Khủng hoảng kinh tế toàn cầu, điều đầu tiên và quan trọng ảnh hưởng đến Việt Nam là thị trường tiền tệ. Do vậy không ít chuyên gia, nhà tư vấn, cơ quan quản lý đã có ý kiến trái chiều.
Điều này gây khó khăn trong việc điều hành cũng như gây tâm lý hoang mang cho người dân và nhà đầu tư. Xoay quanh vấn đề này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, có ý kiến cho rằng việc điều hành chính sách tiền tệ đang có vấn đề. Chẳng hạn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, nhưng lạm phát lại không giảm. Ông nghĩ sao về nhận định này?
TS. LÊ XUÂN NGHĨA: - Trong gói giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội tại Nghị quyết 11 của Chính phủ, chính sách tiền tệ là một trong những giải pháp quan trọng, có thể đẩy lãi suất của các ngân hàng thương mại (NHTM) tăng và chưa có xu hướng hạ nhiệt. Tuy nhiên, giải pháp này đã có tác dụng thiết thực, trực tiếp lẫn gián tiếp đến mục tiêu kiềm chế lạm phát của nền kinh tế.
Theo nguyên tắc, lãi suất của Ngân hàng Trung ương (NHTW) bao giờ cũng phụ thuộc vào việc cung ứng tiền của NHTW ra nền kinh tế. Nghĩa là nếu cung ứng tiền giảm, lãi suất NHTW tăng; ngược lại cung ứng tiền tăng, lãi suất NHTW giảm. Lãi suất đó được gọi là lãi suất thực, gián tiếp chi phối đến lãi suất huy động và cho vay của các NHTM.
Tuy nhiên, ở nước ta lãi suất của các NHTM ngoài sự phụ thuộc vào vào lãi suất của NHTW còn chịu sự chi phối của nhiều yếu tố khác, trong đó có lãi suất của trái phiếu chính phủ (TPCP). Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2011, tổng phương tiện thanh toán (M2) ra nền kinh tế tăng 3%, tương đương 80.000 tỷ đồng, nhưng hơn một nửa số tiền này đã vào TPCP, nửa còn lại mới vào khu vực tín dụng của NHTM.
Như vậy, lãi suất huy động và cho vay của các NHTM từ đầu năm đến nay cao là điều đương nhiên. Trong khi đó, hiện nay lãi suất của TPCP chưa được xem là lãi suất chuẩn của thị trường tiền tệ, do có những méo mó của những quy định hành chính, nên thực tế có một sự tách rời giữa 4 loại lãi suất: lãi suất NHTW, lãi suất TPCP, lãi suất liên ngân hàng và lãi suất tín dụng của các NHTM.
Như vậy, về nguyên tắc việc cung ứng tiền luôn có ý nghĩa quan trọng trong chi phối đối với toàn bộ hệ thống lãi suất nói chung. Từ đầu năm đến nay, cung ứng tiền giảm đã đẩy lãi suất của các NHTM lên cao, làm cho nhu cầu tiêu dùng và đầu tư giảm nhưng gián tiếp làm giảm áp lực lạm phát. Hơn nữa, lãi suất tăng cũng làm cho tỷ giá hối đoái giảm, góp phần thiết thực cho việc kiềm chế lạm phát của nền kinh tế. Nói như vậy để thấy rằng việc điều hành chính sách tiền tệ đang đi đúng hướng trong bối cảnh hiện nay.
- Như vậy lãi suất của NHTW có khả năng chi phối tổng khối lượng tiền tệ của nền kinh tế giống như NHTW các nước?
- Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) hay các NHTW khác trên thế giới khi điều hành lãi suất NHTW chủ yếu nhắm vào mục tiêu điều tiết khối lượng tiền tệ của các NHTM và nền kinh tế. Do vậy, khi sử dụng công cụ lãi suất, NHTW nhiều nước trên thế giới thường chỉ quan tâm đến lãi suất liên ngân hàng mà ít để ý đến lãi suất tín dụng của các NHTM.
Ở nước ta, NHTW thông qua các công cụ lãi suất cũng có khả năng chi phối tổng khối lượng tiền tệ của nền kinh tế, nhưng đôi khi NHTW đã bỏ qua thị trường liên ngân hàng và can thiệp vào lãi suất tín dụng của các NHTM như lập trần huy động… Điều này dễ gây khó khăn ngược lại cho NHTW trong việc điều hành chính sách tiền tệ cũng như quản lý, giám sát hệ thống NHTM; gây méo mó trong hệ thống NHTM.
- Theo ông, với diễn biến hiện tại của nền kinh tế, lãi suất ngân hàng từ nay đến cuối năm sẽ theo xu hướng nào?
- Mặc dù có xu hướng hạ nhiệt nhưng lạm phát vẫn có thể bùng phát trở lại. Bởi lẽ, giá dầu và giá lương thực thế giới dự báo vẫn ở mức cao và có khả năng tiếp tục gia tăng. Tỷ giá từ đầu năm đến nay theo chiều hướng ổn định, nhưng vẫn còn sức ép bất ổn cuối năm từ tác nhân đáo hạn tín dụng ngoại tệ và thâm hụt thương mại của nền kinh tế.
Đặc biệt, trong khi chính sách tiền tệ đang phát huy hiệu quả trong kiềm chế lạm phát, thì chính sách tài khóa, cụ thể là đầu tư công vẫn chưa cắt giảm được như kỳ vọng. Tháng 6-2011 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,09% và tháng 7 tăng 1,17%.
Nhiều dự đoán đến cuối tháng 8 đầu tháng 9 chỉ số CPI mới giảm nhanh, đến lúc đó cơ bản mới có cơ sở cho lãi suất giảm. Như vậy, từ nay đến cuối năm nền kinh tế nước ta vẫn còn phải đối mặt với thách thức: vừa lạm phát cao, lãi suất cao và tăng trưởng chậm.
![]() |
Việc cung ứng tiền luôn có ý nghĩa quan trọng chi phối |
- Ông nhận định như thế nào về việc gần đây có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc có nên nới hạn mức tăng trưởng tín dụng không quá 20% trong năm nay?
- Đúng là có nhiều ý kiến cho rằng nên nới hạn mức tăng trưởng tín dụng lên khoảng 23% để hạn chế những khó khăn bất thường của nền kinh tế khi doanh nghiệp không thể tiếp cận được vốn tín dụng, nhất là giai đoạn nhu cầu vốn cao thời điểm cuối năm.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng nếu sớm nới lỏng hạn mức này có thể làm lạm phát bùng phát trở lại. Tuy nhiên, nên nhớ rằng hạn mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống NHTM không chi phối lạm phát, bởi ngoài phần tiền từ NHTM cung ứng ra nền kinh tế còn tiền của ngân sách.
Một rủi ro của hệ thống ngân hàng hiện nay là “thừa tiền” cục bộ ở một số NHTM. Do bị hạn chế tăng trưởng tín dụng và giảm dư nợ phi sản xuất, các NHTM huy động vốn rồi đem tiền đi mua TPCP. Trong khi đó doanh nghiệp không thể tiếp cận được tín dụng, khó khăn trong sản xuất kinh doanh và khiến cho khả năng thanh toán nợ thiếu vững chắc. 6 tháng đầu năm 2011, tăng trưởng tín dụng của hệ thống NHTM là 7%, nhưng nếu tính luôn tăng trưởng ròng TPCP, tín dụng của hệ thống NHTM tăng ít nhất cũng khoảng 9%. Như vậy, từ nay đến cuối năm tùy thuộc vào thái độ của các NHTM, dòng vốn tín dụng thực tế của các NHTM có thể tiếp tục tăng trưởng qua kênh TPCP.
- Theo ông, từ nay đến cuối năm Chính phủ cần có thêm “toa thuốc” tiền tệ nào để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn kiềm chế lạm phát hiệu quả?
- Chính sách tiền tệ đã phát huy hiệu quả tích cực trong kiềm chế lạm phát, nhưng rủi ro lạm phát đình đốn có thể xảy ra từ những phân tích trên. Vì vậy, vấn đề quan trọng hiện nay không phải là nới hay không nới hạn mức tăng trưởng tín dụng, mà cần phải cung ứng tiền sao cho đồng đều và hài hòa giữa các quý trong năm, tránh đầu năm thắt chặt cuối năm nới lỏng, lạm phát có thể bùng phát trở lại.
Trong 6 tháng đầu năm, tăng cung tiền chưa hợp lý, nên M2 chỉ tăng khoảng 3% so với cuối năm 2010, thấp hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ năm 2010 và mục tiêu 16% của cả năm. Đây là mức cung tiền quá thấp, ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP. Do vậy, NHNN cần tính toán tăng cung tiền một cách hợp lý, linh hoạt trong từng quý để không chỉ đảm bảo kiểm soát lạm phát, mà còn đảm bảo việc thực hiện được mục tiêu tăng trưởng của năm 2011.
Việc điều hành công cụ lãi suất của NHNN nên dựa trên sự ổn định của thị trường liên ngân hàng và đảm bảo thanh khoản cho các NHTM, tránh tình trạng chạy đua lãi suất tái diễn những thời điểm cuối năm. Ngoài ra, NHNN tiếp tục quyết liệt hơn với cuộc chiến chống đô la hóa để giữ ổn định thị trường ngoại hối, gia tăng dự trữ quốc gia. Khi tỷ giá hối đoái được bình ổn, vững chắc sẽ là nền tảng góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định lãi suất.
- Xin cảm ơn ông.