Thực tế khó khăn trong quá trình đổi mới, sắp xếp, tổ chức lại DNNN không phải là vấn đề kỹ thuật quản trị, mà chính là nhận thức về vai trò của DNNN trong thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Giải mã tồn tại
![]() |
Đó là việc xác định chức năng kinh tế của Nhà nước trong cơ chế thị trường, vai trò của thể chế kinh tế và lực lượng DNNN trong định hướng thị trường, sự phân vai của Nhà nước và thị trường.
Thực tế, từ đầu thập niên 90 đến nay, nhận thức về vai trò của DNNN tuy có thay đổi, nhưng tư duy xem DNNN như một lực lượng vật chất của Nhà nước để điều tiết thị trường vẫn là vấn đề khó vượt qua nhất. Nếu Nhà nước định hướng thị trường bằng công cụ chính sách và quy hoạch, sử dụng DNNN để bổ sung những khiếm khuyết của thị trường thì việc tổ chức, sắp xếp lại DNNN chỉ còn là vấn đề kỹ thuật.
Bởi lẽ, về lý luận cũng như thực tiễn cho thấy, không phải lúc nào thị trường cũng đúng trong việc phân bổ nguồn lực của nền kinh tế. Vì thế, sự thất bại của thị trường sẽ mang đến những hệ quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế, tạo nên những cuộc khủng hoảng.
Ở Việt Nam những năm gần đây, các cơn sốt nóng lạnh của thị trường bất động sản, chứng khoán, lương thực, thực phẩm… là minh chứng rõ nét về sự thất bại trong việc phân bổ nguồn vốn đầu tư, làm méo mó thị trường, lãng phí nguồn lực xã hội.
Để kinh doanh vốn của Nhà nước, như mô hình TCT Đầu tư tài chính Nhà nước (SCIC) hiện nay, cần đánh giá thực chất hiệu quả hoạt động của mô hình này. Theo đó, với số lượng DNNN sẽ cổ phần hóa ngày càng tăng, cần tổ chức 3 TCT quản lý kinh doanh vốn nhà nước theo mô hình SCIC, hoạt động như một công ty công cộng (như mô hình Công ty Đầu tư tài chính nhà nước của TPHCM - HFIC) đang hoạt động để nâng cao hiệu quả và trách nhiệm sử dụng vốn nhà nước. |
Về thuộc tính của kinh tế thị trường, cho đến nay vẫn bộc lộ 3 khuyết tật lớn: (i) Luôn có nguy cơ mất cân đối cung - cầu tạo ra các cuộc khủng hoảng thừa hoặc khủng hoảng thiếu.
(ii) Vì mục tiêu lợi nhuận và cạnh tranh, doanh nghiệp ít quan tâm đến lợi ích toàn cục, lợi ích cộng đồng, nên đã gây ô nhiễm, phá hoại môi trường, gian lận thương mại…
(iii) Kinh tế thị trường về bản chất là mô hình làm giàu cho thiểu số, tự nó không thể làm giàu cho mọi người. Những khuyết tật trên, các quốc gia, tùy theo điều kiện lịch sử và đặc điểm của mình cũng như mục tiêu của nhà nước đó, đề ra những công cụ quản lý khác nhau.
Khi nói đến phát triển bền vững, tức nhà nước có chức năng khắc phục 3 khuyết tật này của thị truờng. Nhà nước không bao cấp và không tạo ra rủi ro cho doanh nghiệp bằng các quyết định hành chính.
Hiện nay, hệ thống pháp luật nước ta trong quản lý kinh tế thị trường tuy chưa hoàn thiện, nhưng cũng đã phủ kín hầu hết các lĩnh vực. Hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế chưa cao do sự can thiệp của chính Nhà nước và ở nhiều cấp chính quyền không phù hợp với sự vận động của thị trường.
Mặt khác, Nhà nước lại thiếu công cụ và cơ chế giám sát, chế tài để bảo đảm các chủ thể tham gia các quan hệ thị trường tuân thủ “luật chơi” đã đề ra. Do đó, cùng với công cụ kế hoạch và các chính sách điều tiết vĩ mô, việc thành lập và sử dụng các tổ chức kinh tế của Nhà nước chính là sự bổ khuyết thị trường bằng lực lượng vật chất của Nhà nước.
Từ đó việc cải cách DNNN chính là tái cấu trúc lực lượng này nhằm làm tốt vai trò tham gia bổ khuyết để dẫn dắt thị trường, cung cấp tốt hơn các loại hàng hóa và dịch vụ công cộng. Đây chính là lý do tồn tại của DNNN.
Đề xuất các giải pháp
Trong Đề án tổng thể tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2013-2020, việc tái cơ cấu DNNN, trước hết là các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) là mục tiêu ưu tiên từ nay đến 2015.
Để hỗ trợ cho việc triển khai đề án này, tôi kiến nghị các giải pháp: Cần sửa đổi ngay những quy định không phù hợp đang cản trở quá trình cổ phần hóa DNNN liên quan đến vấn đề xác định giá trị doanh nghiệp; chọn đối tác chiến lược; bán cổ phần ưu đãi cho người lao động... nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, kể cả cổ phần hóa toàn TCT.
Mặc dù hiện nay Chính phủ đã dừng việc thành lập các TĐ kinh tế nhà nước và đã giảm bớt một số TĐ chuyển sang mô hình TCT, nhưng dù mang tên gọi gì, về bản chất vẫn mang tính hành chính, không phù hợp với quy luật phát triển doanh nghiệp.
Do đó cần tiếp tục đánh giá, xem xét lại những TĐ đã thành lập trong các năm qua, kể cả những đơn vị đã chuyển thành TCT để sắp xếp lại. Chính phủ không bảo lãnh tín dụng hoặc cho vay chỉ định đối với DNNN. Buộc tất cả DNNN phải huy động vốn qua cơ chế thị trường.
Chính phủ chỉ hỗ trợ tín dụng cho những DNNN hoạt động cung cấp công ích, không thu hút được các thành phần kinh tế khác đầu tư hoặc thực hiện nhiệm vụ chính trị do Chính phủ giao (loại doanh nghiệp này chịu sự giám sát bằng cơ chế riêng). Buộc tất cả TĐ, TCT nhà nước phải công bố thông tin như quy định đối với các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Đối với những DNNN hoạt động trong những lĩnh vực Chính phủ có chủ trương kêu gọi đầu tư dưới hình thức PPP, nên ưu tiên cổ phần hóa, mà phần đối tác nhà nước trong những doanh nghiệp này chỉ dưới 30% để các thành phần kinh tế khác tham gia.
Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các TĐ, TCT cần thực hiện chuyển giao theo sổ sách toàn bộ vốn đầu tư (gồm đầu tư mới và vốn sở hữu cổ phần do quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên tạo ra) về các công ty đầu tư tài chính nhà nước (các SCIC).
Các công ty này xây dựng kế hoạch thoái vốn hoặc tiếp tục kinh doanh bằng một Đề án tổng thể trình Chính phủ phê duyệt và báo cáo cho Quốc hội. Thực tế cho thấy cần thành lập một cơ quan ngang bộ để thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu (Nhà nước) quản lý toàn bộ vốn kinh doanh của Nhà nước; trên cơ sở đó xóa hoàn toàn cơ chế "chủ quản" hiện nay.
Cơ quan này chịu sự giám sát trực tiếp của Quốc hội. Cần dừng xu hướng trở lại cơ chế bộ chủ quản DNNN, mà hơn 10 năm trước Đảng đã có chủ trương tách chủ quản DNNN để minh bạch hóa quản lý nhà nước.