Ngày mai 5-6, Quốc hội sẽ có phiên giám sát tối cao về thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông). Báo cáo giám sát về vấn đề này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho thấy đầu tư công khu vực này thời gian qua chưa tương xứng và đang tồn tại nhiều bất cập trong thực tế triển khai chính sách.
Chưa tương xứng
Sau khi Nghị quyết Trung ương lần thứ 7 được ban hành, đầu tư cho tam nông đã được quan tâm nhiều hơn và mức đầu tư tăng lên rõ rệt. Trong giai đoạn 2009-2011, mức đầu tư cho khu vực này tăng theo từng năm với tổng vốn đầu tư 286.212 tỷ đồng, bằng 52,3% tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ, gấp 1,95 lần so với trước khi có Nghị quyết (giai đoạn 2006-2008).
Đầu tư tam nông hiệu quả không cao, thời gian thu hồi vốn kéo dài, rủi ro lớn không hấp dẫn doanh nghiệp chỉ là nguyên nhân thứ yếu. Nguyên nhân chủ yếu không thu hút đầu tư vào khu vực này là chưa có cơ chế, chính sách thu hút phù hợp. Bên cạnh đó, nguồn vốn nhà nước đầu tư cho khu vực này vẫn theo dạng “rải mành mành”, mục tiêu nào cũng muốn đạt được. Vì thế, cần phải thay đổi tư duy đầu tư cho tam nông, chuyển từ “xếp hàng ngang” sang “xếp hàng dọc”, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Ông NGUYỄN SINH HÙNG, |
Giai đoạn này các tổ chức tín dụng cũng đẩy mạnh đầu tư khu vực tam nông với tốc độ tăng dư nợ 24%/năm. Tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng cho khu vực này vào cuối năm 2011 lên đến 499.056 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cuối năm 2010 và gấp hơn 3 lần so với thời điểm ngày 31-12-2006. Nếu tính cả 103.731 tỷ đồng dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với tam nông, nguồn lực tập trung cho khu vực này vô cùng lớn.
Nhờ vậy, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ngày càng được tăng cường và hoàn thiện, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng hiện đại; từng bước giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo; đảm bảo an sinh xã hội ngày càng tốt hơn, đồng thời có tiến bộ về cải thiện môi trường sinh thái.
Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy hầu hết bộ, ngành, địa phương đều thiếu vốn cho nhu cầu đầu tư phát triển của ngành, địa phương. Mặc dù Nhà nước đã chú trọng đầu tư khu vực tam nông, nhưng thực tế mới chỉ đáp ứng được 55-60% yêu cầu, nên chưa phát huy hết tiềm năng trong nông nghiệp, nông thôn. Đáng ngại hơn, nguồn lực đầu tư vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, chưa huy động được nguồn lực của toàn xã hội.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Trưởng đoàn Giám sát của UBTVQH, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn đòi hỏi nguồn lực rất lớn trong khi khả năng đầu tư của Nhà nước và toàn xã hội có hạn. Bên cạnh đó, do tác động của khủng hoảng, suy thoái kinh tế trong khu vực và trên thế giới, trong nước tình hình lạm phát cao, Nhà nước phải thực hiện một số chính sách, trong đó có việc cắt giảm đầu tư công… nên việc huy động nguồn lực để đầu tư cho tam nông những năm qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân chủ quan là nhận thức của một bộ phận cán bộ, các cấp chính quyền về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đầu tư cho tam nông chưa cao. Công tác vận động, khuyến khích người dân, cộng đồng chưa liên tục, chưa phát huy hết nội lực của cả hệ thống chính trị và cộng đồng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Dàn trải, hiệu quả thấp
Thực tế triển khai các chính sách đầu tư công vào khu vực tam nông vẫn còn nhiều bất cập. Theo đó, tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao; một số nơi xảy ra sai phạm trong quản lý đầu tư. Việc đầu tư thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia nơi quá nhiều, nơi lại rất thiếu do chương trình chồng chéo, chưa được lồng ghép tốt.
![]() |
Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải và các lãnh đạo TP tham quan triển lãm |
Qua thực tế giám sát, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết: “Nhiều công trình hiệu quả đạt thấp do bố trí vốn đầu tư không đáp ứng tiến độ được duyệt, đầu tư thiếu đồng bộ, quy mô chưa phù hợp với tốc độ phát triển, thi công kéo dài gây lãng phí nguồn lực. Chất lượng công tác khảo sát, thiết kế chưa đạt yêu cầu ảnh hưởng tới chất lượng và hiệu quả công trình”.
Nhận định về vấn đề này, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng đầu tư công cho khu vực tam nông kém hiệu quả ngoài những nguyên nhân như các công trình, dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách và vốn trái phiếu chính phủ, còn do sự ỷ lại của người dân, tâm lý trông chờ nguồn vốn từ Trung ương của chính quyền địa phương.
TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhận định đầu tư công cho tam nông mới chỉ chú trọng vào hạ tầng, cụ thể là các công trình thủy lợi, phục vụ cho riêng cây lúa, nên phần lớn nguồn tiền chỉ tập trung vào xây mới công trình, chứ chưa chú trọng đến nâng cấp, đồng bộ hóa hệ thống. Ngoài ra, hệ thống giao thông, hạ tầng nông thôn như điện, nước sạch vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.
Một bất hợp lý nữa là Nhà nước chưa thật sự quan tâm đến lĩnh vực nghiên cứu khoa học, công nghệ nông nghiệp. Các trường đại học, trung tâm nghiên cứu về nông nghiệp chủ yếu ở đô thị lớn, không có hoặc rất ít ở nông thôn. “Thêm nữa, tiền đầu tư sản xuất nông nghiệp phải giao doanh nghiệp và người dân quản lý và sử dụng mới hiệu quả, đằng này lại rót về cho cơ quan quản lý nhà nước, như quỹ khuyến nông chẳng hạn. Như vậy quá khó để đạt hiệu quả như mong muốn” - ông Sơn nói.
Đột phá bằng chính sách
Thực tế cho thấy hiệu quả đầu tư công vào khu vực tam nông thấp có nguyên nhân từ sự bất cập trong nhiều chính sách pháp luật. Một vấn đề khiến các nhà quản lý băn khoăn là việc thực hiện chủ trương phân cấp đầu tư. Cơ chế phân cấp về quyết định đầu tư và phân bổ vốn theo hướng tăng cường quyền quyết định cho các cấp là phù hợp, nhưng lại thiếu các biện pháp đồng bộ và tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đã dẫn tới tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án đầu tư mà không tính đến khả năng cân đối về nguồn vốn. Vì vậy nguồn vốn đầu tư bị phân tán, dàn trải, thời gian thi công kéo dài gây lãng phí, thất thoát nguồn lực tài chính của Nhà nước.
Thời gian tới cần điều chỉnh cơ cấu đầu tư cho tam nông, tập trung vào khoa học, công nghệ, dịch vụ công, vào thế mạnh thủy sản và một số lĩnh vực xã hội đồng bộ với sự phát triển chung của đất nước. Đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư tam nông, thậm chí kết hợp công - tư đầu tư vào lĩnh vực này. Theo đó, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn và thực hiện theo kế hoạch trung hạn thay vì hàng năm, cùng với sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này. Ông CAO ĐỨC PHÁT, |
Theo báo cáo giám sát của UBTVQH, các chính sách pháp luật trong vấn đề này còn thiếu tính hệ thống do ban hành trong nhiều giai đoạn nên quan điểm, nhận thức còn khác nhau. Một số văn bản hướng dẫn ban hành chưa kịp thời, đầy đủ, còn chồng chéo, mâu thuẫn gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
Nhiều văn bản hướng dẫn chậm ban hành đã ảnh hưởng việc triển khai các công trình, dự án nên chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của chủ thể còn chung chung, dẫn tới tình trạng thiếu trách nhiệm trong quản lý đầu tư công, gây lãng phí lớn.
Đáng ngại hơn, việc khống chế hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân tại Điều 70 Luật Đất đai đang gây khó khăn trong việc mở rộng diện tích canh tác và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm.
Theo ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, các chính sách ưu tiên hỗ trợ về đất đai, hạ tầng, khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực nông thôn sẽ là những mấu chốt cơ bản để khuyến khích và khơi thông các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Theo đó cần làm rõ quyền sở hữu, quyền quản lý, cơ chế chuyển dịch, chuyển nhượng cho thuê để tích tụ đất đai sản xuất hàng hóa lớn.
Về việc xây dựng hạ tầng nông thôn, có thể giải quyết theo hướng Nhà nước xây dựng quy hoạch hạ tầng nông thôn đến cấp xã, từ đó xác định việc nào Nhà nước làm, việc nào kêu gọi tư nhân đầu tư có ưu đãi của Nhà nước. Đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân là chủ trương lớn đã được Đảng và Nhà nước xác định. Vì thế cần sớm sửa đổi bất cập về thể chế để kích hoạt các nguồn vốn đầu tư một cách hiệu quả.