Việc CTCP Bóng đá chuyên nghiệp (VPF) đứng ra tổ chức Giải bóng đá vô địch quốc gia (Super League), giải hạng nhất quốc gia và Cúp quốc gia thay cho Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) được xem là sự thay đổi mang tính lịch sử của bóng đá nước ta. Người hâm mộ đang kỳ vọng những yếu kém trong điều hành của VFF sẽ được VPF giải quyết triệt để. Nhưng để Super League hấp dẫn, thu hút được khán giả và quan trọng nhất tạo ra lợi nhuận lại là bài toán không dễ tìm lời giải.
> Lời lỗ cũng làm, vì… thương hiệu?
CTCP bóng đá
Từ nhiều năm nay, nhiều doanh nghiệp lớn trong nước đã bỏ tiền mua lại hoặc thành lập các đội bóng đá. Các chủ doanh nghiệp - đồng thời cũng là ông bầu của các đội bóng - thực sự đam mê môn thể thao vua này cũng có, nhưng đa số coi việc đầu tư vào bóng đá như một mảng kinh doanh.
Trên thế giới, sự thành công của thể thao luôn song hành với yếu tố thương mại. Trong khi tại Việt Nam thường chỉ nghe đến chuyện các ông bầu bỏ tiền ra nuôi bóng đá, bóng chuyền theo kiểu mạnh thường quân, hoặc để thỏa mãn đam mê, mà ít nghe đến chuyện thu tiền về như thế nào. VPF ra đời là một xu hướng tất yếu trong việc nâng cao chất lượng của thể thao nhưng đồng thời cũng tạo ra lợi nhuận. Vấn đề đặt ra ở đây là những người lập ra VPF sẽ làm thế nào để chèo lái con thuyền này đi đúng hướng. Th.S ĐỖ THANH NĂM, |
Và nói đến kinh doanh phải tính đến lời, lỗ. Vì thế, sau những mùa thất bát của Giải bóng đá vô địch quốc gia (V-League), cả về chuyên môn lẫn tài chính, cùng sự điều hành ngày càng yếu kém của VFF, một số ông bầu - chủ những doanh nghiệp lớn - đã cùng nhau đứng ra thành lập giải đấu mới mang tên “Super Liga”.
Tiếp theo, một bản đề án thành lập CTCP Bóng đá chuyên nghiệp (VPF) do bầu Kiên - ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Ngân hàng Á Châu (ACB), Chủ tịch Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội ACB - chắp bút đã được công bố và nhận được đa số ủng hộ, kể cả VFF cũng chấp thuận.
Ngày 14-12-2011, Đại hội cổ đông lần thứ nhất của VPF đã diễn ra để kiện toàn bộ máy nhân sự và đưa ra các phương hướng hoạt động trong thời gian tới. Kể từ đây, VPF sẽ đứng ra tổ chức, điều hành Super League, Hạng nhất quốc gia và Cúp Quốc gia thay cho VFF.
Ngay sau đó, VPF và Eximbank đã tiến hành ký kết lại hợp đồng tài trợ. Con số cụ thể không được công bố, tuy nhiên, phía Eximbank khẳng định chắc chắn sẽ cao hơn 30 tỷ đồng đơn vị này đã tài trợ cho mùa giải 2011.
Đặc biệt, mùa giải năm nay giải bóng đá số một Việt Nam sẽ đổi tên thành Giải bóng đá Ngoại hạng Eximbank 2012 (Super League Eximbank 2012). Điều cần lưu ý là một trong những ông bầu của các đội bóng tham gia giải 2012 đang là cổ đông lớn của Eximbank.
Vì thế, dù VPF tuyên bố một trong những mục tiêu hàng đầu là tăng chất lượng giải đấu, phương châm là lấy kinh doanh bóng đá nuôi bóng đá…, nhiều người vẫn cho rằng các ông chủ doanh nghiệp thành lập CTCP VPF là chấp nhận đầu tư mạo hiểm.
Bài toán lợi nhuận
![]() |
VPF đang phải đối diện với thực trạng các khán đài trống vắng |
Nếu hạch toán độc lập, chắc chắn một CLB không có con số dương về lợi nhuận. Nói cách khác, đã làm bóng đá thì chỉ bỏ tiền ra còn số thu không đáng kể.
Tiêu biểu như trường hợp của đội Sông Lam Nghệ An khi mùa bóng 2011, họ thu chưa đến 200 triệu đồng tiền bán bảng quảng cáo trên sân.
Họ không có thương hiệu gắn trên tên gọi và áo thi đấu. Trong khi đó, số chi hoạt động của họ tối thiểu 20 tỷ đồng/năm cho các khoản lương, thưởng và di chuyển thi đấu. Nếu tính thêm chi phí chuyển nhượng cũng như tổ chức phải thêm 5-7 tỷ đồng nữa.
Vậy mà bầu Đức của Hoàng Anh Gia Lai cách đây 5 năm vẫn tuyên bố: “Có lãi, thậm chí là lãi to đến mức không xác định nổi”.
Theo ông Đức, trong 2 năm 2003 và 2004, doanh số của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tăng 200%, trong khi mức đầu tư cho đội bóng chỉ chiếm 1%.
Còn bầu Thắng của Đồng Tâm Long An cho biết từ khi đầu tư cho đội bóng, trừ chi phí rót thẳng xuống CLB, vẫn tiết kiệm được vài chục tỷ đồng tiền quảng cáo so với trước. Tạm hiểu, số tiền tiết kiệm được chính là lãi ròng hàng năm và mức lãi này có thể còn tăng nếu đội bóng ngày càng chơi tốt hơn.
Đó là tính lợi nhuận khi đầu tư vào từng đội bóng thời gian qua. Còn với VPF thì sao? CTCP này có vốn điều lệ ban đầu 30 tỷ đồng, trong đó VFF góp hơn 10,5 tỷ đồng để nắm giữ khoảng 35,6% cổ phần, 14 CLB dự Super League đóng hơn 1,1 tỷ đồng và mỗi CLB ở hạng Nhất đóng 300 triệu đồng.
Theo dự thảo lần 4 về tổng hợp kinh phí VPF năm 2012, tổng thu của công ty sẽ vào khoảng 39,7 tỷ đồng, bao gồm tiền tài trợ và tiền bản quyền truyền hình; tổng chi sẽ vào khoảng 37,3 tỷ đồng, bao gồm chi phí tổ chức các giải và chi phí quản lý cho VPF.
Theo dự thảo này VPF sẽ có lãi ngay từ năm đầu tiên. Sở dĩ VPF mạnh miệng như vậy vì giữ vai trò quan trọng thành lập CTCP này đều là những “đại gia” trong các ngành nghề ngân hàng (bầu Kiên), cao su, bất động sản (bầu Đức), vật liệu xây dựng (bầu Thắng)…
Đây là lợi thế rất lớn của VPF trong việc tìm kiếm nguồn tài trợ cũng như đảm bảo kinh phí.
Mới ra đời đã trục trặc?
Ngoài tài trợ, tiền bản quyền truyền hình cũng là một nguồn thu quan trọng trong bóng đá. Nắm rõ mảng kinh doanh này, ngoài việc đàm phán với Eximbank về hợp đồng tài trợ cho Super League, VPF đã làm việc với kênh truyền hình AVG về vấn đề bản quyền.
Trước đó, khi còn tổ chức các giải bóng đá, VFF đã bán bản quyền truyền hình cho AVG với thời hạn 20 năm. Nay VPF lại bày tỏ ý định muốn giảm thời hạn xuống còn 3 năm theo thông lệ quốc tế. Cho đến giờ vấn đề bản quyền truyền hình giữa VPF và AVG vẫn rối như canh hẹ.
Theo tôi trong khoảng 2 năm đầu tiên VPF rất khó có lãi, lý do đơn giản bóng đá Việt Nam, nhất là ở cấp CLB hiện nay có rất ít khán giả. Tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM số người đến sân xem bóng đá giờ chỉ còn bằng 1/5 thậm chí 1/10 so với cách đây 15-20 năm và số người ngồi ở nhà xem truyền hình cũng ít. Nguồn thu của CLB dù có từ truyền hình, bán áo đấu, hay bán vé vào sân thì cũng đều phải hướng đến khán giả. Thiếu khán giả không thể có lãi. TS. NGUYỄN VĂN THUẬN, |
Với VPF, khi chưa giải quyết xong thì tiền bản quyền truyền hình sẽ chưa thể về tài khoản để trang trải các giải đấu. Và chưa xong bản quyền truyền hình, VPF cũng không thể toàn tâm toàn ý để theo đuổi những mục tiêu khác như nâng tầm chuyên nghiệp hóa hay tìm kiếm những nguồn thu cho các CLB.
Với AVG, là một đơn vị kinh doanh, họ sẽ phải chọn một giải pháp có lợi cho mình nhất mà vẫn tuân theo pháp luật và vụ việc càng kéo dài, tình hình kinh doanh của nhà đài này ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng.
Một vấn đề nữa nằm ở cơ cấu tổ chức của VPF. Theo đó, cổ đông của VPF chỉ gồm 28 CLB và như vậy chưa đủ 100 cổ đông để trở thành công ty đại chúng. Tức VPF sẽ không phải chịu những ràng buộc về công bố thông tin giống như các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán.
Tại điều lệ của từng CTCP đều có quy định những vấn đề nào là tối quan trọng, phải đem ra ĐHCĐ biểu quyết. Trong trường hợp của VPF, vì điều lệ không được công bố rộng rãi nên nhiều người đang tỏ ra lo ngại về xung đột lợi ích giữa 2 nhóm cổ đông là VFF và các CLB còn lại.
Hiện tại, VFF đang là cơ quan cao nhất quản lý các hoạt động bóng đá tại Việt Nam, Tổng giám đốc của VPF (ông Phạm Ngọc Viễn) cũng là Phó Chủ tịch VFF. Với tỷ lệ 35,6% cổ phần, VFF là cổ đông lớn có quyền phủ quyết vì theo điều lệ của nhiều công ty, các vấn đề quan trọng muốn thông qua đều phải nhận được biểu quyết của 65% cổ phần.
Giả sử VPF tổ chức các giải đấu hiệu quả, đem về nhiều tiền bạc, củng cố uy tín, liệu VFF là một cổ đông lớn, quyền lợi lớn có sẵn sàng rút khỏi hay không?
Ở đây, có thể hiểu được một sự ngầm nhượng bộ giữa phe các ông bầu mang tính “cách mạng” với VFF. Bởi lẽ để “ly khai” hẳn khỏi VFF là chuyện không dễ thực hiện trong một sớm một chiều.
Qua đây, có thể thấy VFF đang đóng 3 vai: đầu tư, quản lý và giám sát. Tuy nhiên, phe các ông bầu “cách mạng” cũng không chịu kém cạnh khi nắm các vị trí chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng quản trị và trưởng ban kiểm soát của VPF.
Đây là những doanh nhân có cơ ngơi tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng và quản lý hàng nghìn nhân viên. Họ sẽ dung hòa thế nào giữa công việc kinh doanh chính và đứa con VPF của mình?