Từ chỗ chưa có tên trên bản đồ thế giới, dệt may Việt Nam đã vươn lên vị trí cường quốc về xuất khẩu, đứng thứ 3 thế giới sau Trung Quốc, Bangladesh trong lĩnh vực này. Đến nay, VITAS có 487 hội viên chính thức, 500 hội viên liên kết, 7.000 doanh nghiệp dệt may, có mức tăng kim ngạch xuất khẩu tới 106 lần trong 20 năm qua, đóng góp quan trọng vào kỷ lục kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước năm 2019 là cán mốc 500 tỷ USD.
Tại đây, Thủ tướng đặt ra một số vấn đề với ngành dệt may. Theo đó, ngành cần chú trọng đúng mức hơn tới thị trường gần 100 triệu dân trong nước, nhất là tầng lớp trung lưu đang gia tăng, sẽ chiếm 50% dân số đến năm 2030. Đây chính là hướng phát triển bền vững cho ngành dệt may. Sản phẩm dệt may “made in Việt Nam” không chỉ có mặt ở ngoài nước mà cần ở cả trong nước.
Đến năm 2030, dệt may phải phấn đấu xuất khẩu 100 tỷ USD. Ảnh: LONG THANH
Sớm thoát khỏi tình trạng thiếu tự chủ, tự cường về nguyên liệu, chủ yếu chỉ sản xuất sợi và gia công sản phẩm, bởi hiện nay, 60% nguyên liệu xơ sợi phải nhập khẩu. Việt Nam chưa làm chủ và phát triển được các công đoạn sản xuất như nhuộm, chế tạo các loại vải chất lượng cao, vật liệu, phụ kiện cao cấp. Đó là nguyên nhân khiến giá trị gia tăng chưa cao. Cùng với đó, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu còn lệch hẳn về may mặc với kim ngạch chiếm tỷ lệ đến 78% tổng kim ngạch của toàn ngành, 28/36 tỷ USD xuất khẩu năm 2018. Thủ tướng cho rằng, cơ cấu sản phẩm phải tính lại một cách cụ thể hơn để có sự phân công sản xuất tốt hơn…
Thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, phải tạo ra thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp mang tầm thế giới, khu vực, mang lại lợi ích lâu dài cho đất nước, cho thế hệ mai sau. Đến năm 2030, phải phấn đấu xuất khẩu 100 tỷ USD. Phấn đấu đến 2030 có ít nhất 30 thương hiệu của ngành dệt may Việt Nam đóng góp vào thị trường thế giới, đứng tốp đầu của thế giới.