Cách mạng ngành tài chính
Thập niên 50, Frank McNamara thành lập công ty Diner’s Club, chuyên phát hành thẻ tính phí, một loại thẻ tiền thân của thẻ tín dụng sau này. Khi đó, khách hàng sẽ trả tiền cho ngân hàng, các địa điểm cung cấp dịch vụ, hàng hóa sẽ gửi hóa đơn đến ngân hàng để ngân hàng sẽ thanh toán số tiền đó. Diner’s Club chỉ là công ty nhỏ lẻ nhưng đã có đến 42.000 người đăng ký mở thẻ vào năm 1952.
Nhận thấy sự tiện lợi và khả năng sinh lời cực kỳ cao này, Ngân hàng Mỹ (Bank of America), một trong “tứ trụ” (Bank of America, JP Morgan Chase, Citigroup, Goldman Sachs) đã phát hành chương trình thẻ tín dụng với tên gọi BankAmericard vào năm 1958. Ý tưởng về cách thức hoạt động của loại thẻ tín dụng tương tự như cách hoạt động của thẻ tính phí của Diner’s Club. Tuy nhiên, do sự phát hành thiếu kiểm soát, nhiều thẻ BankAmericard bị gian lận hoặc làm giả khiến ngân hàng nợ đến 20 triệu USD và từ bỏ dự án vào năm 1959.
Nhưng nhu cầu về thẻ tín dụng trên thị trường vẫn rất cấp thiết. Do đó, năm 1968, trong cuộc họp giữa các chi nhánh Bank of America để tìm những giải pháp tốt hơn cho chương trình BankAmericard, Dee Ward Hock khi đó là Phó Giám đốc một chi nhánh, đã đề xuất một phương pháp vận hành có tính hệ thống hơn dành cho BankAmericard. Với những đề xuất của mình, Dee Ward Hock đã nhanh chóng được ban lãnh đạo lựa chọn trở thành giám đốc mới của chương trình thẻ tín dụng BankAmericard.
Năm 1970, Dee Ward Hock đã tách dự án BankAmericard khỏi Bank of America trở thành Công ty phát hành thẻ tín dụng Visa để có thể độc lập giải quyết các vấn đề và có thể hoạt động hiệu quả hơn. Visa sẽ là kênh trung gian cung cấp dịch vụ thẻ tín dụng giữa các ngân hàng và khách hàng có nhu cầu sử dụng tài chính. Dee Ward Hock cho phát hành 2 loại thẻ tín dụng (credit card) và thẻ ghi nợ (debit card) với tính năng thanh toán bằng số tiền có trong tài khoản, không cần dùng tiền mặt, bên cạnh đó còn có thể giao dịch, chuyển khoản, thanh toán giữa các ngân hàng, các chủ thẻ giao dịch cách xa nhau. Trong thập niên 70, Visa đã trở thành nhà phát hành thẻ lớn nhất nước Mỹ, nhanh chóng vượt qua đối thủ. Visa có 200 cổ đông là 200 ngân hàng khác nhau đã thu về lợi nhuận 2-3 tỷ USD/năm.
Dee Ward Hock đã tạo ra Visa giúp liên kết tất cả các ngân hàng, các nền văn hóa, các ngôn ngữ, các loại tiền tệ, các chính phủ trên toàn cầu. Chỉ cần một chiếc thẻ Visa được liên kết với ngân hàng, một người Mỹ có thể chuyển tiền đến một người khác tại một quốc gia bất kỳ trên thế giới. Bên cạnh đó, đối với những cá nhân đi du lịch hoặc công tác tại nhiều quốc gia, thẻ tín dụng Visa được xem là một phương tiện quyền năng cung cấp dịch vụ giao dịch, thanh toán hiệu quả bậc nhất.
Dù tạo ra Công ty Visa vào những năm 1970, Dee Ward Hock có lẽ cũng đã không ngờ rằng thành tựu của ông vẫn còn có ích cho đến ngày nay. Dường như tầm nhìn dài hạn của ông đã nhận ra được rằng thế giới sẽ ngày càng rộng mở và kết nối, thanh toán và giao dịch xuyên quốc gia sẽ ngày càng phát triển nhanh và phổ biến hơn, vì vậy thẻ tín dụng trở thành một công cụ không thể thiếu trong xã hội hiện đại.
Cạnh tranh trên nền tảng điện tử
Cạnh tranh trên nền tảng điện tử
Tuy nhiên, sự lớn mạnh của Visa đang bị thách thức bởi hàng loạt đối thủ khác với những hình thức công nghệ mới dựa trên sự bùng nổ của internet vào những thập niên cuối thế kỷ 20. Năm 1994, Microsoft ra mắt phần mềm tài chính cá nhân, cho phép khách hàng theo dõi số dư tài khoản của mình. Tiếp theo đó và năm 1999, Elon Musk đã mua Paypal, một phần mềm nhận và chuyển tiền thông qua e-mail và website. Paypal phát triển, hợp tác với kênh thương mại điện tử đầu tiên của Mỹ là eBay và trở thành công ty cung cấp dịch vụ thanh toán tài chính có giá trị nhất. Đến năm 2003, Alipay của tỷ phú Jack Ma kết hợp với Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thành lập, đã trở thành nền tảng giao dịch trực tuyến tiên tiến nhất trên toàn cầu.
Đặc biệt, từ những năm 2000 cho đến nay, sự ra đời của điện thoại thông minh đã mở đường cho sự phát triển rực rỡ của thanh toán trực tuyến. Alipay bắt đầu thâm nhập vào điện thoại thông minh và phát hành ví điện tử (e-wallet). Tiếp nối Alipay là UnionPay, công ty tài chính này không chỉ cung cấp dịch vụ phát hành thẻ ngân hàng mà còn nhanh chóng trở thành nhà cung cấp ví điện tử hàng đầu Trung Quốc. Tính đến năm 2014, UnionPay đã giao dịch lên đến 41,1 tỷ nhân dân tệ (tương đương 6 tỷ USD) và ví điện tử của họ được chấp nhận ở 100 quốc gia. Đến năm 2017, UnionPay đã chiếm 44% tổng số lượng thẻ thanh toán trên toàn cầu, vượt xa Visa chỉ chiếm 21% thị phần thẻ.
Đứng trước tình hình này, Visa buộc phải đổi mới để có thể tồn tại và phát triển. Năm 2012, Visa cho ra mắt ví điện tử V.me cho phép sử dụng thẻ ATM hay thẻ tín dụng của nhiều ngân hàng. Bên cạnh đó, cũng như những loại ví điện tử khác, V.me sẽ cung cấp dịch vụ tiện lợi và an toàn cho các khách hàng sử dụng. V.me phát hành ứng dụng trên điện thoại di động để đáp ứng nhu cầu tiện lợi ngày càng cao của khách hàng, thậm chí là sản xuất QR code (Mã vạch ma trận) để thực hiện thanh toán ngày càng dễ dàng hơn. Người dùng có thể thanh toán dịch vụ khi đang ở trên hệ thống có tích hợp chức năng, thay vì phải nhập các thông tin thanh toán rườm rà. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát tại Mỹ cho thấy độ phổ biến của V.me là 2%, thấp hơn của Paypass.