Đã có một thời, chi nhánh của một CTCK nằm trên đường Võ Văn Tần, quận 3, TPHCM được coi là chợ cổ phiếu OTC (giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết trên sàn) sôi động bậc nhất thị trường với mặt hàng chủ lực là cổ phiếu Eximbank (EIB). Cảnh môi giới vai kẹp điện thoại, tay liên tục đếm tiền rồi xếp thành từng chồng; hay NĐT một tay cầm tiền, tay kia bắt tay chốt giá với đối tác rồi hối hả đến khu vực quản lý sổ cổ đông chen chúc để sang tên, vẫn còn in đậm trong tâm trí của nhiều người.
Nhờ vậy, từ chỗ làm môi giới ăn “lai” không ít người đã trở thành đại gia thắng “lớn”, nhưng cũng có những vụ lừa đảo khiến không chỉ NĐT “bị hại” mà cả “chủ chợ” cũng méo mặt.
Có người phất lên hồi đó, giờ lại “về mo” dù nói nhát gừng rằng “cũng tiếc” hoặc “hơi tiếc tiếc”, nhưng ánh mắt hụt hẫng đã cho thấy sự nuối tiếc của họ. Tiếc một cái chợ, nhưng cũng là tiếc cho chính mình, cho một thời hoàng kim của TTCK mới đó đã qua mau.
![]() |
"Phố Wall" Việt Nam giờ đã không còn như thời hoàng kim 2007. Ảnh: THÁI CA |
Vậy có bao nhiêu “địa danh” mang tính lịch sử trên TTCK như chợ OTC vừa nói đến? Đem vấn đề này hỏi nhiều người có thâm niên trên thị trường, đa phần đều mất vài phút suy nghĩ mới đưa ra được đáp án chung: rất ít.
Nguyên nhân có cả chủ quan lẫn khách quan, nhưng TTCK sụt giảm chỉ là một phần. Một NĐT là kiến trúc sư gợi ý: Không chỉ những địa điểm “thực” mà cả không gian ảo - những website, diễn đàn liên quan đến chứng khoán - là nơi tụ tập lý tưởng của dân chứng khoán.
Thay vì phải la cà quán xá tốn thời gian, NĐT có thể “tụ tập” trên các diễn đàn chứng khoán, chat room để nghe ngóng thông tin. Những website c...vn hay f....com một thời trở thành “quyền lực mềm” trên TTCK.
Các “sàn ảo” này đã khiến nhiều đại gia vốn siêng lên sàn nay lại thích ngồi nhà để tĩnh tâm, nhận định thị trường và quyết định giao dịch. Và cũng chính điều này làm khu vực đường Nguyễn Công Trứ, Phó Đức Chính tại quận 1, TPHCM được mệnh danh “Phố Wall của Việt Nam” kém sôi động hơn trước.
Vậy các quán cà phê chứng khoán thì sao? Ông L., phó tổng giám đốc một NHTM chia sẻ: Mở được một quán cà phê dành cho dân chứng khoán rất “lợi hại” cho cả chủ quán lẫn khách hàng. Tại đây NĐT sẽ có một không gian riêng với sự phục vụ riêng để thả hồn theo “chứng cổ”.
Nhiều quán đã thu hút được một lượng khách hàng nhất định, biến thành “chợ” sôi động của các đối tác giao dịch, hoặc đứng ra môi giới các thương vụ. Nhưng hình ảnh này đã trở thành quá khứ. Số phận của các quán cà phê chứng khoán đã theo... thị trường, quán thì đóng cửa, quán chẳng ai ngó ngàng.
Anh K., một môi giới nhiều kinh nghiệm, lý giải: Các quán cà phê chứng khoán thất bại vì không có... đại gia chống lưng. Chủ quán là dân chứng khoán chưa đủ mà phải có tầm vóc để thu hút NĐT. Nếu không phải có những đại gia “cắm cọc” thường xuyên ở quán để kéo NĐT khác đến.
Thực tế, đã có những quán cà phê trong khuôn viên một số khách sạn nằm trên đường Nguyễn Huệ, quận 1 là nơi một số đại gia, thậm chí quan chức của ngành chứng khoán hay ngồi vào buổi sáng. Nhưng đây lại là những quán có phần sang trọng, không “gần gũi” với giới chứng khoán bình dân nên cũng chỉ lác đác vài đại gia ngồi với nhau.
Cũng có quán cà phê (nằm trong cao ốc I.) tình cờ trở thành nơi tụ tập của các đại gia chứng khoán, lãnh đạo CTCK nhưng lại là những người đã bỏ sàn hoặc chưa có việc làm mới tới hồi tưởng thời oanh liệt...
Một nơi cũng được nhắc đến như một địa danh chứng khoán là nhà hàng. Cuối năm 2009, nhà hàng V. tại đường Phạm Viết Chánh, quận 1 được dân chứng khoán nhắc đến khá nhiều. Một phần, nhà hàng có những nhân viên giỏi giao tiếp, truyện trò với khách hàng và tính phí lên đến vài trăm nghìn đồng/giờ.
Phần khác, nhà hàng đang dự định hợp tác kinh doanh với một CTCK có tiếng để tận dụng nguồn khách VIP. Website của nhà hàng này còn có cả chức năng kinh doanh... đại lý nhận lệnh chứng khoán. Nhưng khi ý tưởng này mới chỉ bắt đầu thì chất lượng của các “giao tiếp viên” nhà hàng quảng cáo là trí thức đã bị dư luận “đánh” tơi bời và CTCK kia “ớn” không muốn hợp tác nữa.
Hoặc như trường hợp nhà hàng P. nằm trên đường Hàm Nghi, cực thịnh trong giai đoạn 2009 đến giữa 2010. Dân chứng khoán muốn đến ăn trưa phải đặt trước từ sáng. Nghe đâu, một tiếp viên xinh xắn tại nhà hàng này đã tìm được ý trung nhân là người có tiếng trong giới đầu tư và đã “theo chàng về dinh”.
Nhưng bây giờ, đến quán này ngay giờ cao điểm (12 giờ trưa), vẫn còn bàn trống. Có người cảm thán: Đồ ăn vẫn ngon, nhân viên vẫn xinh, nhưng ít khách. Sao giống TTCK quá vậy? Cổ phiếu tốt, giá rẻ không ai mua.
Có lẽ, những “địa danh” đã gắn với chứng khoán một cách vô tình hay hữu ý cũng phải “theo” sự lên xuống, chìm nổi của thị trường.