Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, người dân không chỉ có nhu cầu “được sống” mà còn muốn sống tốt hơn. Sự yếu kém về thể chế trong các vấn đề bảo vệ tài sản cá nhân, môi trường hoặc yếu kém về an sinh như dịch vụ giáo dục, y tế… có thể khiến một nước bị “chảy máu nhà giàu”, khi những người dân đủ điều kiện bỏ ra nước ngoài để tìm kiếm một cuộc sống tương xứng với tài sản của họ. Trung Quốc là một thí dụ điển hình.
> Di dân thời toàn cầu hóa (kỳ 1): Châu Âu bị ruồng bỏ
Một cách “bảo hiểm”
Triệu phú Su xây dựng những ngôi nhà chọc trời ở Bắc Kinh và là một trong những người góp phần đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn trên thế giới. Nước ông đang ngày càng được nhìn nhận như một thế lực sẽ khuynh đảo thế giới trong thế kỷ 21.
Tuy nhiên, cũng như nhiều người giàu Trung Quốc khác, ông đang mong đợi ngày rời bỏ đất nước. Theo một khảo sát mang tên 2011 Private Wealth Report do China Merchants Bank và Công ty tư vấn Bain & Company công bố, có đến 60% số người Trung Quốc được hỏi cho biết đã hoàn tất các thủ tục định cư ở nước ngoài hoặc đang cân nhắc việc đó.
Người giàu Trung Quốc muốn rời bỏ đất nước để hưởng một cuộc sống tốt hơn. |
Trong số những người có tài sản từ 100 triệu NDT (33 tỷ VNĐ) trở lên, 27% đã di cư sang nước ngoài, trong khi 47% đang chuẩn bị.
Theo Caixin, một trang web Trung Quốc chuyên về tài chính, tăng trưởng đầu tư ra nước ngoài của cá nhân người Trung Quốc đạt 100% trong giai đoạn 2008-2010. Đầu tư là một cách dễ dàng để được cấp visa nhập cư theo diện doanh nhân ở nhiều nước.
Thí dụ, chỉ cần đầu tư từ 500.000USD, thuê tối thiểu 10 nhân viên người Hoa Kỳ trong vòng 2 năm là có thể được cấp visa đầu tư (EB-5). Caixin cho biết số người Trung Quốc dùng đầu tư để nhập cư vào Hoa Kỳ tăng 73% trong 5 năm qua.
Tại sao người giàu Trung Quốc muốn ra đi? Theo triệu phú Su, ông muốn bảo vệ tài sản và cũng muốn có thêm đứa con thứ hai - một điều bị cấm ở Trung Quốc. Những người giàu nhất Trung Quốc đang muốn dùng quyền định cư ở nước ngoài như một cách “bảo hiểm” cho của cải và đời sống của họ.
“Ở Trung Quốc, không có thứ gì thuộc về bạn. Như bạn mua nhà nhưng nó sẽ thuộc về Nhà nước sau 70 năm. Còn ở nước ngoài, nếu bạn mua nhà, nó sẽ vĩnh viễn thuộc về bạn. Cả các doanh nhân lẫn quan chức chính phủ đều lo lắng cho sự an toàn tài sản của họ” - triệu phú Su nói. Người Trung Quốc cảm thấy bất an đối với cả an toàn cá nhân, tài sản và tương lai của họ.
Trong một khảo sát gần đây của Gallop Wellbeing, những người tham gia khảo sát được yêu cầu dùng 3 từ để mô tả chính xác đời sống của họ, gồm “phát đạt”, “khó khăn” và “khổ sở”. Chỉ 12% người cho rằng đời sống của họ “phát đạt”, trong khi 17% mô tả “khổ sở”, 71% “khó khăn”.
Tỵ nạn an sinh
Ngoài mục đích bảo toàn tài sản, người giàu Trung Quốc còn ra đi vì muốn hưởng những dịch vụ an sinh tốt hơn. Với họ, có nhiều vấn đề dù phức tạp đến đâu cũng có thể giải quyết bằng tiền. Nhưng có những vấn đề tiền cũng không thể giải quyết được và trong đó có những vấn đề rất cơ bản. Chính điều này đã thôi thúc họ ra đi.
Có thể kể ra rất nhiều vấn đề chỉ có thể cải thiện bằng cách thay đổi nơi sinh sống: luật và quy định, hệ thống giáo dục, phúc lợi xã hội, môi trường đầu tư, an toàn thực phẩm…
Nói ngắn gọn, theo CNN, đây là những thứ thiết yếu nhất mà bất kỳ nước nào cũng cần thỏa mãn được người dân để bảo đảm rằng họ hạnh phúc. Tiếc thay, tại những nước đang phát triển như Trung Quốc, những vấn đề này vẫn thuộc diện “muốn mà chưa được”.
Một khảo sát của Hurun Research Institute, cơ quan chuyên xếp hạng nhà giàu Trung Quốc, 60% triệu phú cho biết lý do chính họ muốn rời bỏ đất nước là để tìm kiếm một môi trường giáo dục cho con cái. Khảo sát được thực hiện trên 18 thành phố Trung Quốc từ tháng 5-9 năm nay.
Tình trạng “tỵ nạn giáo dục” ở Trung Quốc ngày một tăng, bình quân trên 20%/năm kể từ năm 2009. Theo một bài viết trên Bloomberg ngày 14-11, số sinh viên Trung Quốc du học tại Hoa Kỳ tăng 23% trong năm nay, lên 157.558 người, chiếm hơn 1/5 tổng sinh viên ngoại quốc ở Hoa Kỳ. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Trung Quốc gửi nhiều sinh viên đến Hoa Kỳ nhất, theo sau là Ấn Độ (103.895 sinh viên).
Số liệu này được lấy từ Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) ở New York. Theo Peggy Blumenthal, cố vấn cao cấp cho Chủ tịch IIE, chính sách 1 con ở Trung Quốc giúp các bậc phụ huynh nước này có nhiều điều kiện để chăm lo cho con cháu mình. “Cha mẹ và cả 4 ông bà nội, ngoại cùng lo cho 1 người con/cháu” - Blumenthal nói. Nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, như Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình (người được mong đợi thay thế ông Hồ Cẩm Đào), cũng cho con du học.
Dù kinh tế ngày càng tự do hơn, nhưng Chính phủ Trung Quốc vẫn kiểm soát chặt chẽ nhiều mặt của đời sống hàng ngày, trong khi những yếu kém trong việc cải thiện y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm... vẫn chưa được cải thiện đáng kể để có thể đáp ứng những nhu cầu tối thiểu này.
Vì thế, nếu không ra đi, người giàu cũng phải chịu cùng cảnh ngộ với người nghèo trong những vấn đề cơ bản nhất của đời sống. Lấy vấn đề an toàn thực phẩm làm thí dụ. Năm ngoái, một phụ nữ di cư Trung Quốc ở Canada trả lời trên tờ International Herald Tribune rằng bà ra đi vì vụ sữa Sanlu (sữa nhiễm độc).
Nhiều người Trung Quốc than phiền họ không biết phải ăn gì, vì cứ vài ngày lại nghe thực phẩm này có chất ung thư, thực phẩm kia vi phạm quy định về an toàn.