“Đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) của doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã đến thời hái quả” là nhận định của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT). Theo đó, tính lũy kế đến năm 2012, các dự án ĐTRNN đã mang về 430 triệu USD tiền lãi, tập trung các lĩnh vực dầu khí, viễn thông, cao su. Tuy nhiên, ĐTRNN cũng đồng nghĩa với mang ngoại tệ ra khỏi đất nước. Do vậy, vẫn cần những tính toán thận trọng để mang lại hiệu quả cao nhất trong hoạt động này.
Tín hiệu lạc quan
Theo số liệu tổng hợp của Cục Đầu tư nước ngoài, tính lũy kế đến 20-12-2012 đã có 712 dự án Việt Nam ĐTRNN còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 12,4 tỷ USD tại 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng năm 2012, có 75 dự án đầu tư mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 1,3 tỷ USD tại 28 quốc gia và vùng lãnh thổ.
ĐTRNN dựa trên lý thuyết lợi nhuận cận biên. Có nghĩa khi một ngành nghề, lĩnh vực nào đó ở trong nước đã đạt lợi nhuận gần mức tối đa, DN sẽ tìm kiếm và đầu tư ở một thị trường khác có lợi nhuận cao hơn, tiềm năng lớn hơn. Những thành công bước đầu của DN Việt Nam khi ĐTRNN đã chứng minh họ đang đi đúng hướng. GS.TSKH NGUYỄN MẠI, |
Vốn thực hiện lũy kế ước đạt khoảng 3,8 tỷ USD, trong đó năm 2012 đạt khoảng 1,2 tỷ USD, tăng 28% so với năm 2011.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, đánh giá hoạt động ĐTRNN từng bước đi vào nề nếp, một số dự án đã bước đầu thành công và đã chuyển lợi nhuận về nước.
Xu hướng ĐTRNN đang có sự gia tăng đáng kể vào những địa bàn phù hợp với định hướng đầu tư của Việt Nam như Lào, Campuchia, Myanmar và vào những ngành, lĩnh vực chiến lược như dầu khí, thủy điện, trồng cây công nghiệp, viễn thông.
Đồng thời, các hoạt động ĐTRNN đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động Việt Nam và hàng vạn lao động của nước tiếp nhận đầu tư. Dự kiến năm 2013, vốn đăng ký ĐTRNN của Việt Nam khoảng 1-1,5 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 900 triệu đến 1 tỷ USD.
ĐTRNN là hoạt động phổ biến và có quá trình lịch sử trong quan hệ kinh tế quốc tế, nhưng khá mới ở Việt Nam những năm qua. Đây là hoạt động có tiềm năng to lớn trong việc giúp DN mở rộng thị trường, tránh những hàng rào bảo hộ thương mại nước nhận đầu tư, giúp DN có cơ hội tiếp cận với khoa học công nghệ cao, đồng thời học hỏi những ứng dụng trong công nghệ thông tin, từ đó nâng cao năng lực của mình.
Hoạt động này đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế và nâng vị thế Việt Nam trên trường quốc tế trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trong thời đại toàn cầu hóa, sự đan xen, bắt chéo các luồng vốn đầu tư giữa các quốc gia với nhau là xu thế tất yếu.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong nhận xét: "ĐTRNN cho phép DN tiếp cận với thị trường tốt hơn, mở rộng bạn hàng, các cơ hội đầu tư cũng như những kênh kinh doanh phù hợp với yêu cầu phát triển. Vấn đề là thiết lập các kênh để lọc lựa những dòng đầu tư chính đáng, phù hợp và hỗ trợ phát triển trong nước".
Vẫn cần thận trọng
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng chưa nên quá hồ hởi khi hoạt động ĐTRNN mới gặt hái được vài thành quả ban đầu. Bởi đây mới chỉ bắt đầu quá trình ĐTRNN nên không phải lĩnh vực nào cũng đầu tư được.
Bên cạnh đó, đối với trình độ phát triển của DN Việt Nam hiện nay, ĐTRNN ở mức độ như thế nào là câu chuyện cần phải bàn.
Ông Bùi Tất Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ KH-ĐT, cho rằng nhiều lĩnh vực kinh doanh, ngành nghề của nền kinh tế đang rất thiếu vốn và trong khi chúng ta đang nỗ lực thu hút đầu tư từ bên ngoài, việc ĐTRNN phải được cân đối và lựa chọn hợp lý. Khi vượt qua ngưỡng nghèo, xu hướng ĐTRNN sẽ tăng lên. Tuy nhiên, cần hạn chế những ngành trong nước đang có nhu cầu đầu tư.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đẩy mạnh đầu tư hệ thống điện tại Lào. |
Phân tích kỹ hơn, GS.TSKH Nguyễn Mại nói bên cạnh những yếu tố tích cực, ĐTRNN có 2 bất lợi. Thứ nhất về vốn, nếu không có sự kiểm soát, để vốn ồ ạt đổ ra nước ngoài sẽ làm sự "khát vốn" trong nước tăng thêm. Thứ hai, về lao động. ĐTRNN là sự chuyển vốn nhằm tạo ra công ăn việc làm cho người lao động ở nước DN đầu tư.
Trên thực tế, bên cạnh những thành công bước đầu, hoạt động ĐTRNN bộc lộ những hạn chế từ quản lý nhà nước và các DN.
Dù đã có sự hoàn thiện dần về hành lang pháp lý đối với hoạt động ĐTRNN, nhưng thể chế chính sách chưa thực sự hoàn chỉnh, thường đi chậm so với thực tế, do đó chưa phát huy tác động một cách mạnh mẽ đến phát triển của hoạt động ĐTRNN. Quản lý hoạt động ĐTRNN còn nhiều bất cập từ khâu quản lý tiền đầu tư đến khâu hậu kiểm.
Theo đánh giá của Bộ KH-ĐT, các cơ quan đại diện như Đại sứ quán, Lãnh sự quán, tham tán thương mại và đầu tư chưa thực sự tham gia có hiệu quả trong việc hỗ trợ xúc tiến các dự án ĐTRNN. Về phía nhà đầu tư, năng lực cạnh tranh nhìn chung còn yếu.
Ngoại trừ một số DN thuộc tập đoàn kinh tế lớn, đa số DN có tiềm năng khiêm tốn, trình độ quản lý hạn chế, thiếu kinh nghiệm hoạt động trong môi trường kinh doanh quốc tế.
Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các DN còn lỏng lẻo, hoạt động mang tính riêng lẻ, manh mún, không liên kết, hỗ trợ nhau và còn cạnh tranh không lành mạnh, gây khó khăn cho nước sở tại.
Chọn hướng đi nào?
ĐTRNN là xu thế tất yếu, nhưng nó chỉ mang lại hiệu quả khi các dòng vốn đầu tư được định hướng và sử dụng một cách đúng mức. Thí dụ, việc một số DN lựa chọn các dự án ĐTRNN thuộc lĩnh vực năng lượng trong thời gian qua là điều nên khuyến khích.
Hoặc việc một số DN sang Lào hay các nước gần Việt Nam đầu tư về điện rồi xuất khẩu trở lại, cung cấp cho Việt Nam khắc phục sự thiếu hụt năng lượng, cũng là hướng đầu tư cần thiết vì nước ta còn thiếu điện, trong khi nguồn lực sản xuất điện đã tới ngưỡng.
Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cho biết trong thời gian tới, Chính phủ sẽ xem xét ban hành chỉ thị riêng về hoạt động đầu tư của DN Việt Nam ra nước ngoài. Đây sẽ là căn cứ pháp lý để thúc đẩy và tháo gỡ những rào cản trong hoạt động ĐTRNN.
Mục tiêu chính trong hoạt động ĐTRNN của Nhật Bản là tận dụng các cơ hội tốt nhất để mở rộng quy mô sản xuất và xuất khẩu hàng hóa của DN. Do vậy, DN Nhật Bản có chiến lược đầu tư theo từng thời điểm, địa bàn, đối tác rất cụ thể và rõ ràng. Sự hỗ trợ của Chính phủ và chiến lược tiếp cận ĐTRNN của DN Nhật Bản đều xoay quanh mục tiêu đó. Đây là kinh nghiệm hay cho Việt Nam trong định hướng chiến lược ưu tiên ĐTRNN. Ông VŨ VĂN CHUNG, |
Theo các chuyên gia, những kinh nghiệm thực tiễn về quản lý dòng vốn ĐTRNN của Nhật Bản và Hàn Quốc có thể là gợi mở để nước ta hoàn thiện các cơ chế, chính sách về ĐTRNN.
Hiện tại, Nhật Bản đã tự do hóa hoạt động ĐTRNN theo lộ trình chắc chắn và có tính toán. Việc tự do hóa ĐTRNN chỉ thực hiện khi nền kinh tế và các DN Nhật Bản có tiềm lực tài chính mạnh, quy mô sản xuất tốt và cần mở rộng phạm vi ảnh hưởng ra bên ngoài để tăng năng lực sản xuất cho nền kinh tế trong nước.
Thực tế cho thấy, ĐTRNN của Nhật Bản tăng tỷ lệ thuận so với dự trữ ngoại tệ của nước này. Điều kiện kinh tế của Việt Nam hiện tại có những điểm giống Nhật Bản những năm 70 của thế kỷ trước: quy mô nền kinh tế còn nhỏ, phụ thuộc lớn vào xuất khẩu trực tiếp, giá trị nhập siêu cao, cán cân thanh toán quốc tế chưa được bảo đảm, dự trữ ngoại tệ ít…
Do vậy, các hoạt động ĐTRNN của Việt Nam cần phải được kiểm soát để điều tiết dòng tiền ra vào hợp lý, bảo đảm cân đối vĩ mô và ổn định nền kinh tế.
Về phía DN, cần nhận thức rằng liên kết với nhau khi “mang chuông đi đánh xứ người” là cần thiết nếu không muốn thất bại. Kinh nghiệm thành công của Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Myanmar (AVIM) là một thí dụ.
Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch AVIM, Myanmar là thị trường mới, đầy tiềm năng. Trong gần 3 năm có mặt tại đây, AVIM đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đại diện của Việt Nam tại nước bạn để nắm bắt, phân tích và cung cấp thông tin hữu hiệu cho các nhà đầu tư.
Đến nay, AVIM đã trở thành cầu nối tin cậy, hỗ trợ tích cực DN Việt Nam sang xúc tiến thương mại, đầu tư tại Myanmar, như thu xếp chương trình làm việc với các cơ quan chức năng; tìm hiểu và giới thiệu đối tác có uy tín tại Myanmar; hỗ trợ hậu cần cho các đoàn, góp phần giảm thời gian, chi phí cho DN trong nước sang Myanmar; hỗ trợ thủ tục xin cấp phép cho các dự án của nhà đầu tư Việt Nam; tập hợp các đề xuất, kiến nghị của nhà đầu tư gửi đến các cơ quan chức năng của Myanmar nhằm có biện pháp hỗ trợ…
Thời gian qua, AVIM đã tổ chức và phối hợp tổ chức hơn 100 đoàn DN với hơn 700 lượt doanh nhân sang làm việc, xúc tiến thương mại và đầu tư tại Myanmar. Hiện đã có 11 DN Việt Nam được cấp phép hoạt động và gần 20 dự án đang trong quá trình nghiên cứu, nộp hồ sơ đầu tư tại Myanmar.