Đầu tư đại học tư thục: Bạo phát, bạo tàn

Sau khi bỏ ra hàng chục, hàng trăm tỷ đồng đầu tư mở các trường đại học ngoài công lập, không ít nhà đầu tư như đang ngồi trên lửa trước nguy cơ tan rã trường lớp do không tuyển được sinh viên. Nghịch lý này đang làm nản lỏng những người có tâm huyết với giáo dục - đào tạo nước nhà.

Sau khi bỏ ra hàng chục, hàng trăm tỷ đồng đầu tư mở các trường đại học ngoài công lập, không ít nhà đầu tư như đang ngồi trên lửa trước nguy cơ tan rã trường lớp do không tuyển được sinh viên. Nghịch lý này đang làm nản lỏng những người có tâm huyết với giáo dục - đào tạo nước nhà.

Bùng nổ khuyến mại

Vài năm trở lại đây, cuộc đua tặng học bổng, giảm học phí cho thí sinh vào học đang trở nên hết sức khốc liệt giữa các trường đại học ngoài công lập. Tất cả vì mục tiêu có càng nhiều thí sinh theo học càng tốt. Song thực tế những “miếng bánh ngon” ấy vẫn chưa đủ lực hút.

Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng không tuyển đủ chỉ tiêu. Thứ nhất, một số ngành học khó khăn về đầu ra. Thứ hai, một số trường, nhà đầu tư không thực hiện nghiêm túc điều kiện đảm bảo chất lượng, thiếu cơ sở trường lớp, thiếu đội ngũ thầy cô giáo nên không thu hút được học sinh. Thứ ba, ngành nghề các trường giống nhau, dẫn tới tình trạng quá nhiều trường cùng đào tạo một chuyên ngành, đã phân tán lực lượng, nhu cầu của học sinh.

Ông PHẠM VŨ LUẬN,
Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo

Thử nhìn qua thông báo các sinh viên trúng tuyển đều được cấp học bổng toàn phần “Vì tương lai” trị giá 3.000USD để theo học năm thứ nhất tại Trường Đại học Tân Tạo, Long An sẽ thấy thật hấp dẫn. Song khi mùa tuyển sinh kết thúc, trường cũng chỉ tuyển được khoảng 30 thí sinh trong chỉ tiêu là 500. Và từ 10 ngành học, nhà trường đã phải gom lại còn 2 ngành.

Hoặc Trường Đại học Hà Hoa Tiên cũng có những thông tin quà tặng hấp dẫn: thí sinh là thủ khoa được thưởng máy tính xách tay, á khoa được thưởng máy tính để bàn. Thí sinh trúng tuyển được miễn 1 tháng học phí của học kỳ đầu, được xét cấp học bổng theo học kỳ... Tuy nhiên, đến nay số thí sinh nhập học vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tại TPHCM, nhiều mức khuyến mại gây “sốc” đã được không ít trường đại học tung ra như học bổng toàn phần trị giá 360 triệu đồng của Đại học Kinh tế tài chính TPHCM.

Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn cấp 100 suất học bổng toàn phần (4 năm), trong đó 80 suất học bổng dành cho chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt, mỗi suất trị giá 168,3-193,5 triệu đồng. 20 suất học bổng dành cho chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, mỗi suất trị giá 437,5-479,6 triệu đồng.

Thế nhưng, kết thúc mùa tuyển sinh hầu hết trường ngoài công lập đều không tuyển đủ thí sinh như chỉ tiêu. Thậm chí, nhiều trường phải đóng cửa bớt ngành học. Vì đâu nông nỗi?

Trước hết, phải nhìn nhận một thực tế, sự ra đời của các trường đại học ngoài công lập đã góp phần giảm tải các trường công lập khi nhu cầu học tập trong xã hội không ngừng tăng lên.

Song, sự ra đời đến mức chóng mặt của các trường lại khiến xã hội thêm lo lắng về chất lượng đào tạo. Giai đoạn 2006-2011, cả nước thành lập mới 33 trường đại học và nâng cấp từ cao đẳng lên đại học 51 trường. Trong 84 trường đại học này có 59 trường công lập và 25 trường tư thục.

Theo đó, cả nước hiện nay có 202 trường đại học, 218 trường cao đẳng. Đó là chưa kể quy mô ngành nghề đào tạo của các trường ngày một mở rộng và có phần giống nhau về ngành đào tạo. Thành lập trường đại học trở thành một xu thế, thu hút khá nhiều nhà đầu tư.

Nhưng dù nguyên nhân gì, việc không thu hút đủ thí sinh, phải đóng cửa nhiều ngành học đang khiến nhiều trường lâm cảnh lao đao. Câu chuyện lợi nhuận hay phi lợi nhuận trong giáo dục lại được hâm nóng.

Kiểu nào cũng khó

Hiệu trưởng một trường ngoài công lập tại TPHCM chia sẻ, khá nhiều trường đại học ngoài công lập hiện nay đang chạy theo lợi nhuận vì không được hưởng các ưu đãi như trường công. Ông cho biết để đầu tư mở một trường đại học các nhà đầu tư phải bỏ rất nhiều tiền. Họ chấp nhận chôn vốn vào các trường ngoài công lập trong những khoảng thời gian dài 5 năm, 10 năm thậm chí lâu hơn nữa.

Tuy nhiên, họ lại chưa phải là các tỷ phú để nghĩ đến việc đầu tư phi lợi nhuận cho giáo dục như một số nước trên thế giới. Chính vì thế, đầu tư không thu lợi không ai làm. Nhưng nói đầu tư giáo dục để thu lợi nhuận lại mâu thuẫn với mục tiêu làm giáo dục không phải vì kiếm tiền. Cái vòng luẩn quẩn này đang khiến nhiều nhà đầu tư nản lòng.

Trường Đại học quốc tế RMIT, một trong số ít mô hình đại học tư thục thành công.

Trường Đại học quốc tế RMIT, một trong số ít mô hình
đại học tư thục thành công. 

Hiện nay nhiều ý kiến cho rằng đầu tư giáo dục đừng tính lợi nhuận, giáo dục không phải là chỗ kiếm lời. Muốn kiếm lời đầu tư nhiều lĩnh vực khác vẫn hơn. Nếu áp dụng cho tình cảnh của nhiều trường đại học đói sinh viên như hiện nay, quan điểm này được coi chuẩn xác.

Nhưng nếu muốn xã hội hóa giáo dục, nói như vậy e quá cứng nhắc. Chính vì thế, nhiều ý kiến từ các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập góp ý cho Dự thảo Luật Giáo dục đại học lần 5 đều cho rằng cần khuyến khích các cơ sở giáo dục không vì lợi nhuận.

Muốn vậy, Nhà nước cần làm rõ những vấn đề về sở hữu, tính chất lợi nhuận và phi lợi nhuận; trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học; xây dựng và ban hành quy chế cũng như các chính sách ưu đãi cụ thể đối với các cơ sở giáo dục đại học không vì lợi nhuận; có thể chấp nhận mô hình trường đại học tư thục theo kiểu cho phép nhà đầu tư được nhận tiền lãi với tỷ lệ hợp lý.

Đầu tư vào giáo dục đại học liệu có còn hấp dẫn vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Bởi dù hiện đang có nhiều khó khăn nhưng nhu cầu được học tập của xã hội vẫn rất lớn, đặc biệt bằng đại học vẫn được coi là tấm “giấy thông hành” của nhiều bạn trẻ khi vào đời. Vì thế, muốn tham gia “cuộc chơi” này, tự các nhà đầu tư phải trang bị cho mình những “vũ khí” cần thiết để không sớm bị loại khỏi “đường đua”.

Cuộc tháo chạy của Giám đốc Công ty TNHH Melior Việt Nam cùng số tiền học phí rất lớn của học viên vừa qua thực sự là tiếng chuông cảnh tỉnh cho việc quản lý kinh doanh giáo dục, đặc biệt là giáo dục có yếu tố nước ngoài đang nở rộ tại Việt Nam.

Coi chừng mác “quốc tế”

Trong cuộc bùng nổ các trường đại học ngoài công lập, không thể không kể đến sự đổ bộ của các trường đại học quốc tế, đại học liên doanh, liên kết vào Việt Nam.

Bên cạnh những cái tên quen thuộc như RMIT Việt Nam, Đại học Anh quốc Việt Nam, Đại học Quốc tế Sài Gòn… mới đây CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico), chủ đầu tư dự án khu đô thị sinh thái Ecopark và British University Vietnam (Đại học Anh quốc Việt Nam - BUV) đã hợp tác triển khai xây dựng Trường Đại học Anh quốc tại Ecopark với suất đầu tư lên tới 40 triệu USD.

Hiện nay nhiều trường đại học tư chưa phân biệt được mình đang nằm ở đâu. Thí dụ, về tài chính, tuy là một trường phi lợi nhuận, vẫn phải quản lý như một doanh nghiệp. Phải cân nhắc từng khoản thu, khoản chi, bảo đảm ít nhất cân bằng thu chi trong từng thời kỳ, nếu chưa có tích lũy cũng phải có dự phòng. Trường tư thục mà lỗ vốn chỉ có việc phá sản, chẳng ai cứu được mình.

GS. TRẦN PHƯƠNG,
HIỆU trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công  nghệ Hà Nội

Trường sẽ chính thức đi vào hoạt động trong năm 2014. Sự có mặt của các trường này giúp học sinh Việt Nam có cơ hội tiếp cận với nền giáo dục đẳng cấp quốc tế với chi phí rẻ hơn.  Nhưng bên cạnh những trường quốc tế thực thụ, những nhà đầu tư có tâm huyết, vẫn có những nhà đầu tư “rởm” với mác quốc tế để đánh lừa sự nhẹ dạ, cả tin của người học cũng như phụ huynh.

Sau vụ trường Melior, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội TPHCM tiếp tục ra quyết định rút giấy phép cơ sở Đào tạo giáo dục SIBME (Công ty TNHH Đào tạo công nghệ thông tin và quản trị kinh doanh), ERC (Công ty TNHH Nghiên cứu và giáo dục Việt Nam), với lý do các đơn vị này đã lợi dụng hoạt động dạy nghề, dùng nội dung đăng ký trong giấy phép dạy nghề để quảng cáo, tuyển sinh và đào tạo trái phép trình độ cao đẳng, đại học và cao học ngành quản trị kinh doanh, tài chính kế toán, du lịch khách sạn, công nghệ thông tin...

Những vụ việc trên đang dấy lên một hồi chuông cảnh tỉnh các nhà quản lý cũng như những người học. Các cơ quan chức năng của Việt Nam cần cẩn trọng hơn trong việc cấp phép cũng như kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh giáo dục có yếu tố nước ngoài để phòng khi doanh nghiệp phá sản hoặc bỏ trốn như trường hợp trường Melior.

Có như vậy, chúng ta mới mong dẹp được sự bát nháo trong đầu tư giáo dục đại học, hướng đến một nền giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế.

Câu chuyện đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, còn rất nhiều điều phải bàn luận, tranh cãi để tìm ra một hướng đi phù hợp, thu hút được sự gắn bó lâu dài của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Muốn làm được điều này, trước hết phải tìm ra lối đi cho các trường trước nguy cơ tan rã vì không thể tuyển đủ chỉ tiêu.

Điều này cho thấy phải có sự sàng lọc cần thiết từ phía cơ quan chức năng để trường tồn tại cho ra trường, trường không đủ năng lực phải rút giấy phép để đảm bảo chất lượng giáo dục.

Các tin khác