Trước khi thay đổi phương thức tuyển sinh như hiện nay, nhiều trường đại học - cao đẳng (ĐH-CĐ) đã kiến nghị được tự tuyển sinh để hạn chế tình trạng thiếu chỉ tiêu. Nhưng đến năm 2015, khi thực hiện đề án tuyển sinh riêng của mình, nhiều trường vẫn chật vật và kết quả đạt được không khả quan. Liệu có phải do thiếu nguồn tuyển, hay do quá nhiều trường ĐH, hoặc do nhận thức của xã hội về tấm bằng ĐH đã thay đổi?
Lạm phát trường ĐH-CĐ
Đến thời điểm này, khi các trường ĐH-CĐ đã vào năm học mới hơn tháng, một loạt trường vẫn đang chật vật tuyển sinh như các trường ĐH Hoa Lư-Ninh Bình; Công nghệ Đông Á-Bắc Ninh; Dân lập Phương Đông-Hà Nội; Sao Đỏ-Hải Dương; Kinh doanh và công nghệ Hà Nội…
Một cán bộ Trường ĐH Sao Đỏ cho biết trường mới tuyển được khoảng 1.000 thí sinh so với chỉ tiêu là 3.800. Với tình hình tuyển sinh chỉ đạt trên dưới 50% chỉ tiêu như thế này, xem ra một số trường ĐH-CĐ ngoài công lập sẽ có nguy cơ đóng cửa ngành, thậm chí đóng cửa trường nếu như không có đủ tiềm lực để duy trì. Khi tuyển sinh không được, bắt buộc nhiều trường phải cắt giảm chi tiêu (gồm các khoản như đầu tư, giảng viên cơ hữu…) do kinh phí chủ yếu từ nguồn học phí.
Thực tế, một số trường ĐH-CĐ đã phải đóng cửa ngành học khi không đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Đáng chú ý, mọi năm chỉ các trường ngoài công lập “kêu”, năm nay nhiều trường công lập cũng rất chật vật tuyển sinh. Điều này cho thấy việc tuyển sinh ĐH đã không còn dễ dàng đối với các trường ngoài công lập, địa phương hoặc các trường ĐH tốp dưới.
Hiện nay có tình trạng sinh viên tốt nghiệp thường phải đào tạo bổ sung mới được tuyển dụng. Điều này cho thấy chất lượng đào tạo ĐH của chúng ta có vấn đề. Đáng tiếc hơn, với tình trạng phổ cập ĐH những năm qua, chủ trương tập trung đầu tư xây dựng một số trường, khoa chuyên ngành mũi nhọn, chất lượng cao dường như vẫn chưa trở thành hiện thực. GS. ĐỖ THẾ TÙNG, |
Sở dĩ nhiều trường khó tuyển sinh do số lượng trường ĐH-CĐ vẫn tiếp tục tăng, khiến giáo dục hệ ĐH-CĐ ở nước ta đang lạm phát về quy mô tuyển sinh cũng như số lượng trường. Hiện cả nước có trên 400 trường ĐH-CĐ, bình quân mỗi tỉnh/thành có gần 7 trường.
Đó là chưa kể hầu hết trường công lập đều có chương trình ngoài chính quy, liên kết quốc tế thu hút không ít thí sinh. Nếu tính trung bình mỗi trường ĐH-CĐ có 1 chương trình ngoài chính quy, liên kết quốc tế, chỉ với 200 chỉ tiêu đã ngốn hơn một nửa số lượng thí sinh đủ điểm sàn vào ĐH-CĐ hàng năm.
Nhà giáo Bùi Điệp, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh Thái Nguyên, đã phải thốt lên: “Chưa bao giờ trong lịch sử của nước ta lại có nhiều trường ĐH như lúc này. Nếu chúng ta để giáo dục ĐH phát triển ồ ạt như hiện nay sẽ càng làm xấu thêm thực trạng sinh viên tốt nghiệp ĐH ra trường không có việc làm, thất nghiệp tràn lan, lãng phí khủng khiếp”.
Nhãn tiền thấy rõ ngay là chỗ học liên tục tăng trong khi số người theo học giảm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong vòng 10 năm, từ năm 2003 có 214 trường đến năm 2013 số lượng trường đã là 427 (tăng thêm 213 trường). Đến đầu năm 2014, tiếp tục có thêm 14 trường được thành lập.
Trong khi đó, số thí sinh đăng ký dự thi ĐH- CĐ hàng năm giảm: năm 2011-2015 từ gần 1,7 triệu thí sinh dự thi xuống còn 1 triệu. Thực tế này dẫn tới nghịch lý: dân số ngày càng tăng, trong khi số lượng học sinh đăng ký thi ĐH-CĐ lại giảm.
Quy hoạch bất hợp lý
Về nguyên tắc, cung vượt quá cầu sẽ xảy ra tình trạng khó tuyển sinh, hệ quả là sự phân hóa và đào thải, chọn lọc. Nếu là trường ĐH thật sự có tiếng tăm, thí sinh khá, giỏi đổ xô đến đăng ký xét tuyển, dẫn đến điểm chuẩn vào trường vẫn tăng cao từng năm như nhóm các trường công an, y dược, quân đội, bách khoa, ngoại thương…
Ngược lại, những trường ĐH địa phương thuộc diện tốp dưới, các trường ngoài công lập lại mỏi mắt đợi thí sinh. Bởi ngay cả những thí sinh đủ điểm sàn vào ĐH cũng không mặn mà với các trường này vì sợ vòng luẩn quẩn: trường không tiếng tăm, học ra khó xin việc.
Mới đây nhất, ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, thuộc Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), đã bật mí toàn cảnh số liệu tuyển sinh ĐH từ năm 2001 đến năm 2014. Theo đó, nếu năm 2001 cả nước có khoảng 1,2 triệu thí sinh dự thi ĐH, chỉ tiêu 110.000 thí sinh, như vậy hệ số K (số thí sinh thi đại học/số chỉ tiêu) là 10,87.
Tức cứ 10 em thi chỉ 1 em được vào học ĐH. Nhưng hệ số K này đã giảm dần cho đến năm 2014 chỉ còn 2,14. Nghĩa là năm 2014 cứ 2 người thi ĐH-CĐ có 1 người thi đậu. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường rất nhiều, đã khiến nhiều người lo chất lượng ĐH-CĐ sẽ ra sao khi các trường vét cạn nguồn tuyển.
Để phù hợp giữa giáo dục-đào tạo với hiệu quả sử dụng của xã hội phải có tỷ lệ 1-4-10 (1 ĐH, 4 CĐ nghề, 10 công nhân kỹ thuật được đào tạo). Nhưng ở nước ta, năm học 2013-2014 tỷ lệ đó là 1-0,4-0,35. Điều này cho thấy hiện nay cơ cấu đào tạo rất bất hợp lý: thừa thầy thiếu thợ. GS. PHẠM MINH HẠC, |
Trong cuộc chiến giành giật thí sinh này, thuận lợi nghiêng về phía các trường công lập với lợi thế học phí, tâm lý chuộng trường công hơn. Chỉ một số ít ĐH tư có tiếng tăm vẫn hấp dẫn thí sinh như FPT, Hoa Sen, Thăng Long... trong khi có quá nhiều trường ĐH-CĐ tư đang gặp khó.
Đó cũng là điều bất hợp lý khi chúng ta chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Việc khó tuyển sinh còn do sự bất hợp lý của quy hoạch mạng lưới các trường ĐH-CĐ.
GS. Trần Hữu Nghị, Trường ĐH dân lập Hải Phòng, cho rằng trong cùng một tỉnh, hoặc cùng một khu vực có quá nhiều trường đại học làm sao các trường tuyển được người học. Chẳng hạn, tỉnh Đồng Nai rất gần TPHCM nhưng cũng có tới 5 trường ĐH, 3 trường CĐ. Vì vậy, việc các trường ĐH-CĐ tại đây không tuyển đủ chỉ tiêu là điều có thể thấy từ trước.
Về tình trạng nhiều trường ĐH vẫn hoạt động làng nhàng, khi góp ý cho Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, hầu hết ý kiến các địa phương đã đề nghị bỏ nội dung “thí điểm chuyển đổi mô hình trường công lập sang cơ sở giáo dục cho cộng đồng, doanh nghiệp quản lý và đầu tư phát triển”.
Ông Phạm Huy Nghị, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh Nam Định, cho rằng nếu thực hiện thương mại hóa giáo dục, hậu quả sẽ khôn lường. Có thể dẫn đến việc ồ ạt mở các trường ĐH-CĐ, dạy nghề, trường tư thục các cấp; thuê thầy không ra thầy, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học không bảo đảm; người quản lý giáo dục như chủ tịch HĐQT, hiệu trưởng một số trường tư thục không có trình độ quản lý giáo dục…
Nâng chất hạ tầng công nghệ
Trong 10 năm (2001-2010), số cơ sở giáo dục tăng ở tất cả các cấp học để phục vụ nhu cầu học tập của người dân, nhưng tăng nhanh nhất là ở giáo dục ĐH. Việc mở rộng nhanh mạng lưới các trường ĐH-CĐ trong giai đoạn này nhằm thực hiện mục tiêu đạt tỷ lệ 200 sinh viên/1 vạn dân vào năm 2010 và 450 sinh viên/1 vạn dân vào năm 2020.
Tuy nhiên, sau đó nhận thấy mục tiêu này gây tăng nhanh quy mô nhưng chất lượng đào tạo không đảm bảo, năm 2013 Bộ GD-ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định điều chỉnh lại quy hoạch mạng lưới các trường ĐH-CĐ. Vì vậy, từ năm 2013-2020, mạng lưới hầu như ổn định.
Thực ra chúng ta hạn chế tối đa việc thành lập mới các trường ĐH-CĐ kể từ tháng 3-2014, Bộ GD-ĐT đã gửi công văn đến các tỉnh, thành phố, bộ, ngành về việc dừng tiếp nhận hồ sơ nâng cấp, thành lập mới các trường ĐH-CĐ để rà soát lại hệ thống. Đây là việc làm cần thiết để chấn chỉnh lại thực trạng trường nhiều nhưng người theo học ít.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bên cạnh việc quy hoạch lại hệ thống đào tạo ĐH-CĐ hợp lý với điều kiện, hoàn cảnh đất nước hiện nay, một giải pháp không thể thiếu là nâng cao chất lượng dạy và học tại các trường. Nếu chất lượng dạy và học được bảo đảm, cơ hội việc làm lớn, dù là một trường ĐH ở địa phương vẫn hấp dẫn thí sinh tìm đến học.
Xin nêu thí dụ của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên. Ông Nguyễn Đức Giang, Phó Hiệu trưởng, cho biết trường ĐH ở địa phương, tuổi đời còn non trẻ (mới được nâng cấp lên ĐH 12 năm), nhưng có sức hấp dẫn đặc biệt với thí sinh trong vùng. Tổng số sinh viên tại thời điểm năm học 2014-2015 là 11.912. Riêng số lượng sinh viên tuyển mới năm 2015 là 2.400 em, vượt chỉ tiêu cho phép.
Đầu ra vẫn là nỗi lo lắng cho các sinh viên khi ra trường. |
Ông Giang cho biết, để tạo được sự hấp dẫn đó, ngay từ khi mới thành lập, đi vào hoạt động, trường đã tập trung đầu tư phát triển cả về cơ sở vật chất và trang thiết bị (nhiều thiết bị hiện đại nhập từ Áo, Đức, Italia) để đáp ứng tốt nhất điều kiện giảng dạy, học tập, nghiên cứu của giảng viên và người học.
Tổng kinh phí mua sắm thiết bị trong giai đoạn này khoảng 50 tỷ đồng, trung bình mỗi năm khoảng 10 tỷ đồng trang bị cho các ngành công nghệ thông tin, cơ khí, điện-điện tử, kỹ thuật may và thời trang... theo hướng hiện đại và đồng bộ; tập trung cho các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo của giảng viên và sinh viên.
Ngoài ra, hàng năm nhà trường đã đầu tư hàng tỷ đồng mua sắm nguyên nhiên vật liệu phục vụ tốt cho thực hành, thực tập của sinh viên. Đáng chú ý, chất lượng và trình độ đội ngũ cán bộ, giảng viên đạt chuẩn và trên chuẩn có thể sánh ngang với các trường tại Hà Nội và TPHCM (trên 20% giảng viên là tiến sĩ).