Năm 2020, khi làn sóng COVID-19 làm nhiều ngành hàng “điêu đứng” thì điện thoại và linh kiện vẫn là nhóm hàng dẫn đầu trong kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đạt con số 51,2 tỷ USD do nhu cầu tiêu dùng điện thoại thông minh tăng trong bối cảnh dịch bệnh.
Tương tự, trong lĩnh vực hàng điện tử, nhóm sản phẩm máy vi tính và linh kiện điện tử vẫn tăng trưởng khá. Kim ngạch xuất khẩu máy tính và linh kiện điện tử năm 2020 đạt 44,58 tỷ USD, tăng 24,1 so với năm 2019 và chiếm gần 15,8% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của cả nước.
Trong con số xuất khẩu “khủng” này thì ở mảng xuất khẩu điện thoại và linh kiện, khối FDI đạt 50 tỷ USD, chiếm 97,75% tổng kim ngạch. Còn kim ngạch xuất khẩu nhóm máy tính và linh kiện điện tử của khối FDI đạt hơn 43,15 tỷ USD, chiếm 96,8% tổng kim ngạch.
Tỉ lệ nội địa hoá dưới 10%
Mặc dù đạt con số ấn tượng nhưng theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2020 cũng là năm đầu tiên kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện sụt giảm trong vòng 10 năm trở lại đây, thậm chí có năm nhóm hàng này còn tăng trưởng hơn 3 con số (năm 2011 tăng đến 173% so với năm 2010).
Nguyên nhân của sự sụt giảm “lịch sử” này, theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) là do thời điểm bùng phát dịch bệnh tại Trung Quốc, hầu hết các nhà máy cung cấp linh kiện điện tử đều phải đóng cửa. Do đó, hoạt động sản xuất điện thoại và linh kiện điện thoại của Việt Nam cũng sụt giảm theo.
Có thể thấy, mặc dù là nhóm ngành có kim ngạch xuất khẩu ở mức cao của Việt Nam, thế nhưng, Cục Công nghiệp nhìn nhận, năng lực các DN nội địa trong lĩnh vực hàng điện tử rất hạn chế, chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Một số doanh nghiệp điện tử nội địa có “tiếng tăm” đang phát triển chậm lại hoặc mất dần thương hiệu. Một số nhãn hiệu điện tử trong nước mới xuất hiện như điện thoại BPhone, Vsmart, Viettel... nhưng chiếm thị phần rất nhỏ. Trên thực tế thị trường điện-điện tử dân dụng trong nước chủ yếu do các thương hiệu nước ngoài chiếm lĩnh.
“Tỉ lệ nội địa hóa ngành điện tử hiện nay rất thấp, chỉ khoảng 5% đến 10%”, đại diện Cục Công nghiệp cho biết.
Các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước từ linh kiện nhập khẩu là chủ yếu. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử trong nước, tuy có tham gia vào chuỗi giá trị nhưng mới dừng lại ở việc cung cấp các chi tiết đơn giản có giá trị, hàm lượng công nghệ thấp.
“Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nêu trên là do năng lực các DN nội địa trong ngành hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường cũng như của các DN FDI. Sự liên kết giữa các DN cung ứng trong nước với các DN FDI và các tập đoàn đa quốc gia còn mờ nhạt”, đại diện Cục Công nghiệp nêu.
Cần trở thành “mắt xích”
Ngành sản xuất điện tử vẫn còn nhiều triển vọng khi việc chuyển dịch đầu tư của các tập đoàn xuyên quốc gia mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam. Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này đang triển khai nhiều chương trình, dự án hợp tác quốc tế, các doanh nghiệp FDI đã có những chính sách nhất định nhằm hỗ trợ các nhà cung ứng nội địa và bản thân các DN trong nước cũng rất nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh để gia nhập vào chuỗi cung ứng.
Đơn cử như với Samsung Việt Nam, số nhà cung ứng cấp 1 thuần Việt cho Samsung đã tăng đáng kể từ 4 nhà cung ứng năm 2014 lên 35 nhà cung ứng năm 2018. Panasonic Việt Nam hiện cũng có 4 DN Việt Nam cung ứng linh kiện chiếm khoảng 10% giá trị linh kiện đầu vào sản xuất của Panasonic. Canon Việt Nam cũng liên tục tìm kiếm nhà cung cấp Việt Nam để tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhìn nhận: Điện tử là sản phẩm mang hàm lượng công nghệ rất cao và đồng thời các yếu tố cấu thành rất nhiều và phức tạp. Do vậy chuỗi cung ứng của sản phẩm này cũng sẽ trải dài đến một số quốc gia.
“Tại Việt Nam, từ trước đến nay, các doanh nghiệp sản xuất điện tử chủ yếu đến từ các quốc gia có nền công nghệ tiên tiến như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhưng hiện tại đã có sự thay đổi rất rõ nét khi những năm gần , đã có những nhà sản xuất là ODM (sản xuất theo đơn đặt hàng) của các doanh nghiệp điện tử lớn. Chúng ta cũng thấy có một sự chuyển dịch rất lớn khi các nhà sản xuất điện tử không chỉ gia công những linh kiện nhỏ mà cũng đã bắt đầu cải tiến công nghệ để sản xuất các sản phẩm nguyên chiếc cũng như những sản phẩm có giá trị cao hơn”, ông Trần Thanh Hải nói.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu cũng cho rằng, các ngành sản xuất như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử, nhựa đều cần đến các DN hỗ trợ. Đối với từng ngành khác nhau thì sự tham gia của các DN hỗ trợ Việt Nam sẽ khác nhau. Tuy nhiên, yếu tố chung là việc chúng ta nắm bắt được công nghệ và làm chủ được chất lượng, từ đó khẳng định được vị trí của sản phẩm nằm trong chuỗi cung ứng chung của thế giới. Qua đó thu hút được các nhà đầu tư đến đặt hàng hoặc là đặt những nhà máy lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh tại Việt Nam.
Cùng quan điểm DN Việt cần trở thành “mắt xích” trong chuỗi cung ứng, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam nhận định, khi COVID-19 được kiểm soát, sẽ có sự chuyển dịch sản xuất cơ học của các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực điện tử sang Việt Nam. Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam để trở thành vệ tinh, cung cấp linh kiện, phụ kiện cho họ. Hiệp hội DN điện tử Việt Nam bày tỏ mong muốn, các dự án FDI trong ngành điện tử tới đây sẽ mang lại hàm lượng công nghệ cao và có sức đột phá, lan tỏa để DN Việt thực sự tạo được giá trị gia tăng nội địa, người tiêu dùng Việt Nam được hưởng lợi.
Đón đầu xu hướng dịch chuyển
Giai đoạn 2016-2020, ngành điện tử Việt Nam đã chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ. Bình quân trong giai đoạn này, chỉ số sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học mỗi năm tăng 13,94%, trong đó năm 2017 đạt mức tăng cao nhất 35,2%.
Trong quý I/2021, Việt Nam đã cấp chứng nhận đầu tư mới và điều chỉnh vốn cho nhiều dự án có quy mô vốn đầu tư lớn. Điển hình là dự án LG Display Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD và chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về đây.
Dự án Nhà máy Fukang Technology với vốn đầu tư đăng ký 293 triệu USD để thực hiện việc sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay tại Bắc Giang. Đây là dự án có ý nghĩa lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Gần đây nhất, Lenovo cũng liên tục tới Bắc Ninh, Bắc Giang để tìm kiếm cơ hội xây dựng nhà máy. Panasonic Việt Nam cũng tiếp nhận dây chuyền sản xuất tủ lạnh và máy giặt cửa đứng công suất lớn từ Thái Lan.
Theo yêu cầu của Apple Inc, Foxconn đã triển khai kế hoạch nhằm đa dạng hóa sản xuất để giảm thiểu tác động của cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ. Theo đó, Foxconn đang xây dựng dây chuyền lắp ráp cho 2 sản phẩm Apple tại nhà máy ở tỉnh Bắc Giang và dự kiến đi vào hoạt động trong đầu năm 2021. Foxconn cũng công bố khoản đầu tư 270 triệu USD thành lập công ty con mới có tên FuKang Technology Co Ltd nhằm hỗ trợ việc mở rộng ở Việt Nam. Foxconn dự kiến tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam và đặt mục tiêu doanh thu 40 tỷ USD tại Việt Nam trong vòng 3 đến 5 năm tới.
Như vậy, nếu như những kế hoạch nêu trên được thực hiện, có thể thấy, hầu hết tên tuổi lớn trên thị trường thiết bị di động, điện tử toàn cầu đều đã, đang hoặc có kế hoạch mở nhà máy ở Việt Nam. Sự có mặt của các “đại gia” công nghệ trong thời gian gần tới đây sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy công nghiệp điện tử Việt Nam phát triển, đóng góp cho xuất khẩu của đất nước.
Đón đầu xu hướng, Cục Công nghiệp cho biết, cơ quan này đã tham mưu và đồng thời tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp điện tử và công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, cùng với Hàn Quốc xây dựng Trung tâm Tư vấn và Giải pháp công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (VITASK); thảo luận với Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) về việc phối hợp với Hiệp hội DN cơ khí Hàn Quốc (KOAMI) thành lập Trung tâm Công nghệ máy móc Việt Nam - Hàn Quốc (VKMTC) tại TPHCM.
Với Nhật Bản, Cục Công nghiệp phối hợp với đại diện phía Bộ Năng lượng, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) để lên kế hoạch triển khai hoạt động hợp tác thuộc một số lĩnh vực, trong đó có công nghiệp điện tử trong những năm tới.
Để ngành công nghiệp điện tử phát triển bền vững, đại diện Cục Công nghiệp cho rằng cần xây dựng các biện pháp bảo vệ thị trường điện-điện tử tiêu dùng (như thuế phòng vệ, hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại, hàng giả và hàng nhâp lậu…). Đồng thời, tập trung hỗ trợ một số DN triển vọng của Việt Nam trong lĩnh vực điện tử hỗ trợ cho các DN này phát triển, đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước, đặc biệt là các sản phẩm điện-điện tử gia dụng.
Bên cạnh đó, rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam; thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ngoài ra, đại diện Cục Công nghiệp cũng cho rằng, mỗi DN cần tự xác định cho mình những phân khúc sản phẩm và khách hàng phù hợp và tính đến khả năng đón đầu xu hướng tiêu dùng và phát triển công nghệ chung của thế giới. Những kế hoạch này sẽ giúp DN nội tập trung nguồn lực để phát triển sản phẩm có năng lực cạnh tranh hơn trong thời gian tới.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2021, sản xuất điện thoại di động đạt 54,4 triệu chiếc, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng sản xuất tivi cũng đạt hơn 4,45 triệu chiếc, tăng 30,9%. Điện thoại và linh kiện điện tử cũng là ngành có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong các ngành xuất khẩu của Việt Nam trong quý I/2021, đạt 14,1 tỷ USD, chiếm 18,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện cũng đạt 12 tỷ USD, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm trước. Hiện, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp, chủ yếu sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học. Sản phẩm chính của ngành này là linh kiện điện tử, điện thoại nguyên chiếc, linh kiện điện thoại, tivi lắp ráp, máy tính bảng, iPad và máy vi tính. |