Diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine còn phức tạp gây gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là giá xăng dầu tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của DN và tiêu dùng của người dân. Trong khi đó, trên thực tế hàng hóa dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng giá gấp nhiều lần so với giá xăng tăng.
Trước thực trạng trên, Bộ Tài chính đã yêu cầu không điều chỉnh tăng giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và việc điều chỉnh các mặt hàng theo lộ trình phải được đánh giá kỹ những tác động đến CPI. Liệu điều này có nghịch lý chăng khi các DN sản xuất phải “thắt lưng buộc bụng” mà áp lực tăng giá nguyên và nhiên liệu đầu vào đang đè nặng lên chi phí sản xuất, trong khi giá bán sản phẩm đầu ra không được phép tăng.
Minh chứng là chi phí nguyên liệu đầu vào, giá xăng dầu, giá cước vận chuyển, giá dịch vụ logistics… vẫn không ngừng tăng lên từng ngày. Đại diện một số DN cho biết, giải pháp quan trọng nhất để kéo giảm chi phí là tìm kiếm chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu giá rẻ, nhưng đến nay hầu như chuỗi cung ứng đều đứt gãy.
Nhiều DN bán lẻ cũng đang đau đầu trước áp lực giá cả, rất có thể một mặt bằng giá mới lại xuất hiện do chi phí đầu vào tăng cao. Hiện tại, hệ thống siêu thị trong cả nước đang được yêu cầu bình ổn giá và có giá bán các loại hàng hóa bình ổn hơn so với các kênh bên ngoài. Song đại diện các siêu thị cho biết không thể kéo dài thêm vì các nhà bán lẻ phụ thuộc vào nguồn cung từ các nhà sản xuất và DN bán lẻ nên không thể bù lỗ mãi được.
Theo đại diện Bộ Công Thương, giá thực phẩm trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi rẻ hơn ngoài chợ truyền thống, có nguyên nhân do chủ động được nguồn cung ứng hàng hóa theo hợp đồng dài hạn 3-6 tháng. Các DN bán lẻ, siêu thị có sự chia sẻ với cơ quan quản lý và người tiêu dùng, giữ giá để kích cầu tiêu dùng, góp phần phục hồi kinh tế.
Nhưng áp lực tăng giá xăng dầu và ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine đang tác động đến tâm lý kinh doanh của DN sản xuất, dịch vụ, nên một số nhà cung ứng hàng hóa đã đề nghị tăng giá, sẽ tạo áp lực điều chỉnh giá sản phẩm trong thời gian tới.
DN sản xuất không được phép tăng giá bán sản phẩm đầu ra, trong khi họ vẫn phải gồng mình gánh chi phí đầu vào sản xuất tăng cao, ở khía cạnh nào đó cho thấy có yếu tố “phi thị trường”? |
“Đến nay, nhiều DN vẫn đóng cửa chưa thể phục hồi hoạt động vì dịch Covid-19, chưa kể hàng loạt DN đã phá sản. Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao buộc DN phải gồng mình trước áp lực lạm phát? Nhà nước hỗ trợ DN đến mức độ nào trong khi DN đang chia sẻ gánh nặng lạm phát với Nhà nước? Đó là những vấn đề đang đặt ra cần được giải đáp” - TS. Lê Đăng Doanh nói và cho biết yếu tố để trợ lực cho DN trong bình ổn giá, kiểm soát lạm phát chính là các gói hỗ trợ DN cần sớm được triển khai đến tận tay DN. Nhưng đến nay các gói hỗ trợ DN nói riêng và phục hồi kinh tế nói chung vẫn đang triển khai rất chậm.
Trước đó, Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ đã được Chính phủ ban hành ngay trong tháng đầu tiên của năm 2022. Đây là chương trình phục hồi kinh tế toàn diện và quy mô gần như lớn nhất trong lịch sử được thông qua.
Dự kiến trong năm nay sẽ giải ngân khoảng 50% của gói 350.000 tỷ đồng thuộc chương trình. Trong gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng có 240.000 tỷ đồng được lấy từ nguồn tăng thu và tiết kiệm chi của ngân sách. Bộ Tài chính cho biết nguồn vốn luôn sẵn sàng, giờ chỉ chờ các gói hỗ trợ được thông qua là có thể giải ngân ngay.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, yêu cầu lớn nhất hiện nay là các bộ, ngành phải hết sức khẩn trương kịp thời thể chế hóa ban hành các quy định hướng dẫn, từ đó đưa các chính sách hỗ trợ DN vào thực tế. Chương trình hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, có tiêu chí và thậm chí có cả danh mục một số dự án cụ thể, hỗ trợ cả tổng cung lẫn tổng cầu. Đặc biệt, chương trình thành công và hiệu quả đến đâu, quan trọng nhất là khâu triển khai phải nhanh chóng, kịp thời.