Bộ Tài chính vừa có văn bản hỏa tốc 5005/BTC-TCHQ gửi Bộ Công Thương về hạn ngạch xuất khẩu gạo và đề xuất một số giải pháp quan trọng.
Bộ Tài chính cho biết đã nhận được công văn 2824/BCT-XNK (ngày 22/4/2020) của Bộ Công Thương về việc triển khai thực hiện Thông báo số 163/TB-VPCP (ngày 21/4/2020) của Văn phòng Chính phủ về điều hành xuất khẩu gạo và công văn số 2845/BCT-XNK (ngày 22/4/2020) của Bộ Công Thương về việc giải quyết cho các thương nhân xuất khẩu gạo đã đăng ký được tờ khai hải quan xuất khẩu nhưng bị mất dữ liệu trên hệ thống.
Về xử lý số lượng hạn ngạch xuất khẩu gạo được hồi lại của tháng 4/2020, Bộ Tài chính cho biết qua thống kê trên hệ thống của cơ quan hải quan, lượng gạo nếp đã đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu là 38.642,56 tấn; số lượng này được cộng trở lại số lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4/2020.
Trong khi đó, số liệu ghi nhận trên hệ thống cho thấy có 34 tờ khai tương ứng với 13.111,36 tấn đã đăng ký nhưng nằm ngoài hạn ngạch 400.000 tấn. Hiện nay, hạn ngạch gạo nếp được cộng trở lại, các tờ khai này sẽ nằm trong hạn ngạch cho phép. Do vậy, Bộ Tài chính thống nhất cho phép làm thủ tục như ý kiến của Bộ Công Thương tại công văn số 2845/BCT-XNK (ngày 22/4/2020).
Lượng gạo còn lại sau khi phân bổ theo thứ tự ưu tiên nêu trên sẽ được cộng lại hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4/2020 và được Tổng cục Hải quan công bố công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan để các doanh nghiệp biết và đăng ký tờ khai hải quan theo nguyên tắc quy định tại Điều 2 Quyết định 1106/QĐ-BCT (ngày 10/4/2020) của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Đối với 100.000 tấn gạo được tạm ứng trước hạn ngạch xuất khẩu gạo, Bộ Tài chính đề nghị giải quyết theo các giải pháp: xử lý đối với hàng hóa đã đưa vào cửa khẩu quốc tế, cảng biển quốc tế trước ngày 24/3/2020 nhưng chưa được đăng ký tờ khai hải quan do bị tạm dừng xuất khẩu theo Thông báo số 121/TB-VPCP (ngày 23/3/2020) của Văn phòng Chính phủ, phân bổ cho các doanh nghiệp đã đưa hàng vào khu vực giám sát quan tại cửa khẩu quốc tế, cảng biển quốc tế trước ngày 24/3/2020 trên cơ sở lượng thực tế và phải được chi cục hải quan, doanh nghiệp và đơn vị kinh doanh kho, bãi, cảng nơi lưu giữ hàng hóa xác nhận.
Đồng thời, xử lý đối với các lô hàng đã đưa vào khu vực cảng biển, cửa khẩu từ ngày 24/3/2020, nhưng chưa đăng ký tờ khai hải quan.
Bộ Tài chính đề xuất ngoài lượng gạo đã đưa vào khu vực giám sát hải quan tại cửa khẩu quốc tế, cảng biển quốc tế thuộc địa bàn hoạt động hải quan trước ngày 24/3/2020 đã được ưu tiên xử lý theo phương án nêu trên, theo báo cáo của hải quan địa phương và doanh nghiệp, từ ngày 24/3/2020 đến thời điểm 18 giờ ngày 23/4/2020 vẫn còn một lượng hàng đã đưa vào khu vực giám sát hải quan tại cửa khẩu, cảng biển quốc tế và các khu vực kho, bãi, địa điểm tập kết tại các khu vực ngoài địa bàn hoạt động hải quan chờ vận chuyển lên cửa khẩu, cảng biển quốc tế để xuất khẩu.
Để giảm chi phí lưu kho, bãi, lưu tàu cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng lượng hạn ngạch còn lại để xử lý đối với lượng hàng hóa theo thứ tự ưu tiên.
Cụ thể, phân bổ cho các doanh nghiệp đã đưa hàng vào khu vực giám sát hải quan tại cửa khẩu, cảng biển trước ngày 21/4/2020 theo số lượng thực tế và được chi cục hải quan, doanh nghiệp và đơn vị kinh doanh kho, bãi, cảng nơi lưu giữ hàng hóa xác nhận, nhưng chưa được xuất khẩu.
Đồng thời, đối với hàng hóa đã tập kết tại các khu vực kho, bãi, địa điểm tập kết ngoài địa bàn hoạt động hải quan hoặc đã xếp lên phương tiện vận chuyển trung chuyển chờ vận chuyển lên cửa khẩu, cảng biển quốc tế để xuất khẩu đã được đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, địa điểm tập kết hoặc kinh doanh dịch vụ vận tải xác nhận, Tổng cục Hải quan sẽ thông báo công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan.
Các thông tin được công khai bao gồm lượng gạo còn hạn ngạch xuất khẩu sau khi đã thực hiện phân bổ cho các doanh nghiệp đã đưa hàng vào khu vực giám sát hải quan tại cửa khẩu, cảng biển để doanh nghiệp thực hiện việc khai và làm thủ tục hải quan theo quy định và đảm bảo đúng nguyên tắc quy định.
Để thực hiện công việc này, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan thông báo cụ thể thời gian bắt đầu áp dụng kể từ 0 giờ của ngày kế tiếp (tối thiểu 12 tiếng trước phải đăng tải công khai, trường hợp không đủ 12 tiếng thì sang ngày tiếp theo), ngày Bộ Công Thương thông báo cho Bộ Tài chính phương án phân bổ lượng hạn ngạch được phép sử dụng và công bố công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan, đồng thời có văn bản gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để biết, phối hợp thực hiện.