*Không còn nhiều dư địa giảm lãi suất cho vay
Nền kinh tế được dự báo phục hồi, các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng đã và đang đẩy mạnh các chương trình ưu đãi vay vốn đối với doanh nghiệp, song vẫn chưa có nhiều ý kiến lạc quan về việc hạ lãi suất cho vay, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận được nguồn vốn vẫn chưa thực sự khởi sắc vì còn vướng mắc nhiều vấn đề. ĐTTC đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, xung quanh vấn đề này.
Hỗ trợ DNNVV bằng các công cụ NHNN
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, hiện nay nhiều NHTM đã tung ra các chương trình cho vay với lãi suất thấp dưới trần huy động, vậy theo ông mặt bằng lãi suất trong thời gian tới có tiếp tục giảm và nguồn vốn có chảy ra thị trường?
Hiện dư địa kéo giảm huy động không còn và dư địa kéo giảm lãi suất cho vay cũng khó do NH khó giảm chi phí bởi dịch vụ thị trường tài chính của các NHTM không phát triển được. Nguồn thu của NH chủ yếu phụ thuộc vào chênh lệch huy động và cho vay. |
-TS. TRẦN DU LỊCH: - Việc lãi suất giảm do thời gian qua một số ngân hàng (NH) huy động dưới trần hoặc cầm tiền huy động không biết làm gì. Còn việc kéo giảm lãi suất, dư địa giảm đã nhiều lắm rồi. Đơn cử lạm phát 7%, lãi suất huy động 7%/năm, tức là dòng tiền bão hòa, gửi tiền đồng không có lãi suất.
Ở các nước lãi suất 1%/năm, nhưng lạm phát 0% thì còn dư được 1%, còn Việt Nam lạm phát và lãi suất bằng nhau là huề. Thời điểm lạm phát 18%, huy động 12%/năm, người gửi tiền thích thú vì gửi 1 tỷ đồng mỗi năm lấy lãi 120 triệu đồng, nhưng quên rằng 120 triệu đồng đó là vốn chứ không lãi, người gửi tiền sử dụng lãi cũng như tự sử dụng vốn của mình.
Khi huy động vào nhưng cho vay không được thì chi phí tài chính quá lớn, nếu càng kéo giảm càng khó khăn. Chưa kể có doanh nghiệp, NHTM mời chào 8-9%/năm nhưng không chịu vay, còn có doanh nghiệp đến xin vay 14-15%/năm nhưng NH không dám cho vay vì sợ mất tiền.
Do đó, chưa bao giờ chênh lệch lãi suất rủi ro do NHTM đánh giá dài như lúc này. Đây là bài toán rất khó giải quyết, muốn kéo giảm lãi suất rất cần sự điều hành linh hoạt từ chính sách để NHTM phục hồi trong giai đoạn yếu ớt này, đặc biệt là các NH nhỏ đang trong giai đoạn tái cấu trúc.
Chính sách tiền tệ chỉ còn dư địa là công cụ bơm tiền của NHNN trên thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở và các thị trường khác để xử lý tổng cầu của tín dụng.
- Song doanh nghiệp nhất là DNNVV vẫn kỳ vọng lãi suất sẽ giảm nữa?
- Muốn kéo giảm lãi suất phải kéo giảm lãi suất trung hạn. Dân gửi tiền chỉ muốn gửi 1, 2 hoặc 3 tháng, nhưng doanh nghiệp đi vay muốn vay 3 năm, 5 năm để mua máy móc, như vậy làm sao tính được dòng tiền? Do đó, vấn đề đặt ra để kéo giảm lãi suất trung hạn dĩ nhiên trước hết phải kéo giảm lãi suất ngắn hạn xuống, bên cạnh đó phải phát triển nhanh vai trò của các định chế tín dụng, kể cả thị trường chứng khoán để tạo sự đồng bộ cho thị trường tài chính.
Thị trường tài chính đứng trên 2 chân, gồm thị trường vốn trung, dài hạn và thị trường tiền tệ, nhưng ở Việt Nam thị trường tiền tệ đảm nhận luôn vai trò thị trường vốn nên bước đi còn khập khiễng. Hiện nay doanh nghiệp nóng ruột để hạ lãi suất, nhưng cơ quan quản lý nhìn thấy bung tín dụng cũng không được vì sẽ gây lạm phát ngay, còn nếu NHTM tăng tín dụng buộc hạ chuẩn tín dụng sẽ gây nợ xấu trong tương lai, chẳng khác gì tiếp tục đẩy cái khó về sau.
Theo tôi, từ nay đến cuối năm, kỳ vọng giảm lãi suất có nhưng không lớn lắm, lãi suất chỉ giảm được đối với doanh nghiệp có khả năng. Tuy nhiên, vấn đề hướng tới trong các năm tới là giảm lãi suất trung hạn, nhưng muốn vậy phải tăng sức cung mà hiện nay đang có dư địa cho NHNN bằng các công cụ của mình để tăng cung trung hạn xử lý.
Thời điểm này nên định hình lại cũng như tạo cơ chế, |
Chiến lược phát triển khối DNNVV
- Như ông nói, vậy các DNNVV vẫn sẽ tiếp tục khó khăn trong việc tiếp cận vốn vì sự “phòng thủ” của các tổ chức tín dụng?
- Tiếp cận nguồn vốn NH của DNNVV từ trước đến nay vẫn là một bài toán khó. Trong bối cảnh hiện nay, lạm phát còn rình rập phía trước, “cửa” kéo giảm lãi suất từ nay đến cuối năm rất hẹp và khả năng tiếp cận tín dụng còn khó khăn, nhất là đối với khối DNNVV.
Theo tôi, nhân thời điểm này thanh lọc, phát triển đội ngũ DNNVV, nên học tập Đài Loan, xem DNNVV như 1 chiến lược trong quá trình công nghiệp hóa đất nước. Phát triển DNNVV không chỉ là vấn đề của phát triển kinh tế mà là phương thức để làm giảm phân hóa giàu nghèo trong quá trình phát triển kinh tế thị trường.
DNNVV sẽ phát triển nhanh tầng lớp trung lưu, số người kinh doanh nhiều hơn, tạo cơ hội cho lớp trẻ chuyển từ làm thuê sang làm chủ. Đồng thời, cần có cơ chế hỗ trợ để các DNNVV không phụ thuộc vào các NHTM như hiện nay, bởi đối tượng của DNNVV không phải là NHTM.
Còn hệ thống NHTM Việt Nam hầu như chức năng giống nhau, về mặt pháp lý chưa phân khúc đối tượng khách hàng, dĩ nhiên từng NH cũng có làm nhưng nói định chế pháp lý thì chưa có. Chúng ta có định chế tín dụng vi mô, nhưng lại bị ám ảnh mãi thời kỳ đổ bể tín dụng nhỏ, giống như con chim bị thương thấy cành cây là sợ tên.
Cho đến nay, các DNNVV vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi, đặc biệt là trong tiếp cận nguồn vốn vay. Các doanh nghiệp nhỏ dường như luôn phải chờ sự “ban ơn” của các NHTM về tín dụng. Thời gian gần đây, do khó khăn chung của nền kinh tế nên nhiều doanh nghiệp, nhất là DNNVV, rơi vào thua lỗ, dừng hoạt động hoặc phá sản nên việc tiếp cận vốn ở khu vực này lại càng khó khăn hơn.
Vừa rồi Quốc hội định thuế thu nhập doanh nghiệp giảm xuống, DNNVV cũng được ưu tiên mức thuế thấp hơn, nhưng thật sự chưa tác động lớn đến khối doanh nghiệp này.
- Vậy theo ông, cần những chính sách gì để hỗ trợ thiết thực cho khối DNNVV?
10 năm trước tại TPHCM, tôi chủ trì soạn thảo để xây dựng Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, mấy năm gần đây Trung ương cũng có thành lập quỹ này nhưng tác động vẫn chưa đáng kể. Vì khi lập ra quỹ người ta chưa thấy lối thoát cho DNNVV là bằng định chế gì, bởi đó không phải là NHTM. |
- Trong chính sách, 5 lĩnh vực ưu tiên hiện nay NHNN chỉ đạo có DNNVV, nhưng việc cho vay là của NHTM. Nếu NHNN yêu cầu cho doanh nghiệp này hay doanh nghiệp kia vay thì không theo kinh tế thị trường, vì NHNN chỉ ra chính sách, cho vay NHTM chiếu theo nguyên tắc rủi ro ít lãi suất thấp, rủi ro cao lãi suất cao, rủi ro quá nhiều không cho vay.
Nhưng NHNN vẫn có công cụ để hỗ trợ, thí dụ như gói 30.000 tỷ đồng. Nếu ưu đãi lãi suất NHTM cho vay đúng đối tượng quy định, NHNN cho vay tái cấp vốn, NHTM sẽ cho doanh nghiệp vay. Do đó, tôi đề nghị đối với hệ thống DNNVV trong lúc định chế hỗ trợ cho họ chưa tốt, NHNN ưu tiên cho đối tượng này thông qua chính sách tái cấp vốn hay tái chiết khấu cho NHTM về đối tượng từ đó mới phát triển được.
Tuy nhiên, để hỗ trợ cho DNNVV về tín dụng, căn cơ vẫn là phát triển các định chế phù hợp như Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, định chế này cực kỳ quan trọng. Đồng thời, chúng ta cần phải dần dần chấm dứt tình trạng như một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nhưng phải mua một căn nhà phố để mỗi lần cần vay tiền cho xí nghiệp sẽ cầm căn nhà phố này đi thế chấp NH.
Trong chương trình trung và dài hạn sắp tới, về vị trí vai trò của DNNVV, quá trình tái cấu trúc nền kinh tế Chính phủ đang hướng tới tương lai là phát triển những định chế cho DNNVV để giảm phụ thuộc quá lớn vào NHTM.
Còn trong thời gian trước mắt, chính sách NHNN về 5 nhóm ưu tiên có DNNVV, tức là gắn chính sách, công cụ của NHNN với NHTM để khuyến khích NHTM thực hiện, tiến tới tín dụng là tín chấp chứ không phải tín dụng chủ yếu là đem tài sản thế chấp.
Mặc dù kinh tế đang còn trong giai đoạn trì trệ, nhưng tín hiệu cho thấy chúng ta đang thoát dần khỏi giai đoạn trì trệ để phát triển ổn định hơn trong tương lai. Hiện chính sách đã nhìn thấy và đang có hướng giải quyết, nên doanh nghiệp có thể tìm cơ hội trong dài hạn.
- Xin cảm ơn ông.