảng 79.47 – 81.62 USD/thùng.
Các quan chức từ Bắc Kinh đến Delhi đã cố gắng thúc giục lấp đầy lỗ hổng cung cấp điện vào ngày thứ Ba, làm chao đảo thị trường trái phiếu và cổ phiếu toàn cầu do lo ngại rằng chi phí năng lượng leo thang sẽ dẫn đến lạm phát.
Giá điện đã tăng lên mức cao kỷ lục trong những tuần gần đây, chủ yếu do tình trạng thiếu hụt năng lượng ở châu Á và châu Âu, với cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc dự kiến sẽ kéo dài đến cuối năm, làm giảm tốc độ tăng trưởng ở nhà xuất khẩu hàng đầu và là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
“Mọi người đang bắt đầu nhận ra nguy cơ giá năng lượng cao hơn có thể kìm hãm tốc độ tăng trưởng”, Phil Flynn, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Price Futures Group, nhận định. “Nhu cầu năng lượng là điều tốt hay xấu?”.
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng liên tục và áp lực lạm phát đang hạn chế đà phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ triển vọng tăng trưởng của Mỹ và một số cường quốc công nghiệp khác.
Theo đó, trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2021 từ 6.0% trong dự báo đưa ra hồi tháng 7 xuống 5.9%. Cơ quan này vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm 2022 không đổi ở mức 4.9%.
Ngay cả khi nhu cầu tăng lên, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất đồng minh, được gọi chung là nhóm OPEC+, vẫn duy trì kế hoạch khôi phục sản lượng một cách từ từ thay vì nhanh chóng.
Giá dầu Brent đã vọt hơn 60% trong năm nay. Cùng với việc hạn chế nguồn cung của OPEC+, đà leo dốc đã được thúc đẩy bởi giá khí đốt cao kỷ lục ở châu Âu, điều này đã khuyến khích việc chuyển sang sử dụng dầu để sản xuất điện ở một số nơi.