Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu Brent tiến 1.26 USD (tương đương 1.5%) lên 83.65 USD/thùng. Mức đỉnh trong phiên là 84.60 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2018.
Hợp đồng dầu WTI cộng 1.17 USD (tương đương 1.5%) lên 80.52 USD/thùng, sau khi chạm mức cao nhất kể từ cuối năm 2014 ở mức 82.18 USD/thùng.
Tốc độ phục hồi kinh tế sau đại dịch đã làm tăng nhu cầu năng lượng vào thời điểm sản lượng dầu chững lại do cắt giảm từ các quốc gia sản xuất trong thời kỳ đại dịch, tập trung vào cổ tức của các công ty dầu mỏ và gây áp lực lên các Chính phủ đang chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn.
Một quan chức chính quyền Mỹ vào ngày thứ Hai cho biết Nhà Trắng tiếp tục kêu gọi các quốc gia sản xuất dầu “hành động nhiều hơn” và họ đang theo dõi chặt chẽ giá xăng dầu.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, được gọi chung là nhóm OPEC+, đã kìm hãm việc thúc đẩy nguồn cung ngay cả khi giá dầu dầu leo dốc. Trong tháng 7/2021, nhóm này đã đồng ý tăng sản lượng lên 400,000 thùng/ngày để bù đắp dần mức cắt giảm 5.8 triệu thùng/ngày từ thỏa thuận cắt giảm sản lượng năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát.
Giá năng lượng đã nhảy vọt lên các mức cao kỷ lục trong những tuần gần đây, chủ yếu do tình trạng thiếu hụt năng lượng trên diện rộng ở châu Á, châu Âu và Mỹ. Giá khí thiên nhiên tăng vọt khiến các nhà máy phát điện chuyển sang chạy bằng dầu.
Matt Smith, Chuyên gia phân tích hàng đầu về dầu mỏ tại Kpler, nhận định. “Mọi thứ tập trung rất nhiều vào việc thiếu hụt nguồn cung tại thời điểm nhu cầu dường như bùng nổ”.
Các nhà phân tích ước tính rằng việc chuyển đổi từ khí thiên nhiên sang dầu có thể thúc đẩy nhu cầu dầu thô tăng 250,000 – 750,000 thùng/ngày.
Tại Ấn Độ, một số bang đang bị mất điện vì thiếu than đá. Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các công ty khai thác quặng tăng cường sản xuất than khi giá điện tăng cao.