Kế hoạch tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 theo Đề án 254 của Chính phủ đã bước vào giai đoạn 2. Từ đầu năm đến nay, hàng loạt các thương vụ sáp nhập đã được thực hiện. Đến nay, sau thương vụ sáp nhập Southern Bank vào Sacombank, từ tháng 10-2015, hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam hiện còn 27 NHTM cổ phần, 4 NHTM nhà nước và 3 ngân hàng TNHH một thành viên.
Sáp nhập để mạnh hơn
Theo các chuyên gia, nếu trong giai đoạn 1 (2011-2014) của Đề án 254, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tập trung vào xử lý các ngân hàng thuộc dạng yếu kém, nhằm loại bỏ những “mắt xích” có nguy cơ đổ vỡ, thì năm 2015 là điểm nhấn về sáp nhập với nhiệm vụ then chốt là tái cơ cấu toàn diện các ngân hàng, kể cả các ngân hàng đang hoạt động tốt.
Theo NHNN, việc sáp nhập này là để các ngân hàng hoạt động chưa tốt sẽ trở nên tốt và các ngân hàng tốt sẽ mạnh hơn. Việc sáp nhập trong giai đoạn 2 có sự tham gia của các ngân hàng lớn nên giới chuyên gia nhận định mang lại nhiều kết quả khả quan so với giai đoạn trước.
Từ đầu năm 2015 đến nay, 3 cặp đôi ngân hàng Maritime Bank - Mekong Bank, BIDV - MHB và Sacombank - Southern Bank đã về cùng nhà với nhau. Sự sáp nhập tự nguyện này được cho là sự cộng hưởng đem lại nhiều triển vọng dựa trên nhiều yếu tố tương quan. Trong đó, có thể thấy lợi ích thiết thực đầu tiên là quy mô ngân hàng sau sáp nhập sẽ tăng lên, từ đó ngân hàng có khả năng gia tăng lợi nhuận và giảm chi phí điều hành.
Cụ thể, thương vụ mở đầu sáp nhập của nhóm ngân hàng quốc doanh là cặp đôi BIDV - MHB đã hoàn tất tháng 5 vừa qua, được cho là “hổ mọc thêm cánh”. Sau khi bổ sung nguồn lực, BIDV sau sáp nhập nâng tổng tài sản lên trên 700.000 tỷ đồng, vốn điều lệ cũng tăng lên trên 34.000 tỷ đồng, mạng lưới kênh phân phối mở rộng lên gần 1.000 điểm trên cả nước, với tổng số lao động là gần 24.000 cán bộ, nhân viên.
Sự kết hợp giữa Maritime Bank và MDB cũng là sự tận dụng nguồn lực đôi bên để phát triển toàn diện. Sau sáp nhập, Maritime Bank đã có tổng tài sản lên tới 111.753 tỷ đồng, vốn điều lệ 11.750 tỷ đồng, mạng lưới giao dịch khoảng 300 điểm. Maritime Bank đã trở thành một trong những định chế tài chính với vốn điều lệ thuộc Top 5 và mạng lưới giao dịch thuộc Top 10 trong khối ngân hàng TMCP.
Tương tự, sau khi sáp nhập với Southern Bank, Sacombank thuộc Top 5 ngân hàng lớn nhất Việt Nam với tổng tài sản đạt 297.184 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt gần 24.506 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là 18.853 tỷ đồng; mạng lưới hoạt động lên đến 563 điểm giao dịch trên toàn quốc và 2 nước Lào, Campuchia.
Ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT Sacombank, nhìn nhận bước đầu của quá trình hợp nhất, các ngân hàng sẽ không tránh khỏi một số khó khăn như: dung hòa văn hóa kinh doanh, tích hợp hệ thống, giải quyết nguồn nhân lực… Tuy nhiên, xét về lợi ích dài hạn thì đều mang lại giá trị cộng hưởng lớn cho ngân hàng sau sáp nhập, cho cổ đông, khách hàng, xã hội và nhà nước.
“Bên cạnh đó, sau sáp nhập, ngân hàng mạnh hơn, số lượng thành viên trong ngành giảm, sẽ tạo ra khoảng trống thị trường cho các ngân hàng trụ vững, tồn tại và phát triển tốt hơn”, ông Dũng cho hay.
Xóa tên 9 ngân hàng
Số lượng NHTM tại Việt Nam nên rút xuống còn khoảng 15 ngân hàng. Việt Nam có quá nhiều ngân hàng, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh, qua việc tập trung của hoạt động các ngân hàng là ở những khu đô thị lớn, chỉ có khoảng 30% dân số Việt Nam có tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng. Việc rút gọn hệ thống còn 15 ngân hàng không những tạo thuận lợi cho thanh tra, giám sát mà còn tăng cường sức mạnh của các ngân hàng này qua việc tăng vốn chủ sở hữu, quản lý nợ xấu và tránh sự trùng lắp từ các mạng lưới dày đặc của ngân hàng. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, |
Năm 2015 là năm cuối cùng thực hiện đề án tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015. Quý 3 năm 2015 được dự báo sẽ tiếp tục đón nhận sự sáp nhập dồn dập của nhiều ngân hàng. Ngoài cặp đôi Saigonbank - Vietcombank đang lên kế hoạch sáp nhập thì nhiều ngân hàng khác cũng đang đàm phán để chính thức đề xuất lên NHNN chấp thuận.
Riêng Eximbank - NamA Bank mặc dù dư luận có nhiều tin đồn, nhất là trước đại hội cổ đông, tuy nhiên đến nay, có lẽ thương vụ này sẽ bất thành khi NamA Bank vừa chính thức lên tiếng sẽ không sáp nhập mà đi theo con đường tự tái cơ cấu. Còn Eximbank sẽ sáp nhập với ai, tái cơ cấu theo hướng nào thì còn phải chờ ngân hàng này tổ chức đại hội cổ đông bất thường về việc chốt lãnh đạo cao cấp, dự kiến diễn ra trong tháng 10 này.
Sau gần 4 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Kim Anh cho biết: “Đề án 254 đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, đạt được nhiều kết quả quan trọng theo đúng mục tiêu, định hướng, lộ trình đề ra, như nhiều chuyên gia nhận xét là điểm sáng trong tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế. Về cơ bản, NHNN đã kiểm soát được và từng bước xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, lành mạnh hóa môi trường kinh doanh ngân hàng. Việc sáp nhập, hợp nhất diễn ra mạnh mẽ nhằm vừa xử lý những tổ chức tín dụng yếu kém, vừa tăng quy mô, năng lực cạnh tranh của các ngân hàng”.
Theo NHNN, từ năm 2011 đến nay, số lượng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã giảm 17 đơn vị thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể, rút giấy phép. Trong đó, có 9 thương hiệu ngân hàng đã không còn trên thị trường đó là: DaiABank, Habubank, Ficombank, PGBank, VietNam Tin Nghia Bank, Westernbank, MDBank, MHB và Southernbank.
Theo lộ trình tái cơ cấu, NHNN đặt mục tiêu đến năm 2017, số lượng các ngân hàng sẽ giảm bớt xuống còn khoảng 20 đơn vị có quy mô lớn với khả năng cạnh tranh mạnh. Do vậy trong thời gian tới, sẽ còn nhiều thương hiệu ngân hàng biến mất khỏi thị trường thông qua các thương vụ mua bán, sáp nhập. Sau lần thanh lọc này, hệ thống ngân hàng được kỳ vọng sẽ trở nên lành mạnh hơn.